Một tấm lòng với cuộc đời

Published Date
28/09/2023

"Còn sống là còn tri ân cuộc đời. Bởi người ta sống phải tích đức, mất rồi tất cả tội phước đều mang theo".                                


Chú Ba Bé thường hay nói với tôi như vậy những lúc ngồi trò chuyện cùng ông. Chú Ba là cách gọi thân mật của bà con xung quanh với ông Huỳnh Văn Bé ở thị trấn Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

Một tấm lòng với cuộc đời - Ảnh 2.

Ông Huỳnh Văn Bé tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn

Sống tích đức, với chú Ba, là phải có tình người, đừng bao giờ lừa dối ai, đừng làm điều ác, gặp người khó khăn, hoạn nạn thì dang tay giúp đỡ như ông bà mình nói "lá lành đùm lá rách". 

Chú Ba kể hồi xưa gia đình chú là những mảnh lá rách nát, khổ sở trăm bề. Cách đây gần 30 năm, lúc Đồng Tháp rộ lên phong trào nuôi chim cút lấy trứng, chú cũng dồn hết vốn liếng để nuôi hàng ngàn con. Mà rủi cái là cứ thất bại liên tục, phải bán hết mấy công ruộng, bán cả ngôi nhà mình sinh sống trả nợ. Vậy mà, nợ nần vẫn luôn đeo bám, cả gia đình chú phải sống nhờ nồi cháo đậu đen vợ chú gánh đi bán ở khắp thị trấn. Rồi con cái chú nghỉ học đi bán bánh mì dạo. Có lúc trưa rồi mà nhà không có cơm ăn, do chủ nợ siết hết tiền. Cay đắng trăm bề, vợ chú có lúc định tự tử cho xong.  

Những ngày khốn đốn, đêm không ngủ được, chú tìm mấy quyển sách cũ của bạn bè cho mượn nằm võng đọc. Trong đó có quyển sách Quẳng gánh lo đi. Chú tâm đắc mãi lời khuyên trong sách: "Khi bạn có một quả chanh, hãy làm thành một ly nước chanh ngon ngọt". Chú cảm thấy phấn chấn hơn một chút và bắt đầu tìm đường đi cho gia đình mình. 

May mắn, chú được người chị bà con ở Tây Ninh dạy nghề làm muối ớt. Từ những gói muối ớt rang bằng chảo đầu tiên đi chào bán dạo ở các hẻm nhỏ TP.HCM và các chợ quê ở Đồng Tháp, giờ đây gia đình chú đã có cơ sở muối sấy mỗi năm cho ra thị trường 2.000 tấn muối các loại, thu lợi nhuận hàng chục tỉ đồng. Thương hiệu muối sấy Ngọc Yến được Cục Sở hữu  trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu độc quyền, được Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng "Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao", được Viện Nghiên cứu kinh tế - đơn vị giám sát chất lượng quốc tế Vương quốc Anh tín nhiệm chứng nhận "Đạt chỉ số tín nhiệm vàng nhà cung cấp đáng tin cậy tại Việt Nam".  Chú là người nông dân đầu tiên ở Đồng Tháp thời đó xin trả lại sổ hộ nghèo cho nhà nước, bắt đầu con đường làm giàu. 

Nhớ những ngày khốn khó, chú mang ơn bà con, mang ơn chính quyền hỗ trợ. Hơn ai hết chú đã trải nghiệm cảnh thiếu đói, nhục nhằn. Do vậy, khi có vốn liếng rồi, chú bắt đầu hành trình chia sẻ của mình cho những tấm lá còn rách nát như mình ngày xưa. Vậy là, chú tìm đến bà con. Ai nói chú là doanh nhân chứ khi đến nhà bà con nghèo, chú giản dị với chiếc áo sờn vai, đôi dép đơn sơ. Từng bao gạo, thùng mì, từng phần học bổng được chú tặng cho gia đình còn khó khăn, các em học sinh hiếu học. 

