Miền Đông, đặc sản thể hiện con người

Published Date
23/09/2023

Ghé về miền Đông cũng phải đến mấy chục lần rồi mà trong tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc như thuở ban đầu mỗi khi thưởng thức ẩm thực địa phương.                                


Một người bạn dân buôn hàng xuyên miền Đông tâm sự, muốn biết người miền Đông thế nào thì cứ thưởng thức hết ẩm thực các tỉnh thành nơi đây. Quả là lời đúng đắn. Như thiên nhiên phong phú có đủ núi, sông, hồ và biển, đặc sản miền Đông cũng thể hiện đầy đủ phong vị ấy. Miền Đông có mấy trăm năm tập hợp nhiều dòng người từ các vùng miền đất nước, cũng là từng ấy thời gian con người nơi đây phát triển ẩm thực đặc sắc của mình.

Gỏi gà măng cụt, đặc sản vùng đất Bình Dương

TGCC


Đúng vậy, bản sắc độc đáo ấy có thể tìm thấy ở bất kỳ địa phương nào của miền Đông. Tôi đến Đồng Nai, nơi có nhiều món ngon thu hút khách du lịch và thay đổi liên tục theo mùa. Lang thang một hồi lại được ăn món gỏi cá đặc trưng ở đất Biên Hòa, nơi có ánh nắng bao phủ làm nền cho bữa ăn, nơi có phong cách tẩm ướp gia vị đặc trưng để làm nổi bật vị thơm ngon của thịt cá. Cứ nói cá tanh nhưng cách người Đồng Nai chế biến thật đặc biệt, được lưu truyền và phát triển qua mấy đời, đủ để tạo nên món đặc sản thương hiệu.

Đồng Nai có nhiều món "lai rai" thì cũng có món chuyên để ăn no là cơm gà cá mặn. Từ quán bình dân đến nhà hàng sang trọng, món này cũng có nhiệm vụ là làm dịu cơn đói và làm no những chiếc bụng sau ngày làm việc mệt mỏi. Còn gì bằng dĩa cơm nóng hổi được nấu từ nồi đất, với miếng thịt gà xé và mắm cá bình dị. Hương vị đó kết hợp thật vừa miệng và làm người ta khó quên, dù chỉ là du khách ghé chơi mấy ngày. Thưởng thức bữa cơm nơi đây như cảm thấy niềm ấm áp và chân tình của người làm ra món ăn, như cảm thấy cơm nhà trong các món đặc sản. 

Đồng Nai còn có chôm chôm Long Khánh, hải sản nước lợ Nhơn Trạch hay cá lăng, cá chình ở hồ Trị An nữa…

Ẩm thực miền Đông đặc biệt ở chỗ dù mỗi tỉnh thành có phong vị khác nhau nhưng đều làm du khách cảm nhận được sự mến khách, điều đó thể hiện qua sự chuẩn bị nguyên liệu kỳ công, cách bài trí và dịch vụ chu đáo thể hiện con người miền Đông luôn hết lòng với từng món ăn họ làm ra. Đến Bà Rịa – Vũng Tàu, thưởng thức một bữa ăn bên bờ biển, tôi càng thấy rõ điều ấy. Đó là món mực một nắng được đánh bắt lên từ tàu, còn thoảng vị mặn mòi đậm đà của biển. Bởi đây là vùng biển có nồng độ muối cao, các loại hải sản cũng phải biết cách chế biến để thực khách cảm nhận được vị ngon lại vừa không ngán. Bàn tay khéo léo của người Vũng Tàu được thể hiện rõ trong các món ăn cũng như sự nhạy cảm với việc chọn lựa các loại gia vị, rau xanh ăn kèm.

Rồi còn ẩm thực đặc sắc của Bình Dương. Nơi đây không chỉ có các điểm du lịch hấp dẫn mà các món ăn cũng có bản sắc rất riêng, để lại niềm nhớ thương cho du khách. Đến đây phải ăn món măng cụt chua ngọt dịu dàng. Gỏi gà măng cụt hay bánh bèo bì cũng là món thể hiện nét đặc trưng của con người nơi đây, họ luôn cố gắng kết hợp các nguyên liệu thành món ăn giàu màu sắc, giàu hương vị, kích thích vị giác của người phương xa ghé qua. Mảnh đất năng động và nhiều điểm du lịch này cũng có nền ẩm thực phong phú, được cải tiến theo thời gian qua sự chiêm nghiệm của biết bao bàn tay và tấm lòng.

Còn nhiều nơi nữa ở miền Đông mà tôi đã có dịp đến thăm như Bình Phước, Tây Ninh hay TP.HCM để cảm nhận được nét đẹp ẩm thực cũng như vẻ đẹp của con người. Miền Đông, điểm đến quan trọng của tuyến du lịch xuyên Việt, nơi mỗi địa phương đều có bản sắc riêng, chung tay góp phần vào dòng chảy và sự phát triển du lịch nước nhà. 

Từ các sản phẩm du lịch đặc trưng của mỗi miền đất, tôi còn thấy được nét đẹp của con người miền Đông – họ có một vẻ đẹp bản sắc thuộc về cộng đồng. Đó là sự đa dạng, phong phú, đặc trưng cho nét phóng khoáng, hào sảng của người nơi đây. Đó là cách chế biến ẩm thực hấp dẫn, ẩn chứa sự chỉn chu của người mẹ, người chị miền Đông, sự cẩn thận, tỉ mỉ và dịu dàng trong mỗi món ăn, tạo nên niềm cảm mến cho du khách. 

Từ bao lâu nay, người miền Đông vẫn được biết đến là vô tư truyền tải sự chân thành của mình vào các món ăn, dù chỉ là bữa cơm bình thường như con cá, quả bầu hay dăm thứ rau. Họ dồn hết tinh túy của mình vào bữa cơm trước mắt, dù ăn trong nhà hay tiếp khách đến chơi. Đó cũng là nét sống đáng quý của con người miền Đông Nam bộ trong thời đại hội nhập ngày nay, khi du lịch phát triển và là ngành kinh tế mũi nhọn. 

Tính cách đáng quý của người miền Đông còn nổi bật ở sự năng động, sáng tạo, sự thích nghi với thay đổi của ngoại cảnh mà vẫn mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn. Chính tính cách đó cũng góp phần để du lịch vùng Đông Nam bộ phát triển và đạt được nhiều thành công như ngày nay. Trong đó, những món đặc sản của miền Đông như nhịp cầu nối cho giao lưu du lịch, cho giao thoa cuộc sống và văn hóa các vùng miền trong cả nước.

Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.

Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@thanhnien.vn hoặc gửi qua đường bưu điện về địa chỉ Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Hào khí miền Đông). Cuộc thi sẽ nhận bài dự thi đến hết 15.11.2023. Bài viết được chọn đăng trên nhật Báo Thanh Niên và báo điện tử thanhnien.vn sẽ nhận được nhuận bút theo quy định của tòa soạn.

Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.

Theo Đinh Thành Trung - Hà Nội/Báo Thanh Niên

https://thanhnien.vn/mien-dong-dac-san-the-hien-con-nguoi-185230920202704971.htm