Mỗi doanh nghiệp là một đại sứ lan toả sức mạnh mềm văn hoá Việt
Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm, thúc đẩy DN phát triển bền vững.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ tại Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư, năm 2024 tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 10/11. Sự kiện này là hoạt động có ý nghĩa nhằm góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng văn hóa và con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong việc góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tôn vinh các DN có thành tích xuất sắc trong xây dựng và thực hành văn hoá DN. Đây cũng là dịp để hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Văn hóa là nguồn lực nội sinh
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh vai trò tích cực của cộng đồng DN trong chương trình xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ cộng đồng và xây dựng mối quan hệ gắn bó, tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần hình thành sức mạnh mềm quốc gia.
Thứ trưởng nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, trước các cơ hội và thách thức, chúng ta đã xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh. Bảo vệ bản sắc văn hóa và phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa DN, văn hóa kinh doanh là một giải pháp quan trọng để phát triển đất nước.
“Đảng, Nhà nước đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa nhằm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và xây dựng những DN Việt mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh trong nước và vươn tầm khu vực, thế giới. Mỗi DN là một đại sứ quảng bá giá trị văn hóa và con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu.
Trong cuộc gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nhân và DN Việt Nam ngày 11/10 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thành quả của gần 40 năm đổi mới đất nước, chúng ta vui mừng có được đội ngũ doanh nhân ngày càng đông đảo và lớn mạnh như ngày nay".
Tổng Bí thư cũng khẳng định “vai trò đặc biệt quan trọng” của DN và đội ngũ doanh nhân trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. “Khu vực DN sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, quan trọng hơn nữa cho sự thịnh vượng của quốc gia. Để đạt được điều đó, đòi hỏi mỗi người dân, mỗi doanh nhân đều phải hun đúc cho mình một tinh thần doanh nhân mạnh mẽ, đầy khát vọng", Tổng Bí thư chia sẻ.
DN Việt bước ra biển lớn và gìn giữ “hồn cốt dân tộc”
Điểm nhấn tại diễn đàn là tọa đàm với 2 phiên thảo luận: "Môi trường đa văn hoá trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu", "DN thời 4.0: Chuyển đổi văn hoá số tạo nên sự khác biệt".
Ông Lê Quang Minh - Tổng giám đốc Truyền hình Quốc hội Việt Nam, đề cập cách tiếp cận bao quát về văn hóa DN trong môi trường kinh doanh đa văn hóa. “Cộng đồng DN chưa bao giờ ở một thế giới phẳng như bây giờ, vì vậy, họ cần sẵn sàng tâm thế để cạnh tranh, để hòa nhập và phát triển. Hành trình này cần vai trò của truyền thông nhằm góp phần tìm tiếng nói chung cho các DN trong bối cảnh kinh doanh hòa nhập toàn cầu”, ông Minh nói.
Bên lề sự kiện, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM cho rằng, thách thức và cả cơ hội của DN trong môi trường đa văn hóa là rất lớn. Ông Hải ấn tượng với phần chia sẻ trong phiên thảo luận 1 của ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, khi nói về kinh nghiệm đầu tư thành công vào thị trường Việt hơn 30 năm, trong đó, vai trò văn hóa DN có ý nghĩa rất quan trọng.
“Các DN xứ kim chi chú trọng chữ tín và mạo hiểm khi mở rộng ra các quốc gia khác, với doanh thu ở nước ngoài chiếm tới 90% tổng doanh thu. Họ phát triển thương hiệu ở nước ngoài trước, sau đó mới phát triển trong nước”, ông Hải chia sẻ.
Cũng theo ông Hải, văn hóa luôn là một dòng chảy liên tục, là “hồn cốt” của mỗi dân tộc, trải qua những thăng trầm trong lịch sử của mỗi quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng. Chỉ khi thực sự thấu hiểu về văn hoá và bản sắc dân tộc, DN mới tự tin “vươn mình ra biển lớn”.
Tại diễn đàn, Ban tổ chức đã biểu dương, trao tặng Bằng khen cho 7 đơn vị, 19 phóng viên báo, đài có những đóng góp tích cực trong việc lan tỏa Cuộc vận động xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, vinh danh và trao chứng nhận cho 20 "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024. Các doanh nghiệp này đã đáp ứng xuất sắc các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng quốc gia xét chọn.
Hà Thủy – Theo https://doanhnhansaigon.vn/moi-doanh-nghiep-la-mot-dai-su-lan-toa-suc-manh-mem-van-hoa-viet-314479.html