Khẳng định vị thế quốc hiệu Việt Nam
Ra đời đúng 220 năm, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất
Ngày 23-4, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: "220 năm quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử" (1804-2024).
Không ngừng vang vọng
TS Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết quốc hiệu là tên chính thức của một quốc gia, vừa biểu thị chủ quyền lãnh thổ vừa thể hiện các yếu tố hợp pháp về chính trị, luật pháp, quân sự, văn hóa, ngoại giao...
Theo TS Phan Tiến Dũng, trong lịch sử nước ta, tên gọi Việt Nam đã xuất hiện từ lâu nhưng chính thức là vào ngày 28-3-1804 - khi vua Gia Long làm lễ khánh an kính cáo ở Thái miếu, đặt tên nước là Việt Nam. Dưới triều Nguyễn, quốc hiệu Việt Nam được duy trì gần 4 thập niên qua 2 đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đến năm Minh Mạng thứ 19 (1838), nhà vua đổi quốc hiệu từ Việt Nam sang Đại Nam.
Hội thảo khoa học chủ đề: “220 năm quốc hiệu Việt Nam - Những chặng đường lịch sử” (1804-2024) vào ngày 23-4
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, triều Nguyễn kết thúc. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Tuyên ngôn Độc lập" đã tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua các thời kỳ lịch sử, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất.
PGS-TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng việc thống nhất ngoại giao về quốc hiệu Việt Nam vào thời điểm năm 1804 là cơ sở để năm 1806, vua Gia Long xưng đế, sánh cùng đẳng cấp với Hoàng đế nhà Thanh - Trung Hoa. Năm 1838, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu sang Đại Nam thể hiện hoàn toàn bình đẳng với chủ nhân của nhà nước Đại Thanh.
Theo nghiên cứu của PGS-TS Hoàng Chí Hiếu và TS Lê Thị Quý Đức, đều là giảng viên Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, ít nhất có thể khẳng định tiếp theo sau tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên (1925), từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã xác quyết về danh xưng Việt Nam cho toàn bộ tư tưởng và hành động của mình.
"Ta có thể thấy rằng toàn bộ các tổ chức cách mạng mà Người thành lập sau này đều gắn liền với tên gọi Việt Nam. Đây chính là sự kế thừa truyền thống và kết tinh cao nhất tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh về một tên gọi đã có lịch sử lâu dài, cũng là hiện thực hóa được nguyện vọng của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước nửa đầu thế kỷ XX" - 2 nhà nghiên cứu đúc kết.
Ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét: "Băng qua những dặm dài của lịch sử, tiếng vọng của quốc hiệu Việt Nam vẫn không ngừng vang vọng. Tuy nhiên, phải đến thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quốc hiệu Việt Nam mới thực sự tái sinh trong tư thế mới. Từ đó, trải qua muôn vàn gian khó, Việt Nam đã thực sự là quốc hiệu của một đất nước độc lập, thống nhất như ngày nay".
Gắn chặt với chủ quyền Hoàng Sa
ThS Nguyễn Quang Trung Tiến, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết một trong những công trình quốc tế sớm đề cập quốc hiệu Việt Nam dưới 2 triều vua Gia Long và Minh Mạng là ấn phẩm bằng tiếng Pháp "Những bức thư mới thực hiện từ các phái bộ truyền giáo của Trung Hoa và Đông Ấn", tập VI, xuất bản tại Paris - Pháp năm 1821.
Chứng cứ khoa học về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa
Đây là tập hợp những thư từ của các giáo sĩ viết vào triều vua Gia Long và đầu triều vua Minh Mạng. Ở lời giới thiệu, khi nói về lịch sử Đàng Ngoài và Đàng Trong, sách thể hiện thời điểm năm 1804, quốc hiệu Việt Nam được dùng để thay thế tên gọi An Nam có từ lâu đời.
