Nâng cao lý luận về nguồn lực xã hội, đưa Việt Nam trở thành nơi ‘Đất lành chim đậu’

Published Date
03/02/2023

Baoquocte.vn. Nâng cao nhận thức, hành động và lý luận về nguồn lực xã hội sẽ là nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy xây dựng một đất nước Việt Nam thực sự là “Đất lành chim đậu” không chỉ cho người Việt mà còn cho tất cả bạn bè quốc tế cũng như các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu.

Xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam tạo nguồn lực xã hội để phát triển bền vững đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam tạo nguồn lực xã hội để phát triển bền vững đất nước. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Mùa Xuân đến luôn mang lại sự hồi sinh, phát triển cho những nguồn lực nội sinh của con người và xã hội, trong đó, nguồn lực xã hội là các đặc điểm của đời sống xã hội (như mạng lưới, chuẩn mực và lòng tin) cho phép những người tham gia hành động cùng nhau hiệu quả hơn để theo đuổi các mục tiêu chung.

Sự hỗ trợ lẫn nhau, sự tin tưởng và khả năng liên kết vùng miền, làm việc cùng nhau để giải quyết các vấn đề chung góp phần vào sự thành công của một tổ chức hay quốc gia nhằm tạo nên những nguồn lực của vốn xã hội.

Cấu trúc cho một nền kinh tế và xã hội bền vững

Bản chất con người là xã hội, chúng ta đã tiến hóa để trở thành xã hội và đó là đặc điểm xác định ý nghĩa của việc trở thành con người. Có hai cấu trúc đóng góp quan trọng cho một nền kinh tế và xã hội bền vững.

Thứ nhất, gia đình, bạn bè và các nhóm tương hỗ có thể cung cấp cho mọi người sự hỗ trợ thiết thực, từ chăm sóc trẻ em và người già để hỗ trợ tài chính hoặc tham vấn không chính thức. Ở các nước đang phát triển, nơi mà nguồn lực nhà nước eo hẹp, sự hỗ trợ không chính thức từ gia đình giữ vai trò quan trọng.

Chính vì vậy, có thể nói, nguồn lực xã hội nói chung và ở Việt Nam nói riêng thường bắt nguồn từ cái nôi hạnh phúc gia đình và được phát triển trong quá trình giáo dục và môi trường lao động. Những dịp Tết đến, con cháu trong gia đình Việt thường tụ tập đông đủ, chia sẻ những điều thiết thực, cốt lõi nhất của cuộc sống để rồi sau đó lan tỏa ra xã hội, tạo nên những nguồn lực xã hội vô cùng phong phú cho đất nước.

Thật vậy, gia đình là một môi trường sống cực kỳ quan trọng trong việc hình thành tính cách và nhân cách cho một con người. Bất kể gia đình ấy ở nông thôn hay thành thị, Đông hay Tây, Nam hay Bắc, châu Á hay châu Âu, những đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình của tình yêu thương, sự cảm thông, tôn trọng, sự tĩnh lặng sâu sắc và thấu hiểu thì sẽ có cơ hội lớn để trưởng thành thật sự cả về mặt xã hội lẫn tinh thần.

Gia đình là mảnh đất ươm mầm cho những tâm hồn trẻ thơ, thế hệ tương lai của cả nhân loại. Nó cần được xây dựng trên sự nhận biết và hiểu biết nhiều hơn nữa từ các bậc phụ huynh và những người sắp có trách nhiệm làm cha mẹ.

Thứ hai, thể chế chính trị, các mạng lưới xã hội rộng lớn và các tổ chức quần chúng được coi là thúc đẩy sự hợp tác, đoàn kết giữa mọi người. Chúng làm tăng niềm tin, từ đó giúp mọi người tận hưởng cuộc sống chất lượng cao hơn, giúp các doanh nhân kinh doanh tốt hơn.

Hệ thống đó cung cấp môi trường để thảo luận và thống nhất các giải pháp vượt qua những thách thức chung, chẳng hạn như xây dựng văn hóa doanh nghiệp hoặc xây dựng môi trường kinh doanh đầu tư để phát triển kinh tế bền vững cùng đất nước… Ngược lại, một hệ thống bị chia cắt về mặt xã hội sẽ khó cho mọi người tham gia vào hoạt động cần thiết cho việc phát triển một quốc gia an bình.

