Hành trình vun đắp yêu thương của nàng dâu Việt ở Đức
Làm việc chăm chỉ để thực hiện ước mơ
Chị Chị Phan Hà Anh (Hà Anh Effenberger) sinh ra tại Hải Phòng. Bố mẹ chị không nhiều tiền bạc nhưng rất thương con. Ký ức tuổi thơ chị luôn ghi nhớ bữa cơm nghèo, cả nhà chỉ có bát nước mắm và một quả trứng. Bố mẹ ăn cơm cùng nước mắm, hai chị em mỗi đứa một nửa quả trứng. Dù vậy mọi người rất thương yêu nhau. Mẹ chị đã dạy chị rằng: “Người ta khổ không phải do nghèo mà do tâm, chỉ cần không lười biếng là sẽ có cái ăn”.
Chị Phan Hà Anh
Như được thừa hưởng sự kiên cường từ mẹ, chị luôn nỗ lực hết mình để vươn lên trong học tập. Nhất là việc học ngoại ngữ, chị biết nói ba thứ tiếng Anh, Trung, Nhật… Cũng nhờ vậy, chị xin được việc làm trong khách sạn. Và đây chính là cơ duyên chị quen với anh Uwe Effenberger, quốc tịch Đức- chồng chị bây giờ.
Chị sang Đức năm 2004. Sau đó sinh con và ở nhà làm nội trợ suốt 10 năm. Những năm gần đây khi con cái đã lớn khôn, chị mới mở tiệm làm nail và đi học trở lại. Hiện tại, chị đang học ngành Văn hóa học Châu Âu.
Dù ở hoàn cảnh nào, chị cũng luôn cố gắng trau dồi kiến thức để không bị lạc hậu với thời cuộc và xã hội bên ngoài”. Chị đã xuất bản hai quyển sách "Hành trình đi tìm hạnh phúc", “Làm dâu nước Đức”; tham gia dịch quyển “Hậu trường WikiLeaks" của tác giả Daniel Domscheit-Berg. Truyện ngắn “Những bí mật trong tuần thiên nhiên” của chị đạt giải tư Trong cuộc thi Vận động sáng tác dành cho thiếu nhi do Nhà xuất bản Kim Đồng và Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức năm 2012.
Gia đình hạnh phúc của chị Phan Hà Anh – anh Uwe Effenberger, con gái Sophie-Linh, con trai Tim –Long
Ngày đầu bỡ ngỡ về nhà chồng
Chị Phan Hà Anh kể rằng: “Lúc đặt chân đến nước Đức, chị chẳng có kinh nghiệm gì về nấu nướng. Sau khi cưới, mẹ chồng hỏi: “Con có biết nấu ăn không?”. Chị trả lời không. Bà hỏi: “Thế hai đứa sẽ ăn gì?”. Chồng chị đỡ lời: “Chúng con đi ăn fastfood”. Cả nhà bật cười, còn chị đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Sau đó, chị quyết tâm tự học nấu nướng. Theo chị thì tự học nấu ăn không khó, nhưng cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Chẳng hạn như là lần đầu tiên chị làm bánh. Trong công thức có ghi Prise Salz, có nghĩa là một chút muối, chị cứ nghĩ là một loại muối đặc biệt nào đó nên cất công đi siêu thị tìm. Lúc đó chị đang mang thai chẳng may ngất xỉu giữa siêu thị. Sau này mọi người hay trêu chọc chị đi cấp cứu chỉ vì một chút muối.
Lần khác, chị nấu bánh trôi nước mời mẹ chồng đến ăn. Bà cắn một miếng, bánh dính chặt vào răng, nuốt xuống không được, nghẹn ở cổ, bà không nói được nên lời. Chị cứ tưởng mẹ chồng cảm động nên mời “mẹ ăn nữa đi” cho đến khi bà vào toilet nôn ra mới thôi.
Dù còn nhiều bỡ ngỡ, vụng về nhưng mẹ chồng luôn bao dung, không phàn nàn gì. Bà xem chị như con gái ruột. Bà còn truyền cho chị rất nhiều kinh nghiệm nấu ăn. Một năm sau kể từ lần ra mắt nhà chồng, chị đã nấu được rất nhiều món mẹ chồng dạy. Thỉnh thoảng chị còn mời gia đình chồng đến thưởng thức tài nghệ của mình. Đến nay thì mẹ chồng chị đã tự hào về con dâu lắm, đi đâu cũng dẫn con dâu theo khoe.
