Các chuyên gia nhận định biến động kinh tế toàn cầu đã tác động đến việc thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam (VN). Tuy nhiên, khó khăn này chỉ là tạm thời vì VN vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Dòng vốn FDI giảm nhẹ
Mới đây, việc ông chủ Apple đến thăm Ấn Độ đã dấy lên dự đoán nguồn vốn FDI đổ vào nước này sẽ tăng vọt. Trong khi đó, dòng vốn FDI đổ vào Malaysia và Indonesia đã tăng mạnh trong hai năm qua.
Chi phí cho nguồn nhân lực thấp là một trong những lợi thế giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI. Ảnh: P.MINH |
Theo các chuyên gia, việc thu hút vốn FDI của VN bị ảnh hưởng bởi môi trường tài chính thế giới thắt chặt và triển vọng tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia lớn gặp khó.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN (Kocham), đánh giá trong quý I-2023 dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào VN đạt gần 500 triệu USD, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ. Số lượng dự án cũng giảm gần 10%, đẩy Hàn Quốc từ nhà đầu tư số 1 tại VN xuống vị trí thứ tư. Lý do, cơ cấu thương mại tập trung vào một số mặt hàng của các công ty Hàn Quốc đang chịu ảnh hưởng từ biến động thiếu tích cực của nền kinh tế toàn cầu.
Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết: “Trong ba năm trở lại đây, dòng vốn FDI có sự chững lại. Nguyên nhân là do dịch bệnh, biến động địa chính trị dẫn tới đứt gãy chuỗi cung, tiêu dùng ở châu Âu và Mỹ giảm, nền kinh tế bị lạm phát và các quốc gia nới lỏng chính sách tiền tệ. Điều này dẫn tới nhu cầu mua sắm giảm, các đơn hàng của VN cũng bị ảnh hưởng theo”.
Theo ông Sử, còn hai yếu tố quan trọng tác động đến dòng vốn FDI nhưng ít được chú ý đến. Thứ nhất, số lượng dự án FDI không có dấu hiệu chững lại, thậm chí tăng lên.
Trong ba tháng đầu năm 2023, số lượng dự án tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Bình quân một dự án có giá trị đầu tư khoảng 15-16 triệu USD. Tuy vậy, con số để kích dòng vốn FDI tại VN tăng nhanh lại đến từ các dự án khổng lồ, mức đầu tư hàng tỉ USD. Số lượng dự án kiểu này rất ít nhưng chiếm tổng vốn rất lớn.
“Vốn FDI giảm cũng chính từ các ông lớn này đã tạm dừng, hoãn dự án vì tác động của thuế tối thiểu toàn cầu. Các tập đoàn lớn chịu tác động chính của chính sách thuế này. Họ đang cân nhắc và xem xét lại dự án để xem phản ứng chính sách của quốc gia thu thuế và quốc gia nhận đầu tư” - ông Sử lý giải.
Theo Bộ KH&ĐT, lũy kế năm tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký đạt 10,86 tỉ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ. Mức giảm chủ yếu do vốn đăng ký tăng thêm giảm xấp xỉ 60%. Vốn FDI thực hiện cũng giảm 0,78%.
Yếu tố thứ hai tác động đến các dự án đầu tư lớn, đặc biệt top 5 quốc gia đầu tư lớn vào VN chính là sự mất giá của tiền tệ.
Những lợi thế vượt trội của VN
Các tập đoàn đa quốc gia vẫn đang nhìn thấy sức hấp dẫn đầu tư vào VN. Trong báo cáo mới phát hành, Ngân hàng Hàn Quốc (Bank of Korea-BOK) cho biết VN đang nổi lên làm cứ điểm quan trọng của các tập đoàn sản xuất chip Hàn Quốc. Samsung Electronics và SK Hynix đã chọn VN là điểm đến đầu tư mảng chip trong bối cảnh đa dạng hóa thị trường và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, cho biết: “VN là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại giữa các nước lớn, bởi ba thế mạnh quan trọng đã thúc đẩy các khoản đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia dẫn đến xuất khẩu tăng mạnh”.
Đầu tiên và quan trọng nhất, theo khảo sát của nhiều tổ chức, mức lương tại các nhà máy ở VN chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc, trong khi năng suất làm việc của nguồn nhân lực ở hai quốc gia tương đương nhau. Tiếp theo, VN có vị trí địa lý gần kề với chuỗi cung ứng ở châu Á, đặc biệt thuận tiện cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
“Và cuối cùng, VN được hưởng lợi từ hiện tượng “friendshoring” (sản xuất tại các quốc gia bằng hữu), trong đó các công ty đa quốc gia có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia có ít rủi ro trong việc chịu mức thuế cao đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ” - ông Michael Kokalari nhấn mạnh.
Theo ông Đỗ Văn Sử, Thủ tướng đã chính thức giao Bộ Tài chính đưa ra chính sách, giao Bộ KH&ĐT chủ trì chính sách liên quan để hỗ trợ thúc đẩy thu hút đầu tư mới. Trong thời gian tới chắc chắn sẽ có giải pháp rõ ràng, cụ thể để không ảnh hưởng tiêu cực tới dòng vốn đầu tư.
Có ba mục tiêu chính về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của VN: Thứ nhất, giữ chân các nhà đầu tư hiện hữu; thứ hai, đủ sức hấp dẫn để thu hút thêm các nhà đầu tư mới; cuối cùng, đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế.
“Thủ tướng đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ của Chính phủ là sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc... của các nhà đầu tư” - ông Sử nhấn mạnh.
Theo ông Sử, FDI là bộ phận không thể thiếu và tách rời của nền kinh tế VN. Vì vậy, cần làm cách nào để thu hút nhiều hơn nữa, nhằm đóng góp một cách tích cực cho phát triển kinh tế theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Việt Nam có môi trường cởi mở, ổn định
Trong nhiều năm, VN đã có môi trường đầu tư cởi mở và ổn định. Đó là một yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào khi họ tiến hành đánh giá nội bộ nhằm xác định vị trí tốt nhất để đầu tư vào châu Á - Thái Bình Dương.
Bằng cách giữ ổn định hệ sinh thái này, VN sẽ tiếp tục tạo được uy tín với các nhà đầu tư cũng như khẳng định vị thế dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài trong dài hạn.
Tính minh bạch và khả năng dự đoán của môi trường kinh doanh là rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, nên tránh những thay đổi đột ngột trong chính sách mà không có thông báo đầy đủ hoặc các quy tắc trùng lặp để duy trì khả năng cạnh tranh và xây dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Ông PREBEN ELNEF, Tổng giám đốc LEGO Manufacturing VN