Kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ: Thúc đẩy hàn gắn sau chiến tranh và tăng cường lòng tin chiến lược

Published Date
02/08/2023

Ngày 31/7, Học viện Ngoại giao phối hợp với Viện Hoà bình Mỹ (USIP) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ: Thúc đẩy hàn gắn sau chiến tranh và tăng cường lòng tin chiến lược” tại Học viện Ngoại giao. 

Kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ: Thúc đẩy hàn gắn sau chiến tranh và tăng cường lòng tin chiến lược
Toàn cảnh Hội thảo. (Nguồn: FB)

Hội thảo diễn ra với 2 phiên: Tiến trình hàn gắn sau chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ và quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ.

Hội thảo vinh dự có sự tham gia của Đại sứ Mỹ Marc Knapper và các cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, những người đã đóng góp cho sự phát triển của mối quan hệ song phương hai nước từ sau bình thường hoá quan hệ tới nay.

Bên cạnh đó, với sự tham gia của hơn 60 đại biểu là chuyên gia của Viện Hoà bình Mỹ, các học giả trong nước, các cựu quan chức và đại diện các cơ quan trung ương và địa phương và các cơ quan của Đại sứ quán Mỹ, Hội thảo là dịp để các bên cùng nhìn lại 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ (2013-2023).

Đặc biệt, với chủ đề tập trung vào quá trình hàn gắn sau chiến tranh, đây cũng là diễn đàn để các bên chia sẻ quan điểm của Việt Nam và Mỹ đối với hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh và những thành tựu hai nước đã đạt được trong những năm qua cũng như những bước tiếp theo để thúc đẩy tiến trình này.

Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội thảo, nhấn mạnh sự phát triển của mối quan hệ từ cựu thù trong chiến tranh trở thành đối tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực bao gồm: chính trị ngoại giao, thương mại, giáo dục và giao lưu nhân dân…

Về thương mại, từ khi bình thường hoá quan hệ vào năm 1995, quan hệ thương mại song phương đã tăng 300 lần (từ 450 triệu USD năm 1995 đến 130 tỷ USD năm 2022).

Về giáo dục đào tạo, hơn 30.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Mỹ là một minh chứng ấn tượng, đưa Việt Nam là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về số lượng du học sinh tại Mỹ.

Về chính trị, ngoại giao, hàng loạt chuyến thăm cấp cao của nguyên thủ hai nước từ năm 2013 đến nay đã chứng minh vai trò quan trọng của mối quan hệ và mong muốn phát triển quan hệ giữa hai nước dựa trên tương đồng lợi ích, bình đẳng và tôn trọng độc lập tự chủ, và hệ thống chính trị của nhau.

Trong quá trình phát triển của mối quan hệ, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là nhân tố rất quan trọng, giúp hàn gắn chiến tranh và hướng tới tương lai, theo đúng tinh thần được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

Học viện Ngoại giao cũng hy vọng qua Hội thảo, các bên có được cái nhìn toàn diện về mối quan hệ song phương Việt-Mỹ với các ý kiến đa chiều từ cả Mỹ và Việt Nam; đồng thời tăng cường nhận thức và đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy hàn gắn sau chiến tranh giữa hai nước và tăng cường lòng tin chiến lược.

Đại diện Viện Hoà bình Mỹ, Phó Chủ tịch Andrew Wilder nhận định trong bài phát biểu khai mạc rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam là một chủ đề nhận được sự quan tâm rất lớn tại các viện nghiên cứu của Mỹ, đặc biệt tại Viện Hoà bình Mỹ.

Ông cũng nhấn mạnh quan hệ Việt-Mỹ là mối quan hệ đặc biệt, là bài học cho các quốc gia khác trong vấn đề hàn gắn sau chiến tranh, xây dựng hoà bình sau xung đột.

Tại phiên 1 với nội dung “Tiến trình hàn gắn sau chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ”, Tiến sĩ Carl Stauffer và Tiến sĩ Andrew Wells-dang (Viện Hoà bình Mỹ) đã trình bày nghiên cứu với chủ đề “Các nhân tố thúc đẩy tiến trình hàn gắn sau chiến tranh giữa Việt Nam và Mỹ”.

Trong đó, hai chuyên gia nhấn mạnh đây là tiến trình không chỉ có sự tham gia của hai nhà nước, mà còn được thúc đẩy bởi các tổ chức phi chính phủ, các cá nhân, cựu chiến binh và các doanh nghiệp tư nhân. Từ trường hợp của Việt Nam và Mỹ, hai chuyên gia rút ra mốt số bài học cho các mối quan hệ song phương nhằm xây dựng hoà bình hậu xung đột, bao gồm: duy trì kênh liên lạc, tăng cường lòng tin và thúc đẩy giao lưu nhân dân.

Tại phiên 2 với chủ đề “Quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ”, các đại biểu tham dự đều nhất trí rằng quan hệ song phương giữa hai nước đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trong 10 năm qua trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Mỹ Marc Knapper nhận định những kết quả tích cực mà Việt Nam và Mỹ đạt được đã tạo nên một giai đoạn “bình thường mới” trong quan hệ hai nước. Trong thời gian tới, hai nước nên tiếp tục thúc đẩy 9 trụ cột hợp tác giữa hai bên, đồng thời nắm bắt cơ hội hợp tác trên một số lĩnh vực mới như năng lượng, môi trường, y tế…

Hội thảo “Kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ: Thúc đẩy hàn gắn sau chiến tranh và tăng cường lòng tin chiến lược” là sự kiện hợp tác giữa Học viện Ngoại giao và Viện Hoà bình Mỹ trong khuôn khổ MOU được ký kết giữa hai bên từ năm 2022.

Viện Hòa bình Mỹ (USIP) là cơ quan do Quốc hội Mỹ thành lập, chuyên nghiên cứu về xây dựng hòa bình, giải quyết xung đột và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết hậu quả chiến tranh giữa Mỹ và các nước trên thế giới. USIP có nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Việt và tổ chức đối thoại thường niên quy mô lớn về hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam.

Hội thảo lần này sẽ tạo cơ sở cho những hợp tác tiếp theo giữa Học viện Ngoại giao và Viện Hoà bình Mỹ cũng như các cơ quan nghiên cứu khác trên thế giới nói chung.

https://baoquocte.vn/ky-niem-10-nam-quan-he-doi-tac-toan-dien-viet-my-thuc-day-han-gan-sau-chien-tranh-va-tang-cuong-long-tin-chien-luoc-236655.html

CHU VĂN