Làm dâu nước Đức – Phan Hà Anh
Cuốn sách “Làm dâu nước Đức” của tác giả Phan Hà Anh, là những câu chuyện nhỏ, “tự họa” chia sẻ những chuyện vui buồn trong vai trò làm dâu, làm vợ và làm mẹ tại thành phố Lübeck xa xôi, thuộc CHLB Đức.
Với giọng văn mượt mà, đầm thắm, pha lẫn chút hài hước, tác giả kể lại những câu chuyện thường nhật trong gia đình mình từ chuyện cả gia đình trêu đùa nhau, đến chuyện làm vợ, làm mẹ, làm nội trợ, chuyện lấy bằng lái xe, vượt cạn ở Đức… Trong đó có cả những bất đồng về văn hóa “chồng dĩa vợ muỗng”, những ngày đầu về làm dâu mọi thứ đều lạ lẫm… Ẩn sau những câu chuyện là hình ảnh cô dâu Việt nhỏ bé nhưng vô cùng cá tính, chịu thương, chịu khó, nhưng cũng khá thông minh, hóm hỉnh và lãng mạn. Chẳng hạn như khi chị giới thiệu mình là một bà nội trợ, chị cho rằng đó là công việc xứng đáng được tôn trọng:
Ảnh bìa quyển sách "Làm dâu nước Đức" của tác giả Phan Hà Anh được in lần đầu
“Nội trợ là một công việc đáng được tôn trọng và có một vị trí xứng đáng trong các nghề nghiệp khác, nhất là ở phương Tây, nghề nội trợ được tôn trọng khá đúng mực. Nếu không có những người làm nghề nội trợ thì gia đình, nhân tố của xã hội sẽ đi đến đâu vì thế mình luôn tự hào trả lời rằng Tôi là một bà nội trợ.
Ban ngày chồng đi làm, bà nội trợ còn kiêm luôn chức giáo viên dạy con. Dạy đủ thứ trên đời, từ cách ăn cách nói, cách đi cách đứng cho đến cách đối nhân xử thế để cho sau này các con nên người. Ngoài ra, một bà nội trợ hiện đại ngày nay không chỉ dành hết thời gian cho chồng con mà còn tranh thủ thời gian cho mình để củng cố kiến thức, giúp mình không bị lạc hậu với thời cuộc và xã hội bên ngoài”.
Hoặc khi kể về ngày đầu ra mắt gia đình chồng, mẹ chồng hỏi: “Con có biết nấu ăn không?”. Chị trả lời không. Bà hỏi: “Thế hai đứa sẽ ăn gì?”. Chồng chị đỡ lời: “Chúng con đi ăn fastfood”. Cả nhà bật cười, còn chị đỏ bừng mặt vì xấu hổ.
Sau đó, chị quyết tâm tự học nấu nướng.
Chuyện làm dâu của chị, có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Lần đầu tiên chị làm bánh. Trong công thức có ghi Prise Salz, có nghĩa là một chút muối, chị cứ nghĩ là một loại muối đặc biệt nào đó nên cất công đi siêu thị tìm. Lúc đó chị đang mang thai chẳng may ngất xỉu giữa siêu thị. Sau này mọi người hay trêu chọc chị đi cấp cứu chỉ vì một chút muối.
Lần khác, chị nấu bánh trôi nước mời mẹ chồng đến ăn. Bà cắn một miếng, bánh dính chặt vào răng, nuốt xuống không được, nghẹn ở cổ, bà không nói được nên lời. Chị cứ tưởng mẹ chồng cảm động nên mời “mẹ ăn nữa đi” cho đến khi bà vào toilet nôn ra mới thôi.
Dù cố gắng làm quen nhưng chị không ưa được món Tây nên chuyện trên bàn ăn nhà chị: chồng ăn giò nướng kiểu Đức, vợ ăn rau muống, cà pháo mắm tôm là chuyện bình thường. Hay khi chồng ăn bánh mì khô khốc vào buổi sáng chị lại bê một bát phở gà nghi ngút
Ảnh bìa quyển sách "Làm dâu nước Đức" của tác giả Phan Hà Anh được tái bản vào năm 2017
Tuy nhiên, sau những bỡ ngỡ, vụng về, cô dâu Việt đã khéo léo chinh phục được tình cảm của gia đình chồng. Mẹ chồng luôn xem chị như con gái ruột. Bà còn truyền cho chị rất nhiều kinh nghiệm nấu ăn. Một năm sau kể từ lần ra mắt nhà chồng, chị đã nấu được rất nhiều món mẹ chồng dạy. Thỉnh thoảng chị còn mời gia đình chồng đến thưởng thức tài nghệ của mình. Đến nay thì mẹ chồng chị đã tự hào về con dâu lắm, đi đâu cũng dẫn con dâu theo khoe.
Sự khác biệt về văn hóa không ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình chị. Chồng chị những khi đi công tác xa, công ty đặt khách sạn để nghỉ ngơi nhưng anh sẵn sàng từ bỏ những bữa cơm nhà hàng sang trọng, chạy xe suốt 3 giờ đồng hồ mưa gió về ăn cơm với vợ. Đồng nghiệp bảo sao không ơi lại cho vui, anh nói đùa: “Em về vợ em nó mát xa chân cho em”. Còn anh thì nói với vợ: “Bụng anh giờ chỉ ăn đồ em nấu thôi. Ăn ngoài hàng dễ bị đau bụng lắm”
Bên cạnh những trang viết về cuộc sống gia đình còn cái, còn có những nỗi nhớ nhà, nhớ quê, nhớ tuổi ấu thơ, và hương Tết một thời…
Quý độc giả có quan tâm, có thể tìm đọc quyển “Làm dâu nước Đức” của tác giả Phan Hà Anh
T.B