Lan tỏa chương trình "Sóng và máy tính cho em"

Published Date
26/10/2021

Thành đoàn Hà Nội và các đơn vị đồng hành trao máy tính xách tay tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ảnh: MINH ĐỨC 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm học mới 2021-2022 đến nay, nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy và học trực tuyến, dạy học trên truyền hình. Tuy nhiên, vì hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, cho nên việc dạy và học ở nhiều nơi gặp khó khăn, chưa hiệu quả. Ngành giáo dục, các địa phương đã và đang có nhiều giải pháp thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" để hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm học 2021-2022, ngành giáo dục thành phố đứng trước nhiều thách thức khi phải dạy, học bằng hình thức trực tuyến và dự kiến triển khai đến hết học kỳ 1. Nhiều học sinh ở thành phố bước vào năm học mới với nhiều khó khăn do thiếu thiết bị học trực tuyến. Qua khảo sát đầu năm học, trong tổng số gần 1,4 triệu học sinh ở các cấp học, có gần 73 nghìn học sinh không bảo đảm các điều kiện về thiết bị và đường truyền để học trực tuyến (chiếm tỷ lệ 5,2%); trong đó, cấp tiểu học chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 31 nghìn học sinh, THCS với 26 nghìn học sinh, THPT có hơn 15 nghìn học sinh.

Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ trang thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh đang học tập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Có ba giải pháp thực hiện gồm: Huy động khoảng 15 nghìn thiết bị tiếp nhận từ nguồn vốn tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; tiếp nhận khoảng 40 nghìn thiết bị đã qua sử dụng do cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm, các đơn vị tổ chức, trường đại học; phối hợp các ngân hàng trên địa bàn thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ lãi suất vay trả góp đối với phụ huynh học sinh có nhu cầu mua trả góp máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng cho học sinh học trực tuyến với khoảng 30 nghìn thiết bị. Với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, hàng chục nghìn thiết bị học tập đã được trao cho học sinh. Nhận được chiếc máy tính bảng (Ipad) do Quận đoàn quận 4 phối hợp Đoàn Thanh niên Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh tặng, em Nguyễn Thế Hậu, lớp 9A5, Trường THCS Quang Trung (quận 4) cho biết, bố em mất do mắc Covid-19, cho nên cuộc sống của gia đình gặp rất nhiều khó khăn, khi được tặng chiếc Ipad mới để học trực tuyến, em cảm thấy rất vui và bất ngờ. Hậu hứa sẽ học thật giỏi để mẹ vui và sau này trở thành người có ích cho xã hội. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tỷ lệ học sinh trên địa bàn bảo đảm các thiết bị học tập tham gia học trực tuyến hiện tăng cao. Cụ thể, học sinh THPT tham gia học trực tuyến đạt tỷ lệ 99,8%; học sinh THCS đạt tỷ lệ 98%; học sinh tiểu học đạt tỷ lệ gần 98%.

Thành phố Đà Nẵng có hơn 7.500 học sinh không đủ điều kiện tiếp cận việc học trực tuyến. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang Phạm Hồ Quỳnh Trang cho biết, trên địa bàn huyện đã vận động trao tặng 292 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến với tổng giá trị hơn 815 triệu đồng. Thầy giáo Nguyễn Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Đức Cảnh (quận Liên Chiểu) cho biết, được sự chung tay hỗ trợ của giáo viên, phụ huynh và các nhà hảo tâm, dịp này có nhiều học sinh vượt qua khó khăn để học trực tuyến. Nhà trường đã vận động trao tám điện thoại thông minh tặng tám học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã vận động nhà mạng hỗ trợ sóng 3G, 4G giúp việc học trực tuyến của các em thuận lợi, kêu gọi Công ty CP FPT tặng 1.000 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến...

Tại Hà Nội, công tác hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh đã và đang được thực hiện tích cực. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, ngành giáo dục đã tổ chức ba đợt trao hỗ trợ. Thời gian tới, ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình này nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hướng tới hoàn thành "nhiệm vụ kép": Bảo đảm an toàn cho học sinh và duy trì dạy tốt, học tốt. Tỉnh Bắc Giang hiện đang tổ chức dạy học trực tiếp, tuy nhiên, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương lân cận, nguy cơ bùng phát dịch vẫn có thể xảy ra, vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đã chỉ đạo các nhà trường bố trí mỗi khối, lớp có một phòng học trực tuyến. Đồng thời, khảo sát, thống kê có gần 6.000 học sinh không có thiết bị học trực tuyến cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có khoảng 2,3 triệu học sinh có hoàn cảnh khó khăn cần hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến. Toàn ngành đã huy động được hơn 100 tỷ đồng tiền mặt, hơn 100 nghìn máy tính bảng, máy tính, thiết bị thông minh và thiết bị học tập trực tuyến từ các nguồn vận động, tài trợ của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành giáo dục, các trường đại học, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, các máy tính và thiết bị được huy động đã được phân loại, bảo đảm theo chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định và chuyển trực tiếp tới học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình có bố hoặc mẹ bị mất do Covid-19. Sự cố gắng của tất cả các đơn vị trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ kịp thời cho học sinh có thiết bị học tập trong điều kiện dịch bệnh.

QUÝ TÙNG, CAO TÂN và ANH ĐÀO