Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Lan tỏa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình
Ngày 19/5, nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024), tại Đại học Sejong - ngôi trường mang tên vị vua vĩ đại nhất Hàn Quốc - đã diễn ra hội thảo quốc tế nhằm kết nối các trí thức, sinh viên, bà con kiều bào Việt Nam đang làm việc, học tập và sinh sống tại Hàn Quốc.
Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Tháng/Pv TTXVN tại Seoul
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”, hội thảo phát đi thông điệp đến mỗi người con Đất Việt xa quê hương về việc nhận thức rõ tầm quan trọng của tạo dựng một xã hội hoà bình.
Cuộc hội thảo diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của dân tộc, là kết tinh của văn hóa Việt Nam. Là một chiến sĩ cách mạng kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là biểu tượng của hòa bình và tình hữu nghị. Cuộc hội thảo là sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, nghiên cứu và làm việc ở Hàn Quốc, mà còn đối với bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Trúc Ly - Phó Bí thư Chi bộ Nam Seoul kể chuyện Bác Hồ. Ảnh: Đức Tháng/ Pv TTXVN tại Seoul
Cuộc hội thảo do Tổ chức liên văn hoá, khoa học và truyền thông quốc tế cùng Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam tại Hàn Quốc, Trường Đại học Sejong và các chi hội người Việt tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức, nhằm tiếp tục thắp lên ngọn lửa lạc hồng, thắp lên lòng biết ơn Tổ tiên nguồn cội. Tinh thần hiếu đạo này là truyền thống đáng quý của người Việt, tạo ra sức mạnh tinh thần quật cường giúp người Việt luôn chiến thắng mọi khó khăn, tiếp tục xây dựng “cây cầu” văn hoá vững chắc, xây dựng tình bạn chân thành, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị hoà bình giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, cùng nhau lan tỏa, định vị giá trị văn hoá và phẩm hạnh của dân tộc Việt đặt trong sự tôn trọng và tôn vinh giá trị văn hoá, phẩm hạnh của các quốc gia/dân tộc khác trên toàn cầu.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Bích Yến (Yến Platz) - Chủ tịch Tổ chức liên văn hoá, khoa học và truyền thông quốc tế - cho biết hội thảo năm nay là hoạt động nằm trong dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu nhằm nhắc nhở công lao của tổ tiên và các bậc tiền nhân đối với nền hoà bình của dân tộc Việt Nam; kết nối văn hoá và học thuật giữa Việt Nam và Hàn Quốc; duy trì và vun đắp tình bạn giữa các nhà trí thức, khoa học và nhân dân hai nước Việt-Hàn.
Phát biểu tham luận tại sự kiện, các diễn giả là những giáo sư người Việt tại trường Đại học Sejong cùng với ông Bang Seung Ho - Chủ tịch Liên đoàn Teakwondo Cảnh sát thế giới - đều có chung nhận định rằng, hoà bình không chỉ là khát vọng của người dân Việt Nam, một quốc gia nhiều năm trải qua chiến tranh khốc liệt, mà còn là khát vọng, là món quà vô giá mà mọi quốc gia, mọi dân tộc đều khao khát có được.
Tại hội thảo, các diễn giả nhấn mạnh rằng, trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều mất mát, đau thương nên đã kiên trì, kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước hoà bình. Mỗi người Việt Nam đều thấu hiểu sâu sắc giá trị của hoà bình. Với truyền thống hoà hiếu, yêu chuộng hoà bình, Việt Nam luôn phản đối chiến tranh phi nghĩa, mong muốn mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới đều được sống trong hoà bình. Tinh thần ấy không bao giờ ngừng tắt mà nó luôn có sức thôi thúc, lan tỏa trong dòng máu nóng mỗi con người Việt Nam, dù sống ở bất cứ đâu.
Chính vì thế, thông qua hội thảo, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học, sinh viên Việt Nam và bạn bè Hàn Quốc muốn lan toả giá trị đó đến toàn thế giới theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại về hòa bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển giữa các dân tộc.
Theo Trường Giang - https://thoidai.com.vn/lan-to-a-tu-tuo-ng-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-ho-a-bi-nh-200095.html