Hàng Việt có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ

Published Date
20/05/2022
Trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mà hàng Việt có mặt, có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ được xác định là thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng Việt. 

Cánh cửa xuất khẩu mở rộng
Ông Sergio Arevalo, đại diện Công ty Villalobos Modas (Brazil) cho biết, khu vực Nam Mỹ nói chung và đặc biệt là Brazil nói riêng đang là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu hàng dệt may, da giày và túi xách từ Việt Nam. Đơn cử, tại Brazil - thị trường tiêu thụ lớn nhất với quy mô dân số lên đến 200 triệu người, trung bình mỗi năm nhập khẩu hơn 236 tỷ USD hàng hóa và 30% trong số đó đến từ khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Còn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, có 3 nhóm hàng hóa xuất khẩu mạnh vào thị trường Brazil từ đầu năm đến nay: giày dép các loại đạt 33,18 triệu USD, dệt may đạt 12,73 triệu USD và túi xách, ví, vali, nón, dù đạt 3,33 triệu USD.
Khác với thị trường Brazil và Nam Mỹ nói chung, thị trường Ấn Độ lại được đánh giá rất tiềm năng với các doanh nghiệp xuất khẩu trà và cà phê. Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan) cho biết, năm 2021 lần đầu tiên thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vượt mốc 13 tỷ USD, tăng 36,5% so với năm 2020. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trà và cà phê, nhất là sản phẩm cà phê hòa tan là những sản phẩm đang được thị trường 1,4 tỷ dân này ưa chuộng. Hiện việc thu mua 2 sản phẩm này từ Việt Nam đang được nhiều doanh nghiệp Ấn Độ tìm kiếm. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp Ấn Độ thông qua các hoạt động xúc tiến của Bộ Công thương tìm đến Việt Nam để thu mua nhằm phục vụ cho chế biến, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Không chỉ vậy, sản phẩm cà phê Việt còn có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu khi nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc. Ông Trương Tế Đông, Chủ tịch Hiệp hội Đồ uống TP Trùng Khánh và ông Dư Cường, Phó Cục trưởng Cục Thương mại TP Toại Ninh, tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) thông tin, mặc dù Trung Quốc là nước gánh chịu hậu quả đáng kể từ đại dịch Covid-19 nhưng điều này không làm giảm nhu cầu tiêu thụ cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc, tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%. Hiện trong tháng 5, có 60 doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác xuất khẩu cà phê.
Còn với thị trường xuất khẩu truyền thống như châu Âu thì thủy sản sẽ là mặt hàng chiếm ưu thế. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Bộ Công thương), cho biết, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ tháng 8-2020, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở 0%-22%. Số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình 3-7 năm. Nhờ vậy mà thủy sản Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh về giá so với các sản phẩm cùng ngành ở các nước khác.
Hiện 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU gồm Hà Lan, Đức, Bỉ, Italy và Pháp (tổng cộng chiếm 72%). Xuất khẩu tất cả các sản phẩm chính sang EU đều tăng trưởng ở mức 2 con số. Đáng lưu ý, xuất khẩu hàng nhuyễn thể có vỏ sang thị trường EU tăng mạnh 37%, đạt 87 triệu USD. Điểm bất ngờ nhất là sản phẩm nghêu đã trở thành loài thủy sản có giá trị xuất khẩu lớn thứ 4 sang thị trường EU.
Nhiều ngành hàng vươn lên tốp 1 thế giới 
Nhóm ngành hàng điều, dệt may, gỗ… của Việt Nam đã dần tiến lên vị trí tốp đầu xuất khẩu của thế giới. Cá biệt, tại một số thị trường, hàng xuất khẩu Việt Nam đã vượt mặt Trung Quốc - vốn được xem là nước có nguồn lực lớn và rất khó cạnh tranh về số lượng đơn hàng cũng như giá thành sản phẩm.

Hàng Việt có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ ảnh 1
Dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG Hùng 
Giải thích về vấn đề này, Hiệp hội Dệt may cho biết, sở dĩ Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam vào tốp đầu các nước xuất khẩu dệt may vào thị trường nước này bởi doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chủ động chuyển đổi sản xuất từ rất sớm. Cách đây 5 năm, ngay sau khi thị trường thời trang thế giới dịch chuyển phát triển theo hướng “xanh hóa”, các doanh nghiệp dệt may Việt đã chuyển đổi toàn bộ công nghệ sản xuất. Cụ thể, doanh nghiệp đã ưu tiên nhập khẩu hoặc sản xuất vải nguyên liệu thân thiện môi trường. Kế đến, toàn bộ dây chuyền sản xuất đã được cải tiến, đầu tư mới để giảm thiểu sử dụng năng lượng hóa thạch, lượng chất thải phát sinh cũng phải được xử lý và tuần hoàn tái sử dụng. Trên cơ sở đó, hiệp hội đã nhanh chóng bắt tay với các tổ chức môi trường, quỹ bảo vệ môi trường toàn cầu để tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính nhằm chuyển đổi sang sản xuất xanh. Và kết quả từ đó đến nay, các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may là thành viên của hiệp hội đã tự tin duy trì cũng như ngày càng mở rộng thị phần của mình sang Mỹ cũng như nhiều nước khác.

