Nắm bắt cơ hội hợp tác thúc đẩy phát triển ở khu vực biên giới
Ngày 8/4/2024, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức “Hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền”.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã nêu bật tầm quan trọng của công tác quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu đối với sự phát triển, hội nhập của đất nước. Ngay từ năm 2020, Bộ Ngoại giao đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai nghiên cứu, xây dựng, trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền (các Quyết định số 1199/QĐ-TTg, 1200/QĐ-TTg, 1201/QĐ-TTg ngày 14/10/2023).
Các quy hoạch được phê duyệt có vai trò định hướng lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền trong trung hạn (đến năm 2030), gắn với tầm nhìn dài hạn (đến năm 2050) và xa hơn nữa; tạo khung pháp lý nội bộ quan trọng làm cơ sở cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới định hướng kế hoạch tổ chức, triển khai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực biên giới phù hợp với quy hoạch cửa khẩu; chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.
Việc triển khai mở/nâng cấp cửa khẩu, quản lý cửa khẩu cần tuân thủ Nghị định Nghị định số 34/2023/NĐ-CP ngày 16/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (gọi tắt là Nghị định số 34/2023/NĐ-CP) và Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền (gọi tắt là Nghị định số 112/2014/NĐ-CP).
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: UBBGQG.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung: thực tiễn triển khai công tác mở/nâng cấp cửa khẩu tại địa phương, những khó khăn, thuận lợi trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch.
Theo đánh giá của các đại biểu tại hội nghị: quan hệ giữa Việt Nam và các nước láng giềng thời gian gần đây phát triển tốt đẹp, giao lưu hữu nghị, hợp tác thực chất giữa địa phương hai bên biên giới sau đại dịch Covid-19 được thúc đẩy; nhu cầu giao thương, trao đổi hàng hoá giữa các nước tăng cao; Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai kết nối trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”, đẩy mạnh triển khai Tuyến hành lang quốc tế mới về thương mại trên bộ, trên biển kết nối miền Tây Trung Quốc với các nước ASEAN; Hành lang kinh tế Đông – Tây đang được đẩy mạnh triển khai thực hiện…
Thời gian tới, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện các Quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với các cửa khẩu nằm trong quy hoạch, căn cứ thứ tự ưu tiên được đề cập trong quy hoạch, kết hợp việc trao đổi thực tế, thống nhất với địa phương Trung Quốc, Lào và Campuchia. Trường hợp đặc biệt địa phương có nhu cầu mở cửa khẩu không nằm trong quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, yêu cầu đối ngoại đặc thù Chính phủ sẽ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể; đối với các trường hợp khác, địa phương cần chờ đến chu kỳ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tiếp theo (sau 5 năm)...
Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá cao việc tổ chức hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền; đây là diễn đàn quan trọng để giải đáp các khó khăn, thắc mắc của địa phương trong thực tiễn triển khai công tác quy hoạch và phát triển cửa khẩu biên giới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, trọng tâm công tác quản lý, bảo vệ biên giới giữa Việt Nam và các nước láng giềng hiện nay đã chuyển từ giai đoạn phân giới cắm mốc sang hợp tác phát triển, cần nắm bắt cơ hội hợp tác để thúc đẩy phát triển ở khu vực biên giới. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường nghiên cứu, rà soát, phối hợp với các nước đối tác láng giềng trong công tác quản lý, phát triển cửa khẩu, trong đó có mở/nâng cấp cửa khẩu.
Các địa phương nghiêm túc triển khai quy hoạch, tập trung các công tác: đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các cửa khẩu có nhu cầu mở/nâng cấp, để các bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, đồng thời quản lý tốt cửa khẩu biên giới. Phát huy vai trò của hệ thống cửa khẩu thông qua việc tăng cường kết nối đồng bộ hệ thống đường bộ và đường sắt với các tỉnh biên giới, khu vực nội địa của Trung Quốc, với khu vực ASEAN, cũng như các nước Trung Á;
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách kết hợp giữa Trung ương và địa phương để huy động nguồn lực, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ cả ở khu vực cửa khẩu và trong nội địa, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, đầu tư vào khu vực cửa khẩu, biên giới; bên cạnh đó cần nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch biên cương.
Hải Doan - https://thoidai.com.vn/nam-bat-co-hoi-hop-tac-thuc-day-phat-trien-o-khu-vuc-bien-gioi-198676.html