Hệ lụy khi phương Tây ra đòn trừng phạt loại Nga khỏi SWIFT

Published Date
28/02/2022

VOV.VN - Một số chuyên gia cho rằng, việc loại Nga khỏi SWIFT sẽ không đồng nghĩa với việc cắt đứt liên hệ của Nga với nền kinh tế toàn cầu. Thậm chí, nó có thể gây phản ứng ngược.

Nguy cơ bị phản đòn

Phương Tây đã trừng phạt Nga bằng gói các biện pháp chưa từng có nhằm “bóp nghẹt” nền kinh tế Nga, khi nước này tấn công Ukraine. Trong đó, lá bài trừng phạt chiến lược SWIFT, sau nhiều tranh luận cũng đã chính thức được Mỹ và châu Âu tung ra.

Bị loại khỏi SWIFT - “Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên Ngân hàng Toàn cầu” là đòn trừng phạt cuối cùng có thể khiến Điện Kremlin phải lo ngại. 

Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire trước đó đã nói rằng, loại Nga khỏi SWIFT sẽ là “lựa chọn cuối cùng”. Và khi cuộc chiến tại Ukraine căng thẳng đến ngày thứ ba, Mỹ và châu Âu đã phải tung ra lá bài chiến lược này.

Phương Tây tung lệnh trừng phạt then chốt khi Nga tấn công Ukraine. (Ảnh: NYT)
Phương Tây tung lệnh trừng phạt then chốt khi Nga tấn công Ukraine. (Ảnh: NYT)

Phải có lý do khiến phương Tây thận trọng với lá bài SWIFT, trong đó, khi các nhà lập pháp Mỹ đề xuất trừng phạt này cách đây vài tuần, Nga đã đáp trả bằng tuyên bố sẽ dừng các chuyến tàu chở dầu, khí đốt và kim loại tới châu Âu.

“Nếu Nga bị loại khỏi SWIFT thì Nga sẽ không nhận được ngoại tệ, nhưng châu Âu sẽ không nhận được hàng hóa, dầu, khí đốt, kim loại và các hàng hoá quan trọng khác”, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga Nikolai Zhuravlev tuyên bố.

Việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT sẽ khiến các tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc rút tiền khỏi Nga. Đây là cú sốc cho các công ty của Nga và khách hàng nước ngoài của mình, nhất là những người mua dầu và khí đốt bằng USD.

Maria Shagina, một thành viên Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, phân tích: “Việc loại Nga ra khỏi SWIFT sẽ chấm dứt tất cả các giao dịch quốc tế, gây ra sự biến động tiền tệ và ảnh hưởng tới các dòng vốn lớn”.

Từ năm 2014, cựu Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexei Kudrin cũng ước tính rằng, trừng phạt này sẽ khiến chính nền kinh tế Phần Lan suy giảm 5%.

Thực tế, không phải tất cả các đồng minh châu Âu của Mỹ tán thành việc dùng SWIFT để trừng phạt Nga. Chính Mỹ và Đức sẽ chịu thiệt hại nhất nếu Nga dính đòn trừng phạt này, bởi vì ngân hàng của Mỹ và Đức sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để liên lạc với các ngân hàng Nga.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cảnh báo các nhà đầu tư có mối quan hệ đáng kể với Nga để có sự chuẩn bị trước ảnh hưởng từ các trừng phạt chống lại Moscow. 

Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đầu tuần trước cũng cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga sẽ cũng sẽ gây hậu quả cho phương Tây hoặc ít nhất là cho Liên minh châu Âu.

Việc sử dụng SWIFT như biện pháp cuối cùng cho thấy sự sẵn sàng của phương Tây khi trừng phạt Nga tấn công Ukraine, kể cả trước nguy cơ bị phản đòn. 

SWIFT được thành lập tại Brussels (Bỉ) năm 1973 và được hỗ trợ bởi 239 ngân hàng tại 15 quốc gia. SWIFT cho phép các tổ chức tài chính và ngân hàng trên toàn thế giới gửi và nhận thông tin về các giao dịch tài chính trong một môi trường an toàn, tiêu chuẩn và đáng tin cậy.

Năm 2021, SWIFT nhận trung bình 42 triệu tin nhắn cho phép thanh toán mỗi ngày.

Tại sao Nga e ngại trừng phạt SWIFT nhất?

Năm 2014, SWIFT ngắt mọi liên kết với các ngân hàng Iran vì trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Khi đó, Iran đã mất gần một nửa doanh thu từ xuất khẩu dầu và giảm 30% hoạt động thương mại.

Chứng kiến “bài học kinh nghiệm từ Iran”, năm 2019, Thủ tướng Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev cho rằng, việc mất quyền truy cập vào SWIFT sẽ giống như một lời tuyên chiến chống lại Nga. Tuyên bố của ông Medvedev là một dấu hiệu cho thấy Nga coi nền tảng này là một lỗ hổng và đã phát triển các giải pháp để hạn chế bất kỳ thiệt hại kinh tế nào.

Nga có sự chuẩn bị trong những năm gần đây để giảm thiểu tổn thất nếu bị loại khỏi SWIFT. Moscow đã thành lập hệ thống thanh toán của riêng mình là SPFS, sau khi bị phương Tây trừng phạt vì sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014. 

Theo ngân hàng trung ương Nga, 20% chuyển tiền trong nước hiện được thực hiện thông qua SPFS. Song số tin nhắn bị hạn chế và các hoạt động cũng bị giới hạn giờ trong các ngày trong tuần.

Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc hay CIPS cũng có thể là giải pháp thay thế cho SWIFT. Hoặc Moscow có thể buộc phải sử dụng tiền điện tử.

Nhưng chắc chắc, đây không phải là những sự thay thế hấp dẫn./.

Lê Hoàng/VOV.VN
Tổng hợp