Kiều bào đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

Published Date
10/03/2023

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân cả trong và ngoài nước. Từ Hungary, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Ủy viên Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam chia sẻ những ý kiến đóng góp với dự thảo Luật này, cũng như các vấn đề chính sách pháp luật liên quan đối với người Việt Nam ở nước ngoài.


kieu bao dong gop y kien cho du thao luat dat dai sua doi hinh anh 1
TS Phan Bích Thiện phát biểu tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

PV: Thưa TS Phan Bích Thiện, chị có nhận xét chung như thế nào về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này?

TS Phan Bích Thiện: Nghiên cứu dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này, tôi rất vui mừng vì qua đây tôi thấy Quốc hội, Bộ Tài nguyên Môi trường, các cơ quan lập pháp của Việt Nam đã lắng nghe, quan tâm đến những kiến nghị, ý kiến của bà con kiều bào về những vướng mắc, khó khăn trong việc về Việt Nam để mua nhà ở cũng như là mua quyền sử dụng đất trong thời gian vừa qua.

Luật đất đai 2013 chỉ quy định là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép mua nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, thì trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này, người Việt Nam định cư nước ngoài đã được xác định là một trong những đối tượng của người sử dụng đất trong Điều 5 Chương 1.


Và trong Điều 30 cũng như Điều 47, Chương 3 thì người Việt Nam định cư nước ngoài đã được những quyền lợi về việc thừa kế cũng như có thể mua bán, thuê đất trong những khu công nghiệp.

Điều này chứng tỏ Quốc hội cũng như là Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan luật pháp đã quan tâm đến lợi ích của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đưa vai trò, vị trí của người Việt Nam định cư ở nước ngoài gần được công bằng với người dân trong nước trong việc mua nhà ở cũng như mua quyền sử dụng đất.

PV:Nghiên cứu Dự thảo Luật đất đai sửa đổi lần này, chị có nhiều ý kiến đóng góp tại các hội nghị, hội thảo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ ngoại giao)... Xin chị chia sẻ những ý kiến này?

TS Phan Bích Thiện: Tôi muốn góp ý một số điểm như sau: Điều đầu tiên là Chương I, Điều 5 về đối tượng là người sử dụng đất, trong đó có ghi “người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về Luật quốc tịch”. Theo tôi điều này chưa thật rõ ràng, bởi vì nó lại liên quan đến Luật quốc tịch. Tôi nghĩ chúng ta nên cụ thể hóa luôn diện người Việt Nam định cư nước ngoài được là đối tượng người sử dụng đất ngay trong Luật đất đai này. Chúng ta có thể đổi thành "là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam và là người gốc Việt Nam và không thuộc diện bị hạn chế quyền công dân theo quy định của luật pháp Việt Nam".

Điều thứ hai mà tôi muốn góp ý đó là Điều 47, Chương III có viết: “người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất”.

Tôi nghĩ định nghĩa là "người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở" thì cũng không cụ thể. Bởi vì ai là đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở? Điều này có nghĩa lại liên quan đến Luật nhà ở. Mà hiện giờ chúng ta vẫn dùng Luật nhà ở cũ. Việc không cụ thể ở đây sẽ dẫn tới việc triển khai Luật đất đai này sẽ không được nhất quán khi triển khai đến các cấp dưới.

Và điều này lại dẫn tới một vấn đề là chúng ta cũng phải đồng bộ các bộ luật. Nghĩa là nếu chúng ta đã sửa đổi Luật đất đai thì chúng ta cũng sẽ phải xem xét lại và sửa đổi Luật về nhà ở làm sao cho phù hợp để đảm bảo được quyền lợi của những đối tượng mà đã được ghi ở trong Luật đất đai.

PV: Được biết là không chỉ liên quan đến quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài, mà chị cũng có ý kiến đóng góp liên quan đến Luật đất đai (sửa đổi) nói chung?

TS Phan Bích Thiện: Đó là Chương 5 về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trong chương 5 này có đề cập việc định hướng sử dụng đất quốc gia, sử dụng đất ở các cấp tỉnh, thành rồi xuống địa phương và đề cập rất nhiều vấn đề có khái niệm là đất an ninh, quốc phòng phải được định hướng và quản lý theo diện đất quốc gia.

Theo tôi, bên cạnh đấy, trong hoàn cảnh hiện nay khi vấn đề bảo vệ môi trường đang rất cấp thiết đối với thế giới nói chung và đối với Việt Nam nói riêng, có lẽ chúng ta cũng nên xem xét để đưa thêm vào Luật khái niệm đất thuộc diện bảo vệ môi trường quốc gia. Đó là những diện đất đai có ảnh hưởng lớn tới việc bảo vệ môi trường quốc gia, ví dụ như các Vườn quốc gia, các vùng đất ven biển, đặc biệt.. Có thể phần đất đai này giao cho Bộ Tài nguyên Môi trường và đưa vào diện trực thuộc do Thủ tướng quyết định phân bổ trong Điều 70, để làm sao chúng ta có thể bảo đảm được diện đất này không được chuyển đổi mục đích sử dụng một cách tùy tiện.

PV: Kinh nghiệm của Hungary trong việc quản lý đất đai và Luật đất đai như thế nào nhằm tránh tình trạng đầu cơ, thổi giá đất?

TS Phan Bích Thiện: Hungary và cũng nhiều nước khác ở trên thế giới có luật nếu mà bất động sản mua và sau đó bán ngay trong thời hạn nào đó - ở Hungary trước là 10 năm và hiện giờ sau covid xuống 5 năm - thì sẽ phải đóng thuế rất lớn. Có nghĩa là người mua đất chỉ với mục đích đầu cơ để mua và sau đó bán lại ngay để ăn lời nhiều, thì cũng sẽ bị hạn chế. Và ở Hungary hiện giờ, chỉ sau năm năm sẽ không phải đóng thuế; còn nếu bất động sản mà bán trong vòng năm năm từ khi mua thì sẽ phải đóng thuế rất cao.

Điều thứ hai là khuyến khích làm sao để sử dụng đất một cách hiệu quả, tránh tình trạng hiện giờ như Việt Nam có đất mua và bỏ hoang hàng chục năm trời, thì ở Hungary cũng có một luật quy định nếu mua đất và trên đất đó xây dựng nhà trong vòng hai năm thì được miễn thuế trước bạ, được khuyến khích giảm miễn thuế một số thứ khác. Đây cũng là điều chúng ta có thể xem xét, học tập, để làm sao tránh tình trạng đầu cơ mua đất và để hoang không sử dụng./.

Phi Hà/VOV5
thực hiện

https://vov.vn/nguoi-viet/kieu-bao-dong-gop-y-kien-cho-du-thao-luat-dat-dai-sua-doi-post1005663.vov