Luật đất đai sửa đổi: cơ hội 'hút' vốn từ kiều bào, sử dụng hiệu quả tài nguyên

Published Date
18/03/2024

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay việc mở rộng quy định cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở sẽ tăng cơ hội tiếp cận, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả hơn.

Nhấn mạnh quy định cho phép người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 là bước tiến, nhiều ý kiến nhận định thị trường bất động sản tới đây sẽ có thêm cơ hội thu hút vốn từ kiều bào để phát triển thị trường vững mạnh hơn.

Mở rộng quyền, thu hút đầu tư

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho hay người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta được khẳng định từ Đại hội VIII tới nay đồng thời đặt ra yêu cầu các quy định pháp luật cần khuyến khích và tạo điều kiện để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài tích cực đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm trên cũng được quy định trong Điều 18 "Hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam," trong đó khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Với quan điểm đó, Luật Đất đai năm 2024 đã có nhiều quy định đối xử với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam (công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài) bình đẳng như công dân Việt Nam ở trong nước.

“Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài từng có quốc tịch Việt Nam và con cháu của họ (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài) được giữ nguyên các quyền và khả năng tiếp cận đất đai như luật hiện hành,” ông Ngân nói.

Bên cạnh đó, việc mở rộng quyền này cũng tạo điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài có môi trường thuận lợi để đầu tư, kinh doanh, làm việc.

Cùng với việc thuận lợi tiếp cận đất đai trong nước, theo ông Ngân, chính sách trên cũng được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút lượng lớn trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý người Việt Nam ở nước ngoài về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hướng về Tổ quốc và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đây là chính sách tiến bộ, cởi mở của Luật Đất đai năm 2024. Cùng sự thống nhất chính sách với Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở năm 2023, thời gian tới sẽ tăng cơ hội tiếp cận, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, thu hút kiều hối, đầu tư của kiều bào ở nước ngoài, đẩy mạnh nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản,” ông Ngân nói.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh Luật Đất đai năm 2024 đã cập nhật thêm rất nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất (trong đó có quy định về quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam).

Với tầm quan trọng đó, ông Khánh cho biết hiện nay, các địa phương và người dân rất mong chờ Luật Đất đai có hiệu lực sớm và tin tưởng rằng khi đi vào thực tế luật sẽ quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với giải quyết các vướng mắc, tồn tại trên thực tế.

Nguồn cung bất động sản sẽ tốt hơn?

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đáng chú ý, trong số này có hơn 20% đã đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống và đầu tư và mong muốn sở hữu một ngôi nhà.

Chia sẻ với người viết, anh Bùi Văn Trường (quê ở Yên Thành, Nghệ An; hiện đang sống và làm việc ở Hungary) cho biết đã xa quê gần 30 năm. Vì thế khi biết tin luật mới cho phép người gốc Việt Nam ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam, anh rất vui.

“Trước khi trở về có sẵn một ngôi nhà cho mình là điều chúng tôi mong mỏi lâu nay. Do vậy việc pháp luật mở rộng quyền tiếp cận nhà ở, cũng như đảm bảo quyền về tiếp nhận nhà ở, đất đai với người Việt Nam ở nước ngoài như chúng tôi là quy định rất cải tiến và đúng đắn,” anh Trường chia sẻ.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng việc cho phép việt kiều còn giữ quốc tịch Việt Nam được phép mua nhà ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thị trường bất động sản dự báo sẽ có thêm “nguồn cầu” và “hút” dòng vốn từ nước ngoài, để thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh nhận định thời gian tới, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ dễ dàng hơn trong việc sở hữu bất động sản trong nước.

Cùng với Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được Quốc hội thông qua ngày 28/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 cũng đã quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước.

Ngoài ra, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 (được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) cũng quy định theo hướng dẫn chiếu: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh thì được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai.”

Theo Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh, trước đây để mua được bất động sản trong nước, nhiều Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên, dẫn đến những hệ lụy như kiện cáo, tranh chấp vì pháp lý thiếu minh bạch. Vì vậy việc sửa đổi luật lần này đã tạo được sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc mua bất động sản.

Nhận định về nhu cầu mua nhà ở Việt Nam của bà con Việt kiều, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam cho hay nhu cầu mua nhà của lượng kiều hối rất cao. Thời gian qua, nguồn cung nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn. Nếu “nới” điều kiện cho phép người Việt định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở như quy định mới sẽ kích cầu mạnh mẽ phân khúc cao cấp. Đây cũng là giải pháp thu hút lao động giỏi, thu hút nhân tài.

"Khi những người giỏi vào Việt Nam làm việc, gắn bó lâu dài thì chắc chắn họ sẽ có nhu cầu về chỗ ăn, chỗ ở, từ đó kích thích đầu tư bất động sản,” Giám đốc Kinh doanh CBRE Việt Nam chia sẻ thêm.

Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng đưa ra nhận định việc sửa đổi của Luật Đất đai và trước đó là các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản./.

                                                                                                                                             Theo http://www.quehuongonline.vn/thoi-su/luat-dat-dai-sua-doi-co-hoi-hut-von-tu-kieu-bao-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-20240312100844594.htm