Những ngày đầu năm 2023, lãnh đạo TP.HCM đã có những cuộc gặp gỡ, họp mặt với kiều bào. Đây là hoạt động thường niên của TP.HCM mỗi năm trước dịp tết Nguyên đán.
Nhiều chia sẻ, ý kiến đóng góp của kiều bào đã được lãnh đạo TP ghi nhận.
Ấn tượng với sức bật kinh tế của TP.HCM
Buổi gặp gỡ với hơn 50 đại biểu đại diện kiều bào cuối tuần qua diễn ra trong không khí gần gũi, ấm cúng.
Tại buổi gặp Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin về tăng trưởng GRDP của TP năm 2022 đạt hơn 9%, thu ngân sách cũng tăng 23,6% so với cùng kỳ. Đóng góp của ngân sách TP cho cả nước chiếm tỉ trọng 26,53%. Vị thế, uy tín của Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng càng được củng cố trên trường quốc tế.
TP.HCM sẽ ban hành
kế hoạch hành động
Tháng 8-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 12 về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng đã ban hành Thông tri số 12 về lãnh đạo thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị.
TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TP với các đề tài, dự án, phần việc cụ thể.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (Việt kiều Mỹ), Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), bày tỏ sự phấn khởi, vui mừng với những kết quả tích cực nêu trên cùng sự phát triển của TP trong những năm qua. Điều này cho thấy lãnh đạo TP đã rất nỗ lực, chung sức, đồng lòng dẫn dắt kinh tế TP vượt qua nhiều khó khăn, đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Bà Trần Tuệ Tri, Việt kiều Singapore, chuyên gia về xây dựng thương hiệu, cũng đánh giá cao sự chuyển mình của TP.HCM trong bức tranh chung của cả nước.
Bà cũng đặt vấn đề bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, TP cũng cần kể câu chuyện về văn hóa, lịch sử để không chỉ người dân quốc tế mà bạn bè năm châu khi đến TP.HCM đều có thể biết đến và hiểu sâu hơn...
Nhiều hiến kế cho TP.HCM
Tin tưởng về sức sống của kinh tế TP.HCM, nhiều kiều bào có các góp ý tâm huyết để phát triển TP trong thời gian tới.
Ông Lâm Việt Tùng, kiều bào Hà Lan, chuyên gia về công nghệ thông tin, chia sẻ các doanh nhân và trí thức Việt Nam ở nước ngoài luôn khát khao được trở về quê hương đóng góp cho đất nước.
Từ quan sát của cá nhân, ông Tùng nói TP.HCM cần cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông, không nên cho xây nhiều nhà cao tầng, hạn chế dân cư tập trung tại các điểm kẹt xe.
Với vai trò là chủ tịch hội tri thức ở Hà Lan, ông sẵn sàng kết nối để TP có thể đưa người sang Hà Lan tham quan, học tập mô hình chống ngập ở Hà lan để triển khai hiệu quả, phù hợp với thực tiễn của TP.HCM.
Ông Tùng cũng góp ý về chuyển đổi số, theo đó cần một kiến trúc tổng thể, có kiến trúc sư trưởng, có người chịu trách nhiệm kết nối tất cả hệ thống công nghệ thông tin. TP.HCM cũng cần có trung tâm dự phòng về an toàn thông tin, tiến tới “dịch vụ công không cửa”, tức người dân chỉ cần thao tác trên mạng Internet...
TP.HCM tri ân những đóng góp của kiều bào
Trước những chia sẻ và góp ý của kiều bào, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết sẽ ghi nhận tất cả kiến nghị của kiều bào để có hướng giải quyết hoặc báo cáo, kiến nghị trung ương các giải pháp để tháo gỡ.
Ông nhìn nhận TP.HCM có nhiều điểm sáng về đô thị, song nhiều vấn đề về xã hội, nhất là các hoạt động văn hóa - giải trí nhằm phục vụ hơn 10 triệu dân vẫn chưa có nhiều tiến bộ. Trong thời gian tới, TP.HCM cần một nguồn lực đầu tư rất lớn của tư nhân.
Bí thư Nguyễn Văn Nên giao lưu cùng các kiều bào tại buổi họp mặt. Ảnh: BẢO PHƯƠNG |
“Khát vọng lớn nên nhu cầu đầu tư lớn. Do đó TP mong muốn bà con tiếp tục quan tâm và TP luôn sẵn sàng tạo điều kiện” - ông khẳng định.
Hơn 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn tại TP.HCM và gần 200 trí thức hợp tác trực tiếp với các trường ĐH, khu công nghệ cao, các bệnh viện... trong những năm qua.
Có gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng. Mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TP.HCM.