Mặt trái của tách biệt lợi ích cá nhân khỏi lợi ích tập thể

Tuy nhiên, trên thế giới, hệ thống kinh tế hơn 100 năm qua đã quá tập trung vào việc tối đa hóa lợi nhuận cho số ít với sự trả giá đắt của đa số còn lại. Nền văn hóa hiện đại khuyến khích mọi người tư lợi theo chủ nghĩa cá nhân.

Điều này dẫn đến sự phát triển của địa vị xã hội và hệ thống cấp bậc dựa trên sự kiểm soát như một phương tiện để đánh giá cao bản thân mình hơn những người khác. Do đó, tách biệt hiệu quả lợi ích cá nhân khỏi lợi ích tập thể.

Con người hiện đại thường hay nhất quán duy lý và hẹp hòi, cố gắng tối đa hóa lợi ích cho bản thân. Theo tư duy này, sự giàu có và quyền lực trở nên quan trọng và các yếu tố xã hội ngày càng không đáng kể hoặc không liên quan trừ khi có những hậu quả kinh tế hữu hình. Tiền bạc, quyền lực là yếu tố cơ bản và quan trọng nhất, tất cả các cân nhắc khác đều bị tước đoạt.

Xã hội bị thúc đẩy bởi cái tôi và ham muốn quyền lực, địa vị sinh ra xung đột. Con người sống hoang dã với bản năng “lòng tham không có giới hạn” thay vì hợp tác với hàng xóm và cộng đồng của họ vì lợi ích tập thể.

Ở Việt Nam, vấn đề xã hội và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Hiện nay, Việt Nam cũng đang trở thành điểm sáng với cơ sở hạ tầng phát triển, môi trường sống cũng như đầu tư kinh doanh thân thiện và thành công trong kiểm soát Covid-19. Trong bảng xếp hạng quốc gia hạnh phúc nhất thế giới (World Happiness Report - WHR) năm 2022, Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí 77 so với năm 2021.

Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) với 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong danh sách cần mở rộng hoạt động, dẫn đầu là Hoa Kỳ. Việt Nam là "đại bản doanh" lớn nhất thế giới của Tập đoàn Samsung (chiếm 60% sản lượng của doanh nghiệp).

Đại sứ Australia Craig Chittick trao chứng nhận đóng góp cho TS Đoàn Duy Khương, Đại sứ Cựu sinh viên toàn cầu của Australia đại diện Việt Nam. (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)
Đại sứ Australia Craig Chittick (trái) trao chứng nhận đóng góp cho TS. Đoàn Duy Khương, Đại sứ Cựu sinh viên toàn cầu của Australia. (Nguồn: Đại sứ quán Australia tại Việt Nam)

Mặc dù vậy, thực tế trong xã hội Việt Nam ngày nay, cũng như các quốc gia đang phát triển khác, chúng ta vẫn gặp phải nhiều thách thức an ninh xã hội phi truyền thống như tham nhũng, tiêu cực; xuống cấp về đạo đức, lối sống tệ nạn; sự “xâm lăng văn hóa”, phai nhạt, đánh mất bản sắc văn hóa, xói mòn những giá trị truyền thống của dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế…

Phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn lực xã hội

Vốn xã hội có thể giải quyết được các thách thức an ninh phi truyền thống cũng như tạo nguồn lực phát triển kinh tế bằng cách khuyến khích mọi người cống hiến, hỗ trợ và hợp tác trong khi ngăn cản những hành vi ích kỷ và cá nhân chủ nghĩa. Nó truyền cảm hứng cho sự tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau, thiện chí và đoàn kết có lợi mọi người. Nó xây dựng cộng đồng, cải thiện chức năng của các nhóm, tổ chức xã hội và cung cấp nguồn hỗ trợ xã hội vô giá.


Vốn xã hội bao gồm cấu trúc, thể chế, mạng lưới và các mối quan hệ (gia đình, cộng đồng, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức tự nguyện, hệ thống luật pháp/chính trị…), cho phép các cá nhân duy trì, phát triển vốn con người của họ trong quan hệ đối tác với những người khác và đạt năng suất cao hơn khi làm việc cùng nhau thay vì làm việc độc lập.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn lực xã hội, nên chăng chúng ta cần phấn đấu và thực hiện 4 nội dung sau.

