JICA muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045

Published Date
09/10/2023

Chiều ngày 5/10, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Học viện Ngoại giao tổ chức buổi thuyết trình về chủ đề “Quan hệ đối tác Nhật Bản - Việt Nam và các hợp tác của JICA”.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045
Hơn 300 sinh viên ngành Nhật Bản học và ngành Kinh tế quốc tế của Học viện Ngoại giao tham dự chương trình. (Nguồn: JICA)

Đến dự chương trình có ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam; PGS.TS. Đặng Hoàng Linh, Trưởng khoa Kinh tế quốc tế - Học viện Ngoại giao; PGS.TS. Nguyễn Thị Hạnh, Phó trưởng khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao - Học viện Ngoại giao, cùng cán bộ, giảng viên và hơn 300 sinh viên Học viện Ngoại giao.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045
PGS.TS. Đặng Hoàng Linh tin tưởng vào triển vọng hợp tác sâu sắc hơn giữa Việt Nam và Nhật Bản. (Nguồn: JICA)

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Đặng Hoàng Linh tin tưởng rằng thông qua bài giảng, sinh viên Học viện sẽ tiếp thu những giá trị tốt đẹp về mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và có thêm niềm quan tâm sâu sắc tới xứ sở hoa anh đào. Sở dĩ đây là chương trình quan trọng bởi năm nay chính thức kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).

Trong bài giảng của mình, ông Kubo Yoshitomo chia sẻ về việc Nhật Bản tiên phong nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam trước các nước khác vào năm 1992, với tổng vốn ODA lũy kế đến nay đạt 3.000 tỷ Yen (tương đương khoảng 600 nghìn tỷ đồng).

Như vậy, không những Nhật Bản trở thành nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, mà Việt Nam cũng trở thành nước đứng đầu về tổng vốn ODA nhận được trong số các quốc gia đang phát triển mà Nhật Bản hợp tác.

Điều này phản ánh sự ghi nhận của Nhật Bản với đối tác có vị trí địa lý quan trọng như Việt Nam - nằm ở cửa ngõ phía Đông của Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế phía Nam, tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Đóng vai trò mấu chốt trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” của Nhật Bản, quốc gia Đông Nam Á còn giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất của xứ Phù Tang.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045
Buổi thuyết trình của ông Kubo Yoshitomo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi bài giảng “JICA Chair”. (Nguồn: JICA)

Ông Kubo Yoshitomo cho hay, hiện JICA đang hỗ trợ Việt Nam dưới nhiều hình thức, trong đó có hợp tác tài chính (hợp tác vốn vay và viện trợ không hoàn lại) và hợp tác kỹ thuật.

Ngoài ra, JICA còn triển khai các mô hình hợp tác với sự tham gia và liên kết của nhiều tổ chức khác. Trong đó, có thể kể đến các hợp tác chia sẻ và vận dụng kiến thức, bí quyết, công nghệ của các công ty tư nhân, các cơ quan chính quyền địa phương và các trường đại học tại Nhật Bản.

Năm 2020, với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm với các nước đang phát triển về quá trình phát triển, hiện đại hóa của Nhật Bản, JICA đã triển khai dự án “JICA Chair”, hướng đến đối tượng là các trường đại học hàng đầu của các quốc gia này. Tại Việt Nam, dự án này được triển khai từ năm 2021 và buổi thuyết trình lần này là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi bài giảng “JICA Chair”.

Năm 2022, ông Tsuruoka Koji, cựu Đại sứ Nhật Bản tại Anh đã có bài thuyết trình tại Học viện Ngoại giao Việt Nam về dấu ấn và tương lai của quan hệ ngoại giao Nhật Bản thời hậu chiến tranh, đồng thời trao tặng sách nghiên cứu về Nhật Bản cho Học viện.

https://baoquocte.vn/jica-muo-n-ho-tro-vie-t-nam-tro-tha-nh-quo-c-gia-co-thu-nha-p-cao-va-o-nam-2045-244970.html

XUÂN SƠN/baoquocte