Trong năm 2022, lượng kiều hối về TP.HCM là 6,8 tỉ USD, cao hơn chỉ số FDI.
Ông Hoan bày tỏ mong muốn lực lượng kiều bào vận động con em mình trở về quê hương và với mỗi nhu cầu, mong muốn về điều kiện làm việc, TP sẽ xem xét và tìm “đúng địa chỉ” để có thể đáp ứng.
Còn Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu gửi lời cảm ơn, bày tỏ sự tri ân trước những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài góp sức cho sự phát triển của TP.HCM.
“Dù ở nơi đâu, kiều bào cũng hướng tấm lòng về quê hương đất nước, có góp ý để có cơ chế, chính sách mang tính đột phá cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trở về tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước và TP.HCM” - ông cho hay.
Ông nhắc lại và đặc biệt nhấn mạnh sự đóng góp của kiều bào trong đại dịch và sự phục hồi của TP.HCM trong năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc xây dựng, phát triển TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị.
Ông nói: Nhiệm vụ này đòi hỏi chúng ta phải năng động, sáng tạo hơn nữa, tập trung xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút mọi nguồn lực trong và ngoài nước.
“Tôi tin tưởng với sự quyết tâm, chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm đồng hành của đồng bào ta ở nước ngoài sẽ tiếp thêm nhiều động lực, cùng TP đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển chung của đất nước” - ông gửi gắm.•
Mong có chính sách đãi ngộ nhân tài tốt hơn
Đến nước Pháp từ năm 1977, sau đó kết hôn và sinh con nhưng bà Nguyễn Thị Thu Thủy (65 tuổi, kiều bào Pháp) luôn đau đáu về nguồn cội. Những ngày tết, bà tranh thủ về nước thăm gia đình.
“Dù hiện tại đã định cư tại Pháp nhưng tôi vẫn khuyến khích các con tôi trở về Việt Nam để làm việc, cống hiến cho quê hương” - bà Thủy nói.
Điều khiến bà Thủy trăn trở là điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ cho những người giỏi, có tài tại Việt Nam chưa thật sự thu hút. Bà cho hay là gặp nhiều bạn trẻ đi du học, nhận học bổng và luôn được thứ hạng cao ở trường nhưng không lựa chọn về Việt Nam làm việc hoặc một số bạn trẻ về nước làm việc nhưng một thời gian sau thì quay lại Pháp.
Trong tương lai, bà mong TP.HCM và cả nước có những chính sách, ưu đãi tốt hơn với người tài để họ cống hiến, tránh tình trạng “chảy máy chất xám”.
Cần quy định thông thoáng về quốc tịch
Năm 20 tuổi, bà Trần Thị Tuyết đã kết hôn với chồng là một người Nhật Bản. Nay đã 64 tuổi và bà mong muốn trở về Việt Nam định cư, đoàn tụ cùng gia đình.
Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Úc Trần Bá Phúc. Ảnh: T.TUYỀN |
Nhưng đến nay chồng bà vẫn chưa thể hoàn tất thủ tục do gặp khó về các quy định. Bà Tuyết mong chính quyền có sự hỗ trợ thủ tục, giấy tờ định cư và nhập tịch với kiều bào, người nước ngoài, người thân của kiều bào.
Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Úc Trần Bá Phúc, sống 43 năm ở nước ngoài, cho hay ông luôn dùng quốc tịch Việt Nam khi ra khỏi Úc.
Ông nói cộng đồng người Việt Nam ai cũng muốn có quốc tịch Việt Nam để trở về quê hương. Có người nộp hồ sơ, chờ đợi một vài năm nhưng nhận câu trả lời là “đang kiểm tra”, không biết khi nào mới xong.
TS Nguyễn Trí Dũng, kiều bào Nhật Bản, cũng nói ông gặp khó trong thủ tục liên quan đến quốc tịch của thân nhân và mong muốn TP.HCM có kiến nghị để thông thoáng hơn trong việc cấp quốc tịch cho người Việt ở nước ngoài.
Tương tác nhiều hơn với kiều bào
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, mong muốn TP tăng cường tương tác với kiều bào nhiều hơn nữa trong giai đoạn tới và sự tương tác đó không chỉ thông qua buổi họp mặt cuối năm.
Sự tương tác thông qua các buổi tiếp xúc trực tiếp với kiều bào, người thân của các kiều bào đang sinh sống tại nước ngoài. TS Nguyễn Trí Dũng đề nghị TP tổ chức gặp mặt Việt kiều theo từng tháng. Mỗi tháng đều có những chủ đề cụ thể về kinh tế, công nghệ, khoa học… để chung tay cho sự phát triển chung của TP.