Đông đảo bà con ở vùng thủ đô Paris và các nơi khác đã hội tụ về nhà hát Baltard ở thành phố Nogent-sur-Marne thuộc ngoại ô phía đông Paris. Từ lúc đại dịch Covid-19 xảy ra, năm nay, bà con Việt kiều tại Pháp mới có dịp đoàn tụ đông đủ trong ngày lễ Tết và vào đúng dịp kỷ niệm ngày ký kết Hiệp định Paris lịch sử.
Các thế hệ Việt kiều ôn lại kỷ niệm tham gia các hoạt động trong giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Một hoạt động nổi bật trong chương trình Tết là triển lãm "Hiệp định Paris: Đóng góp của một cộng đồng hướng về đất nước". Đây là dịp rất có ý nghĩa để bà con ôn lại những kỷ niệm của một thời tham gia phong trào yêu nước, giúp hai đoàn đàm phán suốt gần 5 năm đấu tranh để đi đến ngày lịch sử 27/1/1973, ký kết Hiệp định Paris tiến tới thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Chủ tịch đặc trách đối ngoại, từng tham gia các hoạt động trong giai đoạn đàm phán, cho biết: Hàng nghìn người trong cộng đồng người Việt tại Pháp đã hỗ trợ hết sức hiệu quả từ lúc hai đoàn đàm phán sang cho tới ngày chiến thắng, ký kết hiệp định. Hàng trăm anh chị em của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp đã trực tiếp hoặc gián tiếp trên bàn đàm phán cũng như sau hậu trường và lo chu toàn cho cuộc sống hàng ngày của đoàn đàm phán.
Các thế hệ Việt kiều được xem nhiều hình ảnh quý giá về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phong trào yêu nước tại Pháp. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Bên cạnh những đóng góp về sức người, sức của, trên nhiều mặt như công tác đối ngoại, liên hiệp hành động, tổ chức nhiều cuộc mít-tinh, xuống đường, phát báo, phát truyền đơn để kêu gọi ủng hộ lập trường Việt nam, ở nhiều lĩnh vực như y tế, báo chí và biên phiên dịch, anh chị em Việt Kiều còn tham gia đấu tranh chính trị không mệt mỏi. Khi đó, kiều bào yêu nước tại Pháp đã tham gia như một "binh chủng đặc biệt", góp phần quan trọng vào chiến thắng của cuộc đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng đánh giá cao sự đóng góp quý báu của Việt kiều tại Pháp vì hòa bình và thống nhất của đất nước Việt Nam. (Ảnh: Khải Hoàn) |
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh, năm 2023 có hai dấu mốc quan trọng, đó là kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, 50 năm thiết quan hệ ngoại giao giữa hai nước và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Triển lãm là dịp đề cao sự đóng góp quý báu của kiều bào yêu nước tại Pháp cho nền độc lập và hòa bình của quê hương. Truyền thống yêu nước của kiều bào tại Pháp không ngừng được phát huy qua các thế hệ với vai trò nòng cốt của Hội người Việt Nam. Các hoạt động của các thế hệ người Việt Nam tại Pháp không chỉ hướng về Tổ quốc mà còn góp phần vun đắp và thắt chặt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước cũng như với bạn bè quốc tế.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng đánh giá cao các hoạt động cộng đồng do Hội người Việt Nam tổ chức nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt trên đất Pháp.
Trong không khí phấn khởi mừng năm mới và kỷ niệm 50 năm ký kết Hiệp định Paris, ông Vương Hữu Nhân, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp chia sẻ: Tôi được thế hệ đi trước kể lại rằng Tết năm 1973 là một Tết vô cùng đặc biệt, xen lẫn niềm vui về chiến thắng trên bàn đàm phán và niềm vui rằng đất nước sẽ sớm sạch bóng quân xâm lược. Chưa có bao giờ kiều bào ở Pháp mừng xuân một cách tưng bừng, rộn ràng như năm đó.
Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, ông Vương Hữu Nhân, khẳng định quyết tâm của thế hệ trẻ Việt kiều tại Pháp tiếp nối truyền thống yêu nước, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. |
Theo ông Vương Hữu Nhân, giai đoạn 1968-1973 là một giai đoạn rất quan trọng của phong trào yêu nước tại Pháp, tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp. Đó là sự tiếp nối và phát huy tinh thần yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt viên đá đầu tiên cho việc hình thành các tổ chức cộng đồng Việt Nam ở Pháp, tiền thân của Hội người Việt Nam tại Pháp và cũng chính Người đã nêu lên tinh thần và phương hướng cho phong trào yêu nước tại Pháp. Đón năm mới Quý Mão năm nay cũng thật ý nghĩa, là dịp để bà con quây quần sau mấy năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch và để ôn lại một thời hết lòng vì đất nước, qua đó giúp thế hệ trẻ hiểu rõ và tiếp nối truyền thống quý báu của một đồng yêu nước tại Pháp.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp Vương Hữu Nhân gửi lời cảm ơn tới Báo Nhân Dân đã phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền về cộng đồng, về đất nước và hỗ trợ Hội tổ chức triển lãm rất có ý nghĩa đối với các thế hệ người Việt tại Pháp.
Trẻ em người Việt và Pháp rất thích thú khám phá nghệ thuật nặn Tò he. (Ảnh: Minh Duy) |
Suốt từ trưa cho tới đêm, bà con Việt kiều được hòa vào không khí rộn ràng của một ngày Tết đậm nét văn hóa Việt dù ở xa quê. Có khu chợ Tết để thưởng thức hương vị quê hương vào dịp Tết, có không gian văn hóa Việt với sách báo, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.... “Làng Thiếu Nhi” là một phần không thể thiếu của chương trình Tết Nguyên đán của Hội người việt Nam tại Pháp để các cháu nhỏ được hòa mình vào những trò chơi dân gian truyền thống.
NSND Tạ Minh Tâm góp vui vào chương trình Tết của kiều bào với bài hát "Việt Nam quê hương tôi" cùng tốp múa. (Ảnh: Khải Hoàn) |