Một là, xây dựng và phát triển Đảng cầm quyền của đất nước, của nhân dân theo lý luận Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng tiền phong để làm cơ sở cho sự đột phá và lan tỏa sức mạnh mềm Việt đến các giai tầng trong xã hội. Đảng tiền phong sẽ tôi luyện ra các nhà lãnh đạo tinh hoa, có đức, có tài để đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thế giới sống của nhân dân.

Trong đó, giá trị và phẩm chất của người lãnh đạo thể hiện ở cả những hình thức giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ tinh tế nhất cũng như cách diễn giải hành động vì ngay cả những hành động có chủ đích tốt nhất cũng có thể bị hiểu lầm.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì nhận thức và kết nối: thay vì lắng nghe để phản hồi, hãy lắng nghe để thấu hiểu. Người lãnh đạo cần luôn học hỏi và mở rộng tầm mắt để bao quát với những gì đang xảy ra trong môi trường xã hội xung quanh. Quan sát các lý luận giả định nền tảng và các kinh nghiệm truyền thống để nhận thức rằng, có những lúc sự thay đổi là phù hợp và cần có bản lĩnh hành động tương xứng để góp phần phát triển nguồn lực xã hội của tổ chức, doanh nghiệp.

Hai là, xây dựng hệ thống thể chế nhà nước pháp quyền với những giá trị cốt lõi của văn hóa Việt và bản Tuyên ngôn độc lập cũng như phù hợp với luật pháp quốc tế để đảm bảo một môi trường sống và làm việc tốt đẹp cho tất cả mọi người cùng tiến lên, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Môi trường pháp luật công bằng sẽ tạo ra những mảnh "đất lành chim đậu". Hơn thế nữa, đất lành còn hấp dẫn những con chim quý phương xa bay về…

Ba là, trong một đất nước đang hướng tới một nhà nước pháp quyền và hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì cần phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp tích hợp đủ 4 nội dung chủ yếu: Thượng tôn pháp luật, hiệu quả, đạo đức kinh doanh và hoạt động nhân đạo.

Khi 4 nội dung này đóng vai trò xuyên suốt trong đời sống sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp sẽ tạo được uy tín và thương hiệu trên thương trường để nâng cao sức cạnh tranh.

Bốn là, thế giới cuộc sống của chúng ta được định hình năng động và liên tục bởi mọi hành động và sự tương tác cũng như lý luận của chúng ta về những điều này.

Hành động của chúng ta có ảnh hưởng đáng kể và mạnh mẽ đến thế giới sống của những người khác, bao gồm các nhóm, tổ chức, cộng đồng mà chúng ta tương tác. Hành động thực hành có thể là tất cả các hình thức giao tiếp bằng lời nói và những việc chúng ta làm. Đó không chỉ là những thông điệp mà chúng ta truyền đạt mà còn là ý nghĩa, tầm quan trọng được diễn giải trong thực tiễn công việc.

Khi hành động của chúng ta mạnh mẽ, rõ ràng, nhất quán, tự tin và được nâng lên thành các thông điệp sẽ có tác động đáng kể hơn đến thế giới sống và làm việc của mọi người.

Trong một thế giới phức tạp, mọi người thường không có khả năng liên tục phân tích và đánh giá mọi suy nghĩ và hành động. Vì vậy, con người chủ yếu hoạt động dựa trên những giả định nền tảng. Một khi tất cả các điều đó được mọi người công nhận thì nó sẽ thành lý luận và dẫn dắt các hành động của mọi người tạo nguồn lực xã hội cộng hưởng mạnh mẽ để phát triển đất nước.

Chính vì vậy, tất cả chúng ta cần nêu cao tinh thần, phương pháp học tập và lao động theo phương châm lý luận 18 chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến đến lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành” (sách Xây dựng “Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, và vì dân” theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, 12/2021).

Năm mới Quý Mão 2023 đến đúng dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cùng với sự nâng cao nhận thức, hành động, việc nâng cao lý luận về nguồn lực xã hội của tất cả chúng ta sẽ là nguồn lực to lớn góp phần thúc đẩy xây dựng một đất nước Việt thực sự là “Đất lành chim đậu” không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho tất cả bạn bè quốc tế cũng như các nhà đầu tư kinh doanh toàn cầu.

https://baoquocte.vn/nang-cao-ly-luan-ve-nguon-luc-xa-hoi-dua-viet-nam-tro-thanh-noi-dat-lanh-chim-dau-215221.html

TS. ĐOÀN DUY KHƯƠNG/Baoquocte.vn.