Một cán bộ, đảng viên chân chính cần luôn trau dồi đạo đức, giữ gìn hình ảnh, đóng góp cho sự phát triển chung
Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn (huyện Đại Từ, Thái Nguyên" vào năm 1954. Ảnh: Tư liệu
(Thanhuytphcm.vn) - Hơn 20 năm trước, trong một bài báo nổi tiếng với tiêu đề “Nỗi thèm khát nóng bỏng”, nhà báo lão thành Trần Bạch Đằng đã viết “Không biết từ khi nào, vua chúa bỗng nhảy bổ vào chúng ta, những người cộng sản”. Lời cảnh báo của ông Trần Bạch Đằng hơn 20 năm trước nay thì đâu đó vẫn còn.
Quyền lực có xu hướng tha hoá, quyền lực càng cao thì nguy cơ tha hoá càng lớn. Có lẽ vì vậy mà ngay từ những ngày đầu tiên khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo và cảnh báo nghiêm khắc các biểu hiện này. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17/10/1945, Bác nói tới những lầm lỗi của một số cán bộ như: làm việc trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Bác lên án các “ông quan cách mạng”: Coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng” lên mà không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất đi lòng tin cậy của nhân dân, sẽ hại đến uy tín của Chính phủ.
Trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang diễn ra gay go, ác liệt, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phải tẩy sạch bệnh quan liêu” đăng trên Báo Sự thật ra ngày 02/9/1950. Mở đầu bài viết, Người khẳng định nhiệm vụ của chính quyền, đoàn thể và của mỗi cán bộ đó là “phụng sự nhân dân”, nghĩa là làm đầy tớ cho dân, “việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ, cũng gắng sức làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ, cũng hết sức tránh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nếu cán bộ không hiểu dân, không gần gũi với dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân, không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Đã mấy chục năm trôi qua song hiện nay vẫn còn những cán bộ chưa hiểu và không làm được như vậy, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng. Có những người khi bình thường thì không sao, chỉ cần có tý chức vụ là “dáng đi đã khác”, “giọng nói đã khác”…
Mấy ngày nay, báo chí và công luận bàn tán, bình phẩm về việc một số lãnh đạo sở, huyện ở một tỉnh phía Bắc chơi golf trong giờ làm việc. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có chỉ đạo yêu cầu UBND tỉnh Bắc Ninh kiểm tra thông tin báo chí phản ánh và “xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nội dung này phải báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/11”.
Người dân được làm những gì pháp luật không cấm và cán bộ, đảng viên, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Việc chơi golf của những lãnh đạo nêu trên vào giờ hành chánh rõ ràng đã không chỉ vi phạm kỷ luật hành chính mà còn vi phạm những quy định của Đảng về nêu gương. Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” đã ghi rõ một trong những nội dung nêu gương về đạo đức, lối sống, tác phong của cán bộ, đảng viên là: “Nêu gương về đức khiêm tốn, giản dị; tác phong sâu sát thực tế, gần gũi để thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của quần chúng, trước hết trong tổ chức, cơ quan, đơn vị công tác và nơi cư trú”. Đặc biệt, Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đã yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”.
Trong bài viết “Vài kỷ niệm với anh Nguyễn Văn Linh trong một chuyến đi công tác”, nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng cho biết năm 1979, khi ông Nguyễn Văn Linh là Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách công tác dân vận của Đảng đã có chuyến công tác miền Tây Nam Bộ. Khi làm việc ở Hậu Giang qua An Giang, đến Ngã ba Lộ Tẻ thấy xe cảnh sát bóp còi inh ỏi, ông Nguyễn Văn Linh hỏi ông Trần Bạch Đằng cái gì ồn ào vậy. Khi biết đó là xe cảnh sát hộ tống đoàn, ông Nguyễn Văn Linh xuống xe và yêu cầu xe cảnh sát giải tán: “Đi làm việc mà tiền hô hậu ủng thế này xấu hổ lắm”. Ông Nguyễn Văn Linh cương quyết nếu còn xe cảnh sát dẫn đường ông sẽ “vô nhà đồng bào nghỉ” không đi nữa rồi ông nói: “Mới giành thắng lợi có bốn năm, còn đang ăn bo bo mà đã học đòi thói trưởng giả rồi…Chết thật”.
44 năm sau sự kiện này, đâu đó vẫn còn tình trạng có cán bộ khi được bổ nhiệm vào các chức vụ nào đó thì mặc nhiên xem nó là của riêng và thậm chí có người “tự tung, tự tác”. Họ không hiểu rằng ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, chức vụ mà họ được giao chính là do Nhân dân uỷ quyền. Nếu là một cán bộ, đảng viên chân chính cần luôn trau dồi đạo đức, giữ gìn hình ảnh của người cán bộ, đảng viên chứ không phải lợi dụng chức vụ để thu vén cá nhân, thu vén cho nhóm lợi ích.
Còn nhớ, tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thẳng thắn chỉ ra: “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong với những biểu hiện như nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.
Vậy nên nếu chúng ta lên án thái độ, hành động vô cảm, thói “trưởng giả” của cán bộ, đảng viên gây tiếng xấu thì chúng ta cũng tri ân và cảm phục những người đã và đang ngày đêm lao động, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Hồng Phúc/(Thanhuytphcm.vn)