Lạm phát đình trệ
Bà Anne-Marie Gulde-Wolf, Quyền Giám đốc Văn phòng IMF tại châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh, châu Á đang phải đối mặt với triển vọng lạm phát đình trệ, với tăng trưởng thấp hơn dự kiến và lạm phát cao. Trước đó, trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tuần trước, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9%, do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Trong khi đó, lạm phát tại châu Á được cho là sẽ tăng 3,2% trong năm nay, cao hơn nhiều so với dự kiến đưa ra hồi tháng 1.
Bên cạnh đó, quan chức IMF cho rằng, việc Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã đẩy giá thực phẩm và nhiên liệu tăng “phi mã” trên toàn thế giới, trong khi các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát - vốn gây áp lực đối với những nước có mức nợ cao.
Theo bà Anne-Marie Gulde-Wolf, hiện là thời điểm khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách khi phải giải quyết áp lực đối với tăng trưởng và đối phó với lạm phát tăng cao. Những thách thức này có thể khiến thiệt hại từ đại dịch Covid-19 lớn hơn nữa. Triển vọng kinh tế của các nước châu Á không giống nhau, tùy vào mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu và mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của các quốc đảo Thái Bình Dương giảm mạnh, trong khi Australia có thể tăng trưởng nhẹ. Do đó, các chính phủ cần phản ứng mạnh mẽ hơn, bắt đầu cứu trợ có mục tiêu đối với các gia đình nghèo, vốn bị thiệt hại nặng nề nhất do giá cả tăng cao. Dù vậy, bà Gulde-Wolf cũng khẳng định châu Á vẫn là khu vực năng động nhất thế giới và quan trọng đối với tăng trưởng toàn cầu.
Đe dọa phục hồi kinh tế
Theo IMF, viễn cảnh thắt chặt thêm các điều kiện tín dụng tài chính quốc tế do cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc là những rủi ro chính đe dọa sự phục hồi tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh và Caribe. IMF cũng chỉ ra rằng, chi phí tài chính toàn cầu và trong nước tăng cao có thể đẩy nhanh việc thoái vốn của các nhà đầu tư và đặt ra thách thức cho khu vực. Do vậy, Mỹ Latinh và Caribe cần phải đảm bảo tính bền vững của tài chính công để giúp duy trì sự uy tín, qua đó giữ chân các nhà đầu tư và thu hút các nguồn vốn đầu tư mới.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lạm phát gia tăng, bao gồm cả lạm phát lương thực, có nguy cơ gây ra bất ổn xã hội và điều này đòi hỏi chính phủ các quốc gia trong khu vực cần áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. IMF khuyến cáo, các chính phủ nên cung cấp hỗ trợ có mục tiêu và tạm thời cho các gia đình có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương, đồng thời để giá trong nước điều chỉnh theo giá quốc tế.
Tổ chức tài chính này đánh giá, tăng trưởng đang trở lại với tốc độ theo xu hướng trước đại dịch ở Mỹ Latinh và Caribe. Các lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư đang trở lại vai trò là động lực chính của tăng trưởng, nhưng các ngân hàng trung ương đã phải thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lại sự gia tăng lạm phát. Trước đó, ngày 19-4, IMF đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP của khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2022 lên 2,5%, tăng 0,1% so với mức dự báo trước đó. Bên cạnh đó, tổ chức tài chính này cũng dự báo tỷ lệ lạm phát trong năm nay tại khu vực sẽ rơi vào khoảng 11,2%, cao hơn so với mức 9,8% được ghi nhận trong năm 2021.
MINH CHÂU tổng hợp/ SGGP