Lao động Việt Nam tham gia chương trình EPS của Hàn Quốc được đánh giá cao
Sau 20 năm thực hiện, đã có hơn 1 triệu người lao động của 16 quốc gia nhập cảnh vào làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trong đó Việt Nam đứng đầu với 134.655 lượt người.
Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc (EPS) bắt đầu triển khai từ năm 2004 dành cho đối tượng lao động phổ thông (viza E-9).
Việt Nam là một trong số 6 quốc gia đầu tiên tham gia phái cử lao động vào làm việc tại Hàn Quốc và đến nay đã có 16 quốc gia tham gia chương trình EPS.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, sau 20 năm thực hiện, đã có hơn 1 triệu người lao động của 16 quốc gia nhập cảnh vào làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, trong đó Việt Nam đứng đầu với 134.655 lượt người.
Lao động EPS chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Hàn Quốc, vốn là nhóm doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế từ sản xuất, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, chiếm tới trên 99% tổng số doanh nghiệp và tạo ra tới 82,7% tổng số việc làm ở Hàn Quốc.
Với mức lương khá hấp dẫn và công việc đa dạng, chương trình EPS trong nhiều năm đã thu hút rất đông người lao động các nước tham gia thi tuyển.
Khi tham gia EPS, người lao động không mất chi phí môi giới mà chỉ phải đóng một khoản phí công khai theo quy định cho các chi phí hành chính giúp giảm gánh nặng tài chính cho người lao động.
Phát biểu tại hội thảo kỷ niệm 20 năm triển khai chương trình EPS, Bộ trưởng Lao động Hàn Quốc Lee Jeong Sik đã khẳng định thành công trên nhiều mặt của chương trình.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, chính sách với lao động nước ngoài cần phải linh hoạt, toàn diện và có hệ thống hơn.
Chính sách với lao động nước ngoài cần phải được cải tiến theo hướng thống nhất quản lý không chia tách ở nhiều bộ và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao định cư và cư trú lâu dài.
Cùng với đó, hệ thống EPS cũng cần được cải thiện để đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trong môi trường công nghiệp, đào tạo, có dịch vụ việc làm và hỗ trợ cư trú cho những người nước ngoài đủ điều kiện làm việc.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, ông Lim Seung Mook, Phó Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRDK), cho biết nếu không có lao động nước ngoài, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc sẽ không thể vận hành vì thiếu nhân lực. Với xu thế già hóa dân số và nguồn nhân lực suy giảm như hiện nay, Hàn Quốc sẽ còn cần thêm nhiều nhân lực nước ngoài hơn nữa.
Theo ông Lim, cùng với xu hướng chung, lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc đang ngày càng tăng và cơ cấu lao động cũng đang đa dạng hơn, có thêm nhiều lao động chuyên môn cao.
Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở rộng thêm nhiều lĩnh vực nên những người lao động nước ngoài muốn làm việc tại Hàn Quốc sẽ có thêm cơ hội.
Người lao động sau quá trình làm việc 4 năm 10 tháng hay tái tuyển dụng đến 9 năm 8 tháng đã học được nhiều kỹ thuật và kỹ năng làm việc ở các doanh nghiệp của Hàn Quốc.
Với khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam, những người lao động có kỹ năng sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại quê nhà.
Người lao động Việt Nam tham gia chương trình EPS được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao. Việt Nam nằm trong số các quốc gia mà người lao động được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưu tiên tuyển dụng và tái tuyển dụng do hòa nhập tốt, nhanh chóng thích nghi, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp tiếp nhận.
Ông Min Pil Hong, Giám đốc công ty phụ tùng ôtô HTM, cho biết công ty HTM thành lập năm 2003 và hiện có cơ sở sản xuất ở Hwaseong (tỉnh Gyeonggy, cách Seoul khoảng 80km về phía Nam). Công ty đang sử dụng 14 lao động người nước ngoài, trong đó có 7 lao động Việt Nam. Người lao động Việt Nam có sự chân thành, dễ hòa nhập, đoàn kết và có tinh thần tương trợ cao.
Sau nhiều năm sử dụng lao động Việt Nam, điều nhận thấy rõ nhất là lao động người Việt làm việc rất cẩn trọng và nghiêm túc nên không xảy ra những sai sót kỹ thuật hay sự cố ở xưởng sản xuất.
Lao động EPS chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc với kỹ năng đơn giản của các lao động phổ thông.
Tuy nhiên, với nền sản xuất tiên tiến, nếu chịu khó học hỏi, người lao động sau một thời gian dài làm việc sẽ tích lũy được kỹ năng nghề nghiệp, kỹ thuật, kinh nghiệm và tác phong làm việc trong môi trường công nghiệp. Cùng với đó, người lao động cũng tích lũy được một khoản tiền nhất định để phát triển bản thân, khởi nghiệp sau khi về nước.