Đâu có đợi quá giàu mới làm công tác xã hội. Hồi lợi nhuận còn ít thì mỗi năm gia đình chú dành vài chục triệu đồng hỗ trợ bà con. Dần dần, khi cơ sở đạt lợi nhuận nhiều hơn, chú tăng số hộ giúp đỡ thường xuyên lên. Dần dần, việc thiện nguyện mở rộng hơn. Đến nay, mỗi tháng chú giúp hơn 800 hộ nghèo và học sinh sinh viên gạo thóc, một ít chi phí sinh hoạt, tổng cộng hơn 200 triệu đồng một tháng, một con số không nhỏ. Nhiều nhỏ góp lại thành to, mười mấy năm qua, chú Ba Bé đã dành gần 20 tỉ đồng để làm công tác xã hội. Từ chỉ một huyện Thanh Bình, nay chú mở rộng địa bàn hỗ trợ ra nhiều huyện khác trong tỉnh Đồng Tháp. Dự kiến của chú sẽ hỗ trợ cho bà con, học sinh còn khó khăn khắp các huyện, thị thành trong tỉnh.

Một tấm lòng với cuộc đời - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Văn Bé tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Lễ phát động phong trào người tốt, việc tốt chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái

TGCC

 Chú nói, giờ mỗi tháng tổng tiền hỗ trợ tăng lên nhiều rồi, phải trên 250 triệu đồng. Chú tâm niệm, sẽ cố gắng hết sức mình để duy trì hoạt động này, cứ nghĩ tới nếu mình làm ăn không tốt, bà con không được nhận nữa, đời sống sẽ khổ lắm nên chú bảo các con mình cố gắng nhiều hơn. 

Mấy năm dịch bệnh hoành hành, sản xuất bị đình trệ, công nhân không có lương, gia đình neo đơn càng thêm khó. Chú nghĩ, mình dù sao cũng còn chút của để dành, còn no cơm ấm áo, vậy là chú bàn với gia đình trích tiền dưỡng già         của mình tiếp tục hỗ trợ gạo thóc hằng tháng cho mấy trăm gia đình, rồi hỗ trợ cho tất cả công nhân của cơ sở mình, mỗi người một ngày một trăm ngàn đồng, sống qua gần cả năm trời dịch bệnh. 

Gương mặt phúc hậu tươi rói, chú cười: "Hổng biết phải tâm linh không, chớ khi làm thiện rồi thấy lòng mình thanh thản mà ông bà độ chú làm ăn ngày một khấm khá, chắc tay hơn. Bây giờ, chú vẫn là một nông dân, nông dân biết tính toán, kinh doanh và nông dân biết trả ơn cho đất, cho đời, cho người".

Một tấm lòng với cuộc đời - Ảnh 4.

Ông Huỳnh Văn Bé tặng quà cho bà con khiếm thị tại huyện Tam Nông

TGCC

Ở tuổi U80, chú Ba Bé đã trải qua biết bao đắng cay, ngọt bùi, bất hạnh     và hạnh phúc. Nhưng chú nói hạnh phúc nhất có lẽ là chú đã sống trọn vẹn với đời, một cách đơn giản nhất. Đó là sống không hại ai, dù bất cứ hoàn cảnh nào cũng không buông xuôi, cố gắng làm lụng rồi chia sẻ lại cho bà con mình. Chú cứ nhắc mãi, trong cuộc đời mình, tội hay phước gì thì mình cũng sẽ mang, khi sống cũng như khi mất đi. Do vậy, còn sống một ngày là còn làm điều thiện, chú dạy các con mình vậy, các con sẽ tiếp nối chí nguyện của mình. 

Mùa tựu trường tới rồi, chú Ba sẽ đi tặng quà, đi nói chuyện truyền cảm hứng cho các em học sinh. Hàng trăm, hàng ngàn gia đình đã nhận tấm lòng của chú. Rất nhiều em học sinh đã tiếp tục cầm bút tìm kiếm tương lai, cống hiến cho xã hội mai sau. Chú Ba Bé đã sống trọn vẹn với quê hương, với tình người, tình đất. 

Theo Thu Nguyễn - TP.HCM/Báo Thanh niên

https://thanhnien.vn/mot-tam-long-voi-cuoc-doi-185230926134634723.htm