Dù sống ở nước ngoài nhưng chị Hà Anh vẫn nặng lòng thương nhớ món ăn Việt
Chồng chạy xe suốt ba tiếng đồng hồ chỉ để về ăn cơm vợ nấu
Những món mà một thời chị từng nghĩ là khô như củi (như cá duội khô, tôm khô, cá mòi, cá nục, rau muống luộc, rau cải xào, mùng tơi, rau đay… ) khi sang xứ lạ quê người chị nhớ nó đến nao lòng. Dù cố gắng làm quen nhưng chị không ưa được món Tây nên chuyện trên bàn ăn nhà chị: chồng ăn giò nướng kiểu Đức, vợ ăn rau muống, cà pháo mắm tôm là chuyện bình thường. Hay khi chồng ăn bánh mì khô khốc vào buổi sáng chị lại bê một bát phở gà nghi ngút khói. Chồng chị thấy chị ăn mà thèm thuồng đề nghị được cho ăn thử. Một số người bạn than phiền với chị: “Làm sao tao có thể sống được với người mà khi ăn cứ chồng dĩa vợ đũa”. Chị cười cảm thông: “Mình hiểu hoàn cảnh đó lắm chứ, nhưng bây giờ thay vì khóc tủi thân, nhịn ăn, mình lại nấu cho mình đánh chén. Biết cách dung hòa lợi ích của cả hai thì mọi chuyện sẽ ổn”.
Sự khác biệt về văn hóa không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chị. Chồng chị những khi đi công tác xa, công ty đặt khách sạn để nghỉ ngơi nhưng anh sẵn sàng từ bỏ những bữa cơm nhà hàng sang trọng, chạy xe suốt 3 giờ đồng hồ mưa gió về ăn cơm với vợ. Đồng nghiệp bảo sao không ở lại cho vui, anh nói đùa: “Em về vợ em nó mát xa chân cho em”. Còn anh thì nói với vợ: “Bụng anh giờ chỉ ăn đồ em nấu thôi. Ăn ngoài hàng dễ bị đau bụng lắm”
Cả nhà gói bánh chưng vào dịp Tết
Sống chậm để cảm nhận vị ngọt của yêu thương
Nhiều người nói rằng sau khi kết hôn tình yêu sẽ giảm đi, nhưng chị lại nghĩ khác. Chị cho rằng: Tình yêu trước hôn nhân như đợt sóng dâng trào, chỉ mong muốn dâng hiến cho người mình yêu, cả tâm hồn thậm chí cả mạng sống. Tình yêu sau hôn nhân như ngọn núi lửa chứa trong lòng nó dòng nham thạch cháy âm ỉ. Cuộc sống vợ chồng là cả một chuỗi chia sẻ: chia sẻ tính cách, chia sẻ khó khăn và chia sẻ những thứ không hoàn thiện của nhau. Theo thời gian, chị cảm thấy gia đình mình gắn bó bền chặt hơn, chứ không như người ta nói sau hôn nhân, tình yêu chấm dứt chỉ còn trách nhiệm và nghĩa vụ.
Quan niệm hạnh phúc của chị rất đơn giản: “Hạnh phúc là khi mình khóc có một người đàn ông bên cạnh lau nước mắt, khi cười có người ấy cùng cười , khi suy sụp được người ấy vực dậy bằng những lời nói tận đáy lòng”. Chị luôn cảm ơn chồng đã mang đến tình yêu, an ủi chị mỗi khi nhớ nhà hay cảm xúc bất chợt lên xuống như thủy triều”.
Đôi khi chị cũng mang trong mình những nỗi buồn vu vơ của người nhạy cảm với những trăn trở về thân phận xa xứ. Song điều đó như cơn gió thoảng qua đi, những yêu thương và bận rộn với gia đình nhanh chóng kéo chị về với thực tại, với không gian nhỏ bé có bốn người rúc rích như một tổ chim cu. Chị yêu lắm giàn hoa hồng trước cửa mà ngày nào cũng ra đứng ngắm. Chị cặm cụi nấu nướng những món ngon nhất chồng thích mà không biết mệt để chờ chồng về với vòng tay ôm chặt từ phía sau. Chị hiểu rằng mình đang sống chậm để cảm nhận vị ngọt của yêu thương.
Thu Ba