Theo ông Tiến, ấn phẩm bằng tiếng Ý "Lịch sử vũ trụ, thiên văn học và tự nhiên" của học giả Biagio Soria đã xếp quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ và chủ quyền của đế chế An Nam, còn gọi là "Sy-nam" - Việt Nam. Trong tập 6 của phần tự nhiên - xuất bản tại Napoli năm 1828, sách viết: "Các hòn đảo được gọi là Paracels (quần đảo Hoàng Sa) thuộc về đế chế này, tạo thành nhiều nhóm đảo khác nhau ở bờ biển phía Đông của đế chế".
Cuốn sách "Địa lý giản lược, được biên soạn trên một kế hoạch mới phù hợp với những tiến triển hoàn chỉnh ổn định nhất và những khám phá gần nhất" của học giả Adriano Balbi, xuất bản tại Livorno - Ý năm 1833; "Sách học bản đồ toàn cầu về địa lý cổ đại và hiện đại" của Hiệp hội Bản đồ Quốc gia Pháp xuất bản tại Paris năm 1835; "Bách khoa toàn thư về kiến thức hữu ích: Các danh mục thông dụng về khoa học, văn chương và nghệ thuật" của Hiệp hội Các học giả và văn nghệ sĩ xuất bản năm 1837... đều công nhận Paracels/Hoàng Sa là một trong các nhóm đảo chính thuộc lãnh thổ trên biển của đế chế An Nam, còn gọi là Việt Nam.
Theo ông Tiến, trong loại sách dành cho bậc đại học ở Pháp giai đoạn 1820-1840, nổi tiếng nhất về môn địa lý là cuốn "Địa lý tóm tắt" của Adrien Balbi. Sách này được viết theo các hiệp ước hòa bình mới nhất và những khám phá gần nhất lúc ấy. Dưới nhan đề sách có dòng chữ "Sách được thông qua bởi các trường đại học". Trong sách, tên gọi các quốc gia đã được cập nhật mới nhất và chủ quyền quần đảo Hoàng Sa được ghi là thuộc "vương quốc Đàng Trong" của "đế chế An Nam hay Việt Nam".
Trích đoạn trong ấn phẩm “Địa lý tóm tắt” của học giả Adrien Balbi xuất bản tại Paris - Pháp năm 1833, được ThS Nguyễn Quang Trung Tiến sưu tầm, nghiên cứu
Tiếp đến, trong công trình của học giả Adriano Balbi xuất bản bằng tiếng Ý lần thứ hai với nhan đề "Địa lý giản lược, được biên soạn dựa trên một thiết kế mới phù hợp với những luận bàn hoàn chỉnh ổn định nhất và những khám phá mới nhất" tại Torino năm 1840, tác giả đã bổ sung nội dung: Cư dân Đàng Trong khai thác yến sào tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền đế chế An Nam.
Chủ quyền quần đảo Hoàng Sa thuộc vương quốc Đàng Trong của đế chế An Nam và việc cư dân đất nước này thường xuyên đến khai thác nguồn lợi hải sản tiếp tục được đề cập và công nhận trong công trình của học giả nổi tiếng Adrien Balbi "Địa lý giản yếu, biên soạn theo một chương trình mới dựa trên những khám phá gần nhất".
"Việc công nhận lãnh thổ thống nhất, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, thuộc "Đế chế An Nam hay Việt Nam" trong các ấn bản quốc tế thời hai vua Gia Long và Minh Mạng mang ý nghĩa và giá trị lịch sử sâu sắc. Hai chữ Việt Nam từ đó trở thành biểu trưng cho một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ rộng lớn và thống nhất cả trên đất liền lẫn trên biển, trong đó bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" - ThS Nguyễn Quang Trung Tiến nhấn mạnh.
ThS Nguyễn Hữu Phúc, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và TS Nguyễn Tuấn Bình, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, nhìn nhận quốc hiệu Việt Nam không chỉ là tên quốc gia của người Việt mà còn khẳng định công lao mở cõi về phương Nam, về sự độc lập, tự tôn của một dân tộc. Tròn 220 năm kể từ khi ra đời và trải qua các thời kỳ lịch sử, quốc hiệu Việt Nam đã khẳng định được vị thế của một đất nước độc lập và thống nhất.
QUANG NHẬT - https://nld.com.vn/khang-dinh-vi-the-quoc-hieu-viet-nam-196240423211954761.htm