Mang làn điệu quan họ yêu thương đến Trường Sa tặng các chiến sĩ

Published Date
12/06/2020

Hôm nay là đúng hai năm (28/4/2018 -28/4/2020) kể từ khi tôi được vinh dự cùng với gần 70 kiều bào Việt nam đến từ 24 quốc gia đi thăm huyện đảo Trường Sa và nhà giàn DK1/18 trong 10 ngày từ 19 đến 28 tháng 4 năm 2018. Hai năm đã trôi qua nhưng khi nghĩ về Trường sa, về các chiến sỹ, đồng bào ở nơi đầu sóng ngọn gió, những cảm xúc lại ùa về, sống động, rõ nét như ngày nào.

 

Tác giả, thứ 2 từ trái sang và các thành viên trong đoàn xúc động hát quan họ tặng các chiến sĩ Trường Sa

Trong chuyến công tác tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chúng tôi có dịp được trải nghiệm cuộc sống của những người lính đảo đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ở đó, ngoài thời gian huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các cán bộ, chiến sĩ cũng tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống. Ngoài những phần quà về vật chất, đoàn còn quan tâm mang đến những món quà tinh thần, trong đó có những chương trình biểu diễn phục vụ văn nghệ cho cán bộ chiến sĩ.

Đi cùng đoàn công tác của chúng tôi có Đoàn ca múa nhạc Quân đội. Các ca sỹ đã mang những lời ca tiếng hát, tình cảm của đất liền đến với các đảo để phục vụ các chiến sĩ. Bản thân tôi, tuy không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng là người con quê hương quan họ, tôi muốn mượn làn điệu quê hương nói thay tấm lòng mình với những người nơi đầu sóng ngọn gió, ngày đêm bảo vệ biển đảo quê hương. Khi biết ý định của tôi, mẹ tôi, nghệ nhân quan họ Trần Thị Mỹ Lương, năm nay đã hơn 84 tuổi, đã viết một bài hát ca ngợi tình cảm của người phụ nữ quê nhà hướng về đảo xa dựa trên làn điệu dân ca quan họ “Vào chùa” để gửi gắm tình cảm của các mẹ, các chị nơi quê nhà đến các anh chiến sỹ. Mẹ tôi đã thức trắng đêm viết bài “Tình em quê nhà, tình anh đảo xa” để cho tôi kịp mang ra Trường Sa hát cho các chiến sĩ nghe . Khi tôi về Hà Nội, mẹ tôi đã vất vả đi xe buýt ra tận phố cổ Hà nội mua về cho trang phục quan họ cho tôi và một số chị em trong đoàn mặc khi hát tặng cho các chiến sỹ. Mẹ tôi dặn: "Quan họ là phải mặc như vậy con à thì mới đúng là người quan họ". Khi đi máy bay từ Hà nội vào cảng Cam Ranh, tôi đã mua hẳn cước 01 vali nữa chỉ để mang đồ phục vụ biểu diễn .

Tôi đã hát bài “Tình em quê nhà, tình anh đảo xa” do mẹ sáng tác cho các chiến sỹ tại trạm gác ở các đảo khi biết các cháu ấy không được xem chương trình biểu diễn của đoàn ca múa nhạc Quân đội vì còn phải làm nhiệm vụ. Lần đầu hát, tôi xúc động đến nghẹn lời. Nhìn thấy anh chiến sỹ ôm súng nhưng chân đập theo tiết tấu dân ca tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy.

Được hát cho chiến sỹ nghe dù chỉ là một bài thôi cũng là một niềm vinh dự và hạnh phúc lớn đối với tôi. Hát chưa hay nhưng hát bằng cả trái tim, tình cảm của người hậu phương đến với các chiến sỹ và tôi thật xúc động khi được hát chính bài hát của mẹ mình sáng tác tặng cho các chiến sỹ trên đảo .

Mang các làn điệu dân ca ra Trường Sa, tôi mong muốn được nối đảo với đất liền, được chia sẻ với các chiến sỹ nỗi nhớ quê hương./.

 L.T.B. Hường- Kiều bào ở Bologna, Italia