“Một mình trên đường” và “Ngã ba đường” của Lệ Tân Sitek
Tác giả Lệ Tân Sitek hay Bùi Lý Lệ Tân mang dòng máu Việt Nam nhưng sinh tại Hồ Nam, Trung Quốc vào năm 1939. Bà là con gái đầu của 2 nhà lão thành cách mạng người Việt từng hoạt động nhiều năm tại Trung Quốc: ông Bùi Hải Thiệu (bí danh Lý Quốc Lương) và bà Hoàng Lệ Minh (bí danh Lý Phương Thuận).
Năm 1944, Lệ Tân cùng mẹ và hai em gái về Việt Nam. 10 năm sau đó, bà sống với bà nội và các cô chú tại làng Phổ Đông, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1955, Lệ Tân được đi du học Ba Lan.
Năm 1964, bà tốt nghiệp ngành kiến trúc. Năm 1962, bà kết hôn với ông Ryszard Sitek. Từ 1967 đến nay, bà cùng chồng và hai con trai định cư ở Oslo, Na Uy.
Nữ kiến trúc sư kiêm nhà văn gốc Việt Lệ Tân Sitek (tức Bùi Lý Lệ Tân) đã sống hơn 70 năm cuộc đời ở 4 đất nước: Trung Quốc, Việt Nam, Ba Lan, Na Uy. Xuất thân đặc biệt, tác giả cũng có những trải nghiệm khác thường.
Hai cuốn sách “Một mình trên đường” và “Ngã ba đường” đã gói trọn cuộc đời đầy sóng gió với những biến cố nghẹt thở của nữ tác giả tuổi 74. Đây là 2 tập của một bộ tiểu thuyết - tự truyện do NXB Trẻ ấn hành, kể về cuộc đời của tác giả, một cuộc đời gắn chặt với lịch sử Việt Nam.
2 cuốn tiểu thuyết khá dày dặn, trong đó “Một mình trên đường” được viết bằng tiếng Việt trước rồi dịch sang tiếng Ba Lan – đất nước mà bà Lệ Tân coi như quê hương thứ hai, còn Ngã ba đường thì ngược lại. Chính tác giả đảm nhận công việc dịch thuật. Trong cả hai tập sách, nhân vật chính được tác giả đặt tên là An, chữ “An” trong từ “Nghệ An” là quê hương của bà. Ở Ba Lan, cuốn Một mình trên đường bán được 3.000 bản trong 3 tuần đầu phát hành hồi năm 2010.
Cuốn “Một mình trên đường”, tác giả thừa nhận: “Đây không hoàn toàn là một hồi ký, cũng không phải là một quyển sách lịch sử nhưng mang rất nhiều sự kiện đã xảy ra trong tuổi thơ của tôi. Địa danh cũng như nhân vật nơi thực nơi không, có thêm có bớt”. Cuốn sách “Một mình trên đường” tái hiện quãng thời gian 9 năm của Lệ Tân Sitek tại làng Phổ Đông, Nam Đàn, Nghệ An. Tuổi thơ của một cô gái mồ côi cha (cha bà hoạt động cách mạng và qua đời tại Trung Quốc), phải xa mẹ (sau khi về nước, mẹ bà tiếp tục tham gia cách mạng và đi bước nữa) sống với bà nội ở vùng nông thôn đong đầy những kỷ niệm. Thông qua những hồi tưởng về tuổi thơ của nhân vật chính tên An, một gia đình cách mạng đã được khắc họa với những con người đầy khí phách, từ bà nội An nhân hậu mà tiềm ẩn nghị lực vô song đến các chú, các cô mỗi người một tính cách nhưng đều có chung một điểm nói theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên (người dẫn chương trình buổi giới thiệu sách) là “đều có máu phiến loạn”.
Còn cuốn “Ngã ba đường” gói gọn quãng thời gian du học tại Ba Lan của nhân vật chính trong đó điểm nhấn là tình yêu đẹp nhưng không tưởng giữa cô với chàng trai Ba Lan cũng như cuộc thiên di từ Ba Lan sang Nauy sau này, gắn với những hồi tưởng day dứt về quê mẹ và mối liên hệ với những người thân. Suốt những năm tháng đó là ám ảnh về sự vong quốc, mắc nợ những người ruột thịt, nỗi trăn trở dằn vặt khi vì tình riêng mà phải trả giá đắt của cô gái tên An. Tuy vậy, nhân vật chính (hay cũng chính là tác giả) chưa một lần ân hận về những quyết định của mình. Bà vẫn yêu Tổ quốc, yêu đất nước theo cách của mình, chỉ có điều bà đã đi một con đường riêng, làm theo những gì mình cho là đúng chứ không chịu sống rập khuôn, không chịu sự áp đặt. Qua cuốn “Ngã ba đường”, người đọc cũng thấy một phần cuộc sống của những du học sinh thời kỳ những năm 50, 60 thế kỷ trước tại các nước Xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện đất nước đang còn chiến tranh, nước nhà chưa thống nhất.
TỔNG HỢP