Thế hệ trẻ Nga ngày càng quan tâm tới việc học tiếng Việt

Published Date
02/04/2024

Cuộc thi dịch thuật tiếng Việt chuyên nghiệp toàn Nga năm 2024 có số lượng thí sinh tham gia đông nhất từ trước tới nay. Các “nhà Việt Nam học tương lai” đã thể hiện kỹ năng biên dịch Việt - Nga, Nga - Việt và hiểu biết về đất nước Việt Nam hiện đại, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga...

                                                                                                           Naina Taibova (MSLU) đạt giải Nhất nhóm thí sinh hệ cử nhân năm thứ 3 và 4. Ảnh: Quốc Hùng

Cuộc thi dịch thuật tiếng Việt chuyên nghiệp toàn Nga lần thứ ba, thu hút sự tham gia của 40 sinh viên Nga đến từ các trường đại học giảng dạy tiếng Việt trên toàn nước Nga. Trong đó, 21 thí sinh lọt vào vòng chung kết, diễn ra ngày 30/03, tại Moscow. Đây là số lượng thi sinh tham gia đông nhất qua các kỳ thi. Hai kỳ trước là cuộc tranh tài của các sinh viên năm cuối và học viên cao học. Năm nay, lần đầu tiên cuộc thi dành sân chơi cho sinh viên năm thứ hai.

Cuộc thi do Quỹ thúc đẩy phát triển hợp tác Nga - Việt “Truyền thống và Hữu nghị” (gọi tắt là Quỹ Truyền thống và Hữu nghị) và Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) phối hợp tổ chức. Qua các kỳ tổ chức, cuộc thi đã trở thành sân chơi kiến thức thường niên dành cho “các nhà Việt Nam học tương lai”, cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo các chuyên gia tiếng Việt cũng như phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga.

Các thí sinh phải trải qua các phần dịch xuôi từ tiếng Nga sang tiếng Việt và dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng Nga. Trong 40 giây chuẩn bị, các nhà Việt Nam học tương lai sẽ chuyển ngữ những đoạn văn thông tin về chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, về thực trạng nền kinh tế Nga hay vai trò của ASEAN.

Ban giám khảo gồm những phiên dịch chuyên nghiệp và có thâm niên của Nga và Việt Nam, cựu Đại sứ Nga tại Việt Nam Andrey Tatarinov, các nhà ngoại giao Nga hiện công tác tại Việt Nam, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Đoàn Khắc Hoàng, Giám đốc Quỹ “Truyền thống và Hữu nghị" Nguyễn Quốc Hùng.

                                                                                                                                                                 Ban giám khảo cuộc thi. Ảnh: Quốc Hùng

Kết quả, ở nhóm thí sinh hệ cử nhân năm thứ 2, Sofia Kudelina (Đại học ngôn ngữ quốc gia Moscow - MSLU) giành giải Nhất. Giải Nhì thuộc về Pavel Bolshakov (MGIMO) và giải Ba thuộc về Polina Serpukhova (MGIMO).

Ở nhóm thí sinh hệ cử nhân năm thứ 3 và 4, giải Nhất thuộc về Naina Taibova (MSLU). Giải Nhì và giải Ba lần lượt thuộc về Polina Vershinina (MGLU) và Diana Ryabtseva (Đại học tổng hợp quốc gia St.Petersburg - SPbU)

Trong nhóm thạc sĩ, không có giải nhất. Evgeny Moiseev (Trường Kinh tế cao cấp - HSE) giành giải Nhì. Giải ba thuộc về bạn Mikhail Stepanishchev (MGIMO).

Ngoài ra, Ban giám khảo còn trao 3 giải phụ cho các thí sinh: Giải Thí sinh phát âm tốt nhất trao cho Diana Ryabtseva (SPbU), Giải dịch câu ngắn tốt nhất trao cho Polina Serpukhova (MGIMO) và Giải Ý chí chiến thắng trao cho Andrey Bratkov (HSE).

“Mong muốn và mục tiêu của Quỹ là trong tương lai chúng tôi có thể tổ chức các cuộc thi dịch thuật tiếng Việt tương tự, nhưng tại các trường phổ thông của Nga. Điều này có nghĩa là chúng ta cần phát triển việc dạy tiếng Việt và tiếng Nga không chỉ trong các trường đại học, mà còn tại các trường phổ thông ở cả hai nước”, Giám đốc Quỹ Truyền thống và Hữu nghị phát biểu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng tin tưởng, các bạn trẻ sẽ tiếp tục nối những nhịp cầu vững chắc cho việc kế thừa, phát huy quan hệ hữu nghị và hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.

                                                                                                                               Thí sinh và Ban giám khảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Quốc Hùng

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Quỹ Truyền thống và Hữu nghị đang hợp tác với các đơn vị liên quan triển khai dự án đặc biệt “Khai sáng” nhằm phát triển ngành Việt Nam học và giảng dạy tiếng Việt ở Nga, giảng dạy tiếng Nga và nghiên cứu “Thế giới Nga” ở Việt Nam.

Trong thời gian qua, Quỹ đã tổ chức bình chọn và trao giải các công trình của học giả Nga nghiên cứu Việt Nam, xây dựng Phòng thư viện Việt Nam tại Viện châu Á đương đại thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Đây là nơi lưu trữ những sách báo ấn phẩm cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Nga về văn hoá, lịch sử, chính trị, xã hội Việt Nam, quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác hai nước. Một số ấn phẩm được lưu trữ tại đây như: Việt Nam ngày nay, Bác Hồ viết di chúc, Văn hoá và nghệ thuật Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam: mốc son mới trong lịch sử, 70 năm quan hệ Việt Nam- Liên bang Nga…

Phòng thư viện Việt Nam là địa chỉ thông tin hữu ích để độc giả, nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam, đồng thời là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, trao đổi ý kiến về hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga.

                                                                                                                                                                                                                     Hoàng Yến - https://thoidai.com.vn/the-he-tre-nga-ngay-cang-quan-tam-toi-viec-hoc-tieng-viet-198307.html