 

Hàng Việt có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ ảnh 2
Hàng dệt may là một trong các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Ảnh: HOÀNG Hùng 
Tương tự, Hiệp hội Chế biến gỗ cho biết, ngay thời điểm các thị trường xuất khẩu chỉ tiếp nhận sản phẩm gỗ chế biến từ rừng trồng, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã bị ngưng xuất khẩu vì không đáp ứng rào cản. Thế nhưng, rất nhanh, các doanh nghiệp đã bắt tay với nông trường, hợp tác xã, hộ nông dân để gia tăng diện tích rừng trồng. Và chỉ sau 5 năm, Việt Nam đã vươn lên tốp đầu nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Hoa Kỳ và châu Âu. 

Hay như trường hợp sản phẩm mật ong, chỉ 2 năm kể từ khi gia nhập thị trường xuất khẩu, sản phẩm này của Việt Nam đã chiếm vị thế ưa chuộng số 1 trên thế giới. Tại thị trường Hoa Kỳ và châu Âu, rất khó có sản phẩm mật ong nước nào có thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, khi sản phẩm mật ong của Việt Nam bị Hoa Kỳ đánh thuế hơn 400%, thị trường gần như đã đóng cửa hoàn toàn. Thế nhưng, không bỏ cuộc, nhiều doanh nghiệp đã cùng liên kết với Bộ Công thương để đấu tranh chống lại mức thuế phi lý mà các nước đang áp dụng. Kết quả đến nay, mức thuế xuất khẩu mặt hàng này tại Hoa Kỳ đã giảm từ 400% còn 60%. Mức thuế còn cao nhưng cũng đã mở đường để sản phẩm này quay lại thị trường Mỹ.
Câu chuyện trên chỉ là số ít trong số các sản phẩm được xếp vào hạng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, qua những gì đã xảy ra đủ để chứng minh rằng, sức sống hàng Việt ngày càng mạnh mẽ. Và dù cho rào cản kỹ thuật do các nước dựng lên có nhiều đến đâu thì chỉ cần doanh nghiệp gắn kết, chủ động chuyển đổi thì không thể làm khó doanh nghiệp Việt và sản phẩm Việt.

Nỗ lực vượt rào cản kỹ thuật
Thị trường xuất khẩu mở rộng với hàng Việt tăng, nhưng kèm với đó là không ít thử thách. Cam go nhất chính là yêu cầu của người tiêu dùng tại các thị trường này ngày càng “khó tính” với chất lượng hàng hóa phải an toàn hơn cho sức khỏe.
PGS Nguyễn Xuân Hồng, Chuyên gia tư vấn về SPS (các biện pháp về vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động vật trong thương mại) cho biết, nhìn chung, các rào cản kỹ thuật mà nhiều thị trường xuất khẩu áp dụng tập trung chủ yếu vào các vấn đề an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, vệ sinh và an toàn thực phẩm, và có hệ thống cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu. Hiện tại, tùy theo yêu cầu của mỗi thị trường mà tiêu chuẩn các chất cấm hoặc cho phép với tỷ lệ nhất định khác nhau.
Trên thực tế, các lô hàng khi xuất khẩu đều được cơ quan hải quan kiểm tra ngẫu nhiên hoặc tất cả. Các nhà nhập khẩu của các nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo tất cả thực phẩm nhập khẩu đều tuân thủ yêu cầu của luật thực phẩm và cung cấp được bằng chứng về sự tuân thủ của mình khi được yêu cầu. Vì thế, họ phải yêu cầu nhà cung cấp Việt Nam đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm.
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ NN-PTNT, cho hay, chỉ tính từ cuối tháng 3 đến nay, văn phòng đã tổng hợp có đến 79 thông báo của WTO về dự thảo cũng như những chính sách mới được các thị trường xuất khẩu áp dụng liên quan đến quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và động thực vật. Trong dó, phần lớn thay đổi tập trung ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Brazil… Do vậy, nếu doanh nghiệp không chủ động tiếp nhận và chuyển đổi sản xuất cho phù hợp thì nguy cơ bị đóng cửa thị trường là khó tránh khỏi.
Ở góc độ khác, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động kết nối với Bộ Công thương để được hỗ trợ tiếp cận thị trường. Có như vậy mới đi nhanh, đi chắc trên thị trường xuất khẩu đang mở rộng cánh cửa chờ doanh nghiệp Việt.
MINH XUÂN

ÁI VÂN