LỊCH SỬ, VĂN HÓA ĐẤT NƯỚC LUÔN LÀ TƯ LIỆU QUAN TRỌNG TRONG NHỮNG LỚP DẠY TIẾNG VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI
Lan tỏa và mong muốn giữ gìn tiếng Việt cho con em thế hệ trẻ NVNONN là tâm tư, nguyện vọng của nhiều cha mẹ và giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Thông qua ngôn ngữ, các em có thể hiểu được lịch sử, văn hóa dân tộc - đây cũng là điều mong mỏi và tâm tư của các giáo viên tham dự Khóa tập huấn tiếng Việt cho giáo viên NVNONN năm 2023 do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên
Để việc học tiếng Việt thêm hấp dẫn, tạo thích thú đối với người học, các giáo viên kiều bào thường lồng ghép những câu chuyện lịch sử, giới thiệu danh lam thắng cảnh Việt Nam trong các bài giảng cho học trò. Những câu chuyện lịch sử và hình ảnh, video, clip về danh lam ở quê hương đất nước kích thích trí tò mò, khám phá, tìm hiểu của các em học sinh, nhất là các học sinh nhỏ tuổi.
Cô Lê Thị Thanh Tùng – giáo viên giảng dạy tiếng Việt tại Hoa Kỳ - kể trước khi sang Hoa Kỳ, cô từng học Sư phạm và từng đi giảng dạy, nên khi tới Hoa Kỳ cô rất nhớ nghề và cô đã tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở đây hơn 30 năm. "Năm nay tôi rất vui khi được tham gia Khóa tập huấn này. Ngoài việc được bổ sung hệ thống kiến thức từ các giảng viên chuyên nghiệp, việc tham gia các hoạt động ngoại khóa rất bổ ích, ý nghĩa, giúp chúng tôi có thêm hiểu biết, trải nghiệm về văn hóa, lịch sử đất nước và lại được gặp gỡ, gắn kết vui vẻ với nhiều các thầy cô giáo giảng dạy tiếng Việt ở nhiều nước trên thế giới. Những trải nghiệm khi được đến thăm Phủ Chủ tịch, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Tam Đảo,… khi trở về tôi sẽ giới thiệu tới các em học sinh của mình qua các bài giảng, nhất là cho các học sinh nhỏ tuổi. Tôi mong rằng, một ngày không xa, các em sẽ trở về quê hương, nghe hiểu và nói tiếng mẹ đẻ, có trải nghiệm đẹp, bổ ích về đất nước như tôi", cô Tùng hào hứng chia sẻ.
Thầy giáo Ênh Xông - Giáo viên Trường song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du - trong chuyến tham quan ngoại khóa rất tích cực chụp hình, ghi lại những hình ảnh đẹp về phong cảnh đẹp và hoạt động của Đoàn. Thầy cho biết bản thân cảm thấy vui như được trở về nhà khi được tham gia tập huấn và học tiếng Việt ở Việt Nam. "Những kiến thức thầy cô cung cấp, chia sẻ, sẽ giúp tôi tự tin khi giảng dạy tiếng Việt cho học sinh. Tôi cũng rất thích thú khi được tham gia các hoạt động ngoại khóa như thăm quan địa điểm du lịch nổi tiếng Tam Đảo, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Tam Đảo thật đẹp, khí hậu và con người hiền hòa. Khi trở lại công tác, trong những bài giảng tiếng Việt, tôi nhất định sẽ giới thiệu tới các em học sinh về địa danh này. Tôi mong muốn điều này trở thành động lực để các em học sinh học tập thật tốt, sau này có nhiều cơ hội đi thăm những địa danh như thế này tại Việt Nam", thầy Ênh Xông tâm sự.
Cô Trần Thị Bích Phượng, về từ Nhật Bản kể, cô biết đến Khóa tập huấn qua các đàn chị đi trước. Các chị đã chia sẻ về hiệu quả hữu ích từ những kiến thức, bài giảng của chương trình tập huấn. "Điều này thôi thúc tôi tham gia, tích lũy kiến thức để tới đây mở lớp dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ. Tham gia tập huấn, tôi còn được tham gia hoạt động ngoại khóa, gắn kết với các thành viên trong Đoàn, đồng thời khám phá, tìm hiểu về vẻ đẹp đất nước. Đến với Tam Đảo, tôi rất tự hào về vẻ đẹp nơi đây, qua đó cũng cảm nhận về sự phát triển ngày càng lớn mạnh của đất nước. Đây là điều tôi sẽ giới thiệu tới bạn bè đồng nghiệp của tôi bên Nhật và sau này là các em học sinh của tôi", cô Phượng chia sẻ.
Có nhiều phương pháp để giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ trẻ NVNONN và có thể có nhiều kinh nghiệm thực tế đúc rút ở môi trường, hoàn cảnh khác nhau, nhưng những hình ảnh trực quan về đất nước, con người Việt Nam luôn là những tư liệu sinh động, hấp dẫn, được nhiều giáo viên áp dụng để giúp học sinh học tiếng Việt tốt hơn, và trên hết là để các em gần quê hương hơn. Hy vọng những kiến thức, trải nghiệm thực tế từ Khóa tập huấn sẽ giúp các thầy cô tự tin và vững vàng tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” nơi xứ người, để những “mầm xanh” thế hệ trẻ luôn tốt tươi và không quên nguồn cội, gốc rễ của mình.
Cảnh Tiêu/