Hằng năm, HRDK thường xuyên tổ chức cuộc thi dành cho người lao động tham gia chương trình EPS hồi hương thành công, bao gồm những người lao động đã hồi hương và lập nghiệp thành công ở trong nước và những người lao động tiếp tục quay trở lại Hàn Quốc làm việc và thành công.
Năm 2023, có 1 lao động Việt Nam về nước lập nghiệp thành công và đã đạt giải nhất trong số 16 quốc gia phái cử tham gia cuộc thi.
Năm 2024, Việt Nam có chị Ngô Thị Út Luân được phía Hàn Quốc chấm điểm cao nhất và đoạt giải nhất với hạng mục lao động EPS hồi hương khởi nghiệp thành công.
Ở hạng mục người lao động EPS tiếp tục trở lại Hàn Quốc làm việc và thành công, Việt Nam có trường hợp của anh Phạm Tiến Hiền đoạt giải nhì.
Tại buổi lễ trao giải thưởng nhân kỷ niệm 20 năm chương trình EPS tổ chức tại Hàn Quốc, chị Ngô Thị Út Luân đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết năm 2013, hết hợp đồng, chị trở về nước.
Nhờ thi đạt điểm cao trong kỳ thi tiếng Hàn, chị đã được nhập cảnh trở lại Hàn Quốc và tiếp tục làm việc cho cùng một công ty. Từ visa E9, chị đã chuyển đổi được sang visa E7 (kỹ sư, lao động có chuyên môn cao) rồi visa F2.
Trong quá trình làm việc, chị đã nỗ lực học tiếng Hàn, trau dồi kiến thức văn hóa của Hàn Quốc. Năm 2016, chị được tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn-Việt.
Đến năm 2019, chị quyết định trở về Việt Nam. Năm 2020, chị thành lập công ty cổ phần tại Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, chị thành lập thêm 2 doanh nghiệp tư nhân nữa và đem lại việc làm cho gần 30 lao động Việt Nam.
Thông điệp mà chị Út Luân muốn nhắn nhủ tới những người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc là hãy tận dụng cơ hội học hỏi tiếng Hàn, văn hóa Hàn Quốc và học nghề.
Người lao động cần tuân thủ cam kết trong hợp đồng lao động để có thể quay trở lại Hàn Quốc khi hết hạn hợp đồng lần thứ nhất.
Chị chia sẻ: "Khi chín muồi mọi điều kiện, các bạn có thể thành công khi trở về lập nghiệp ở Việt Nam và đóng góp vào quá trình phát triển quê hương đất nước."
Anh Phạm Tiến Hiền, hiện đang làm quản đốc cho doanh nghiệp HTM và là người được vinh danh trong năm 2024 cho biết, khi mới sang Hàn Quốc, công việc rất khó khăn do tiếng Hàn kém và không hiểu về máy móc, kỹ thuật.
Sau đó, bằng sự cố gắng của bản thân và sự giúp đỡ của bạn bè, anh Hiền đã làm quen, tích lũy kiến thức và làm chủ máy móc, thiết bị của công ty.
Sau 16 năm làm việc cho công ty HTM, từ lao động phổ thông, anh đã vươn lên thành quản lý. Anh Hiền cho biết đã tự học thêm 2 bằng đại học và cảm thấy hài lòng với cuộc sống và công việc hiện nay.
Còn rất nhiều những tấm gương người lao động tuân thủ pháp luật, cần cù, vượt khó, nỗ lực học hỏi đã thành công sau thời gian hoàn thành hợp đồng ở Hàn Quốc.
Thời gian làm việc tại nước ngoài được xem như bước đệm, hành trang vững chắc giúp họ có sự tự tin, cơ sở để thay đổi cuộc sống khi trở về quê hương. Nhiều trường hợp người lao động đã trở thành lãnh đạo trong các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc tự khởi nghiệp, trở thành các chủ doanh nghiệp thành công, tạo được việc làm cho nhiều người lao động khác.
Có thể khẳng định EPS đã đạt được nhiều thành công, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc; đồng thời mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho người lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.
Trong giai đoạn chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, nhu cầu nhân lực sẽ ngày càng đa dạng hơn. Điều này đòi hỏi người lao động cần nhanh chóng trau dồi kiến thức, tay nghề để có thể đáp ứng môi trường làm việc mới và tận dụng những cơ hội từ chính sách ngày càng mở cửa của Hàn Quốc./.
(TTXVN/Vietnam+)