Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Indonesia, các sự kiện trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ được tổ chức vào ngày 10 và 11-5 tại thị trấn Labuan Bajo, tỉnh East Nusa Tenggara (Indonesia).
Nhân sự kiện này, báo Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tuấn Khanh, giảng viên khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH KHXH&NV, về những vấn đề được bàn thảo trong hội nghị cũng như kỳ vọng thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối ASEAN.
Hình dung tầm nhìn ASEAN sau năm 2025
. Phóng viên: Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ có phiên đối thoại với Nhóm đặc trách cao cấp về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau năm 2025. Trong bối cảnh thế giới đầy biến động như hiện nay, ông mong đợi gì ở tầm nhìn đó?
TS Nguyễn Tuấn Khanh. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Bối cảnh quốc tế hiện nay có những chuyển biến nhanh, phức tạp, khó lường. Chẳng hạn, sự phức tạp trong quan hệ chính trị của các nước lớn dẫn đến nhiều biến động địa chính trị và tác động đến nguyên tắc hoạt động “vai trò trung tâm” của ASEAN trong kiến trúc an ninh khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương; kinh tế thế giới và khu vực Đông Nam Á vẫn đang chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Có thể nói, những thách thức mà ASEAN đang gặp phải hiện nay không còn là những vấn đề của khu vực như trước đây mà đều là những vấn đề mang tính toàn cầu. Đây là dấu hiệu cho thấy tổ chức này đang ở một mức độ hội nhập cao hơn vào dòng chảy của hệ thống quốc tế.
Chính vì vậy, khi đưa ra tầm nhìn hoạt động của ASEAN sau năm 2025, tôi đánh giá tổ chức này cần nhìn nhận thực trạng về đặc điểm của thời đại và đặc điểm của bản thân tổ chức ASEAN hiện nay. Trên cơ sở đó, tôi kỳ vọng rằng tầm nhìn sau năm 2025 sẽ xoay quanh một số nội dung.
Có nhiều cách để tăng cường đầu tư nội khối ASEAN, chẳng hạn như giảm thuế, tăng cường các hiệp định thương mại tự do (FTA) toàn khối. Hoặc gần gũi hơn, tương tự như tạo ra một hệ thống thanh toán toàn khối như QR Code thì ASEAN có thể cùng hợp tác đầu tư, hỗ trợ ứng dụng nền tảng thương mại điện tử toàn khu vực.
- TS NGUYỄN TUẤN KHANH -
. Cụ thể là những nội dung nào, thưa ông?
+ Thứ nhất, khẳng định nguyên tắc cốt lõi về vai trò trung tâm của ASEAN trong kiến trúc an ninh của khu vực. Bản thân khu vực Đông Nam Á có vai trò quan trọng, chiến lược về địa chính trị và do đó nguyên tắc này đảm bảo vai trò trung lập, sự tự chủ, tự lực để duy trì sự tồn tại của mình. Nói cách khác, đây có thể được xem là nguyên tắc mang tính sống còn của tổ chức.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại Indonesia. Ảnh: TTXVN |
Thứ ba, tính dễ tổn thương về mặt kinh tế - xã hội cần được quan tâm đúng mực trong bối cảnh hội nhập gia tăng, kinh tế phát triển, công nghệ vượt trội và nguy cơ ô nhiễm môi trường. Tầm nhìn của tổ chức này nên chú trọng vào các hoạt động thúc đẩy hợp tác, cộng đồng liên quan đến kinh tế xanh, phát triển bền vững và ứng dụng khoa học công nghệ gia tăng mối liên kết trong cộng đồng của ASEAN.
Thúc đẩy hội nhập kinh tế nội khối ASEAN
. Với mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các nước ASEAN, Hội đồng tư vấn kinh doanh (ASEAN - BAC) đã thúc đẩy một số dự án đáng chú ý, trong đó có dự án QR Code - thanh toán bằng mã QR trong khối ASEAN. Theo ông, những dự án này có khả thi?
