Nghi hoặc cũng phải, bởi ở cái tuổi lên 10, nhiều bé còn không đủ kiên nhẫn đọc hết một truyện dài cỡ dăm trang thì việc tự mình viết một bộ tiểu thuyết đúng là kỳ tích. Bẵng đi một thời gian dài, Nguyễn Bình lại tung ra một tác phẩm đầy tính học thuật, hay đúng hơn là công trình chuyển ngữ Truyện Kiều sang tiếng Anh.
Yếu tố nổi bật khiến Hội đồng xét giải thưởng Tác giả trẻ năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam bị thuyết phục chính bởi ở độ tuổi 20, nhưng Nguyễn Bình đã nghiên cứu Truyện Kiều một cách kỹ lưỡng như một chuyên gia, như một nhà Kiều học. Anh nắm rất kỹ về Truyện Kiều và những vấn đề liên quan đến Truyện Kiều, kể cả điển tích, điển cố...
Thêm nữa, Nguyễn Bình yêu Truyện Kiều và thấy được giá trị của Truyện Kiều không phải là một giá trị cổ điển “bất biến” mà cần phải được tìm hiểu, đưa vào và đối chiếu với đời sống đương đại. Thứ hai, Nguyễn Bình đã dấn thân vào dịch Truyện Kiều, và chọn được phương pháp dịch khoa học. Chính vì thế bản dịch Truyện Kiều của Nguyễn Bình mang lại một tinh thần khác, và có thể gợi mở ra những vẻ đẹp khác của Truyện Kiều…
“Tôi vô cùng yêu cách làm của người trẻ tuổi đầy khoa học, đầy cảm hứng và đầy phiêu lưu của một tác giả trẻ như vậy. Tôi có gửi cho hai nhà thơ tên tuổi của Mỹ, một trong hai nhà thơ này đã làm Chánh chủ khảo Giải thưởng sách quốc gia Mỹ. Họ từng đọc vài bản dịch Truyện Kiều trước đây. Khi đọc đến bản dịch này thì họ sửng sốt và nhận định, bản dịch mang đến cho họ một cách nhìn đặc biệt, một cảm xúc khác hoàn toàn với phương pháp khoa học, ngôn ngữ tốt. Và chắc chắn bản dịch sẽ là một phần quan trọng cho những người nghiên cứu về ngành Kiều học”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Bản dịch Truyện Kiều được Nguyễn Bình xây dựng một hệ thống gồm 290 ghi chú tỉ mỉ với 51 trang, trong đó có ghi chú dài hàng trang, thể hiện sự nghiên cứu công phu của người dịch. Có lẽ đó là một trong các cơ sở để sau khi tiếp cận bản dịch, nhà thơ, Giáo sư văn chương người Mỹ Bruce Weigl đã nhận xét trên bìa bốn của cuốn sách: “Đây là bản dịch mang tính học thuật quan trọng nhất của tác phẩm này cho đến nay. Điều khác biệt giữa bản dịch của Nguyễn Bình với hầu hết các bản dịch khác là chiều sâu và bề rộng nghiên cứu của dịch giả, và quan trọng nhất, cho phép dịch giả đưa chúng ta đến một sự hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử của tác phẩm này. Tôi đánh giá bản dịch này chủ yếu vì những gì nó dạy cho chúng ta về hiện tượng văn học, văn hóa và chính trị có ý nghĩa mà Kiều đại diện. Đây là bản dịch xứng đáng sẽ trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều”.
Truyện Kiều đã quá nổi tiếng với độc giả trong và ngoài nước, là di sản quý báu trong văn hóa Việt Nam. Với một dịch giả ở độ tuổi 20, thực hiện việc chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ này sang tiếng Anh có thể coi là “rất liều”, bởi ngoài khả năng về ngôn ngữ, còn là chiều sâu văn hóa mà một dịch giả phải có để đem lại một bản dịch thấu đáo, thuyết phục được người đọc. Theo Nguyễn Bình tâm sự thì cậu nhen nhóm dịch Truyện Kiều từ sớm, song phải đến mùa hè 2019, thì quyết tâm dịch đã thực sự thôi thúc, và điều khiến cậu phải hành động, khi nghe tin một nhà xuất bản bên Mỹ sẽ xuất bản bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của một người Anh - một người dịch Truyện Kiều trong khi học tiếng Việt. “Một người Việt chưa đọc Truyện Kiều cũng đủ hiểu làm như thế ngốc nghếch và thiếu độ chính xác thế nào. Và khi những người bạn yêu văn học cùng tôi xem trích dẫn từ bản dịch của người này, cả đám đều nổi khùng lên: Sao lại biến Kiều thành một thứ xấu xí thế này khi mà còn chả sõi tiếng Việt và hiểu sai cả tiếng Việt lẫn văn hóa Việt? và vậy là dự án dịch Truyện Kiều chính thức bắt đầu”, Nguyễn Bình kể.
Vừa học vừa dịch, Nguyễn Bình đã mất 2 năm để thực hiện dự án. Mỗi lần dịch cả văn bản mất vài tháng, nhưng dịch, chú thích xong, đọc lại, dịch lại, chú thích lại, làm cho bản dịch ngày nay tầng tầng lớp lớp những trầm tích, những hóa thạch của các bản dịch trước. Ngoài niềm đam mê là ý thức tôn trọng những giá trị văn học cổ điển, những giá trị tiếng Việt, những giá trị văn hóa dân tộc, quan trọng hơn, chàng trai trẻ muốn đưa những giá trị đó cho thế giới. “Tôi làm tất cả những việc này với hy vọng ảnh hưởng tới người đọc theo đúng cách mà bản gốc đã ảnh hưởng tới tôi, một độc giả Việt Nam ngày nay. Tôi mong rằng, mình đã đạt được mục tiêu đó, dù biết sẽ chẳng bao giờ cân đong đo đếm được liệu mình đã đạt được hay chưa”, Nguyễn Bình chia sẻ.
2. Từ nhỏ, Nguyễn Bình đã có những đam mê đặc biệt với ngôn ngữ. Lúc lên 4 tuổi, Bình mày mò tìm hiểu chữ Hán rồi tự học qua từ điển, qua internet. Sau nhiều ngày lang thang trên mạng với kho dữ liệu khổng lồ bằng tiếng Anh, Bình lại có đam mê với ngôn ngữ này và chuyển sang học tiếng Anh để tìm hiểu thêm về khoa học và thế giới. Đến giờ này, khi đang theo học ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ, Nguyễn Bình đã “dắt lưng” thêm vài ba ngôn ngữ nữa, bởi đơn giản đó là nhu cầu tự thân, là con đường dẫn đến lời giải cho những tò mò và đam mê của mình.
Khi được hỏi về tình yêu với thiên văn học - ngành mà cậu đang theo đuổi, Nguyễn Bình thủng thẳng: “Thiên văn học là một nhánh sông tưởng chừng như đã cạn khi tôi dành nhiều thời gian hơn cho văn học và nghệ thuật, song một ngày nọ, nhánh sông của văn học nghệ thuật và nhánh sông của thiên văn học lại tái ngộ, và hệ quả của buổi trùng phùng đó chính là tôi ngày hôm nay”. Điều này cũng có thể nhận thấy trong nhiều bài báo về thiên văn học của Nguyễn Bình đăng trên tạp chí trong nước, không đơn thuần là các nghiên cứu, các giả thiết, con số, dự báo mang tính khoa học mà người đọc còn thấy ở đó màu sắc, âm hưởng của văn chương.
Nguyễn Bình từng chia sẻ, sau khi ra mắt tiểu thuyết Cuộc chiến với hành tinh Fantom được vài năm, Bình bắt đầu chán khoa học viễn tưởng và quay sang mê lịch sử thế giới hiện đại, rồi say mê các truyện của James Joyce, Franz Kafka, Virginia Woolf và Sadegh Hedayat… Từ một đứa trẻ đam mê những thứ cao siêu như phi thuyền, người ngoài hành tinh, thành một người quan tâm tới những bất công ở đời thường và chú trọng đến tâm lý nhân vật. Song, có lẽ tâm huyết chưa đủ, cuối cùng các dự án đó đều bị bỏ dở và giờ chuyển sang thơ - một thứ mà có lúc Nguyễn Bình nghĩ sẽ không hợp với mình.
Nhà báo Nguyễn Hòa (một cây bút phê bình lý luận có tiếng), bố của Nguyễn Bình, kể rằng, giá sách của cậu thuần là sách tiếng Anh nên có những lúc ông cũng bị bất ngờ bởi vốn kiến thức văn chương Việt phong phú của con trai. Không chỉ văn chương cổ mà cả thơ ca lãng mạn, trữ tình… cũng thu hút cậu. Rồi ông cũng hơi bất ngờ bởi cậu con trai có thiên hướng văn chương, lại có “hồ sơ đẹp” về Thiên văn học - một ngành học ở Việt Nam được cho là khá trừu tượng để xin học bổng du học. Nhưng đó lại là lựa chọn duy nhất của Nguyễn Bình và như thường lệ, mọi quyết định của các thành viên trong gia đình đều được tôn trọng, ủng hộ.
Học tập ở nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, nhưng Nguyễn Bình luôn tâm niệm, văn hóa bản địa, tiếng mẹ đẻ và quê hương là ba thứ chính yếu tác động đến cốt cách, đến thế giới quan của chúng ta. Càng đi xa, càng phải đối mặt với những thứ mới lạ và hỗn độn, người trẻ sẽ càng trân trọng những giá trị của quê nhà. Nguyễn Bình kể, cậu dán tranh Đông Hồ, Hàng Trống lên cửa và treo một tấm bản đồ Hà Nội ở trên tường, đấy là những điều khi còn ở Việt Nam, Bình chẳng nghĩ là mình sẽ làm, nhưng cuối cùng lại làm.
Với đam mê, tình yêu và một tâm hồn thấm đẫm văn hóa Việt, chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa những tác phẩm, những công trình lớn lan tỏa tinh thần Việt của bạn trẻ Nguyễn Bình trong tương lai.