+ Cần phải nói sơ qua là dự án QR Code được triển khai từ cuối tháng 8-2022, với hai nước thực hiện đầu tiên là Singapore và Indonesia. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia), năm ngân hàng trung ương của nhóm ASEAN-5 (gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) đã thông qua một bản ghi nhớ về việc thống nhất các hình thức thanh toán bằng mã QR. Dùng mã QR liên kết này thì khi thanh toán, khách hàng sẽ không phải đổi nội tệ sang tiền địa phương hoặc USD.
Xét về mặt lý thuyết, dự án này hoàn toàn khả thi vì không vấp phải những nguyên tắc gì trong hoạt động của tổ chức ASEAN. Đây còn là một bước thúc đẩy quan trọng đối với sự liên kết và định hình cộng đồng kinh tế ASEAN nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung. Việc sử dụng các đồng nội tệ trực tiếp khi thực hiện thanh toán không tác động đến chủ quyền và nền kinh tế nội địa của các quốc gia, đồng thời cũng giảm thiểu chi phí khi có thể bỏ qua việc sử dụng đồng tiền khác như USD làm trung gian.
Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, dự án này khi thực hiện sẽ gặp phải một số thách thức cần lưu tâm. Cụ thể, các quốc gia thành viên ASEAN có sự phát triển không đồng đều về kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật. Nền tảng công nghệ của khu vực vẫn còn là vấn đề phải quan tâm và đầu tư. Việc áp dụng khoa học công nghệ có thể thúc đẩy liên kết, tác động tích cực đến hoạt động kinh tế, thương mại. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, thương mại vốn dĩ mang tính chất rủi ro sẽ càng dễ bị ảnh hưởng từ các nguy cơ đi kèm với sử dụng công nghệ như vấn đề bảo mật, lừa đảo, gian lận... Điều này dẫn đến một thách thức mới chính là sự đồng bộ hành lang pháp lý để điều chỉnh hành vi xuyên biên giới này.
. Xin cám ơn ông.•
ASEAN sẽ ứng xử hợp lý về vấn đề Myanmar
TS Nguyễn Tuấn Khanh cho rằng mặc dù khủng hoảng Myanmar đáng để quan tâm trong chương trình nghị sự của khu vực nhưng không đủ cơ sở để có thể nhận định vấn đề này sẽ phủ bóng Hội nghị cấp cao ASEAN 2023.
Ông cho rằng về cơ bản, ASEAN cũng đã có những nền tảng và một số thực thi căn bản liên quan đến vấn đề này, bao gồm đồng thuận năm điểm về Myanmar. Theo chuyên gia này, vẫn còn nhiều vấn đề khác đáng quan tâm không kém như tăng cường thể chế ASEAN, phục hồi kinh tế sau đại dịch, tăng cường hợp tác giữa các bên, xây dựng kiến trúc y tế khu vực...
Về việc ASEAN có cần cứng rắn hơn về vấn đề Myanmar để chấm dứt bạo lực, TS Nguyễn Tuấn Khanh phân tích: “Việc sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn về vấn đề Myanmar sẽ rất khó khăn đối với ASEAN vì một số lý do.
Thứ nhất, không can thiệp chính là nguyên tắc hoạt động quan trọng, chủ đạo và truyền thống của ASEAN từ khi thành lập đến nay. Có một số ý kiến nêu đề xuất về việc làm việc trực tiếp với chính quyền quân sự Myanmar. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì tổ chức ASEAN đã vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia thành viên.
Thứ hai, nếu phải thực hiện biện pháp mới thì điều này đồng nghĩa với việc ASEAN phải thực hiện lại quy trình đàm phán và đặc biệt là phải vượt qua nguyên tắc đồng thuận một lần nữa về câu chuyện Myanmar. Đây là điều không dễ dàng.
Thứ ba, các quốc gia thành viên ASEAN đều thể hiện thái độ phản đối, tuy nhiên những thái độ này chưa thực sự cứng rắn và lập trường chưa rõ ràng về việc phải giải quyết và xử lý vấn đề như thế nào”.
Theo Tác giả: ĐỨC HIỀN thực hiện/Báo Pháp luật TP.HCM
https://plo.vn/hoi-nghi-cap-cao-asean-hinh-dung-tam-nhin-asean-sau-nam-2025-post732561.html