Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phát triển rừng bền vững
Trong 3 ngày từ 9-11/7, tại Hòa Bình, Ban Quản lý dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam", Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã tổ chức khóa tập huấn "Nâng cao năng lực quản lý, vận hành và nhận thức của cán bộ cấp trung ương, nhà báo và giới truyền thông các tổ chức phi chính phủ về biến đổi khí hậu và phát triển rừng bền vững (gọi tắt là REDD+).
Các học viên tham gia một buổi học của khóa tập huấn (Ảnh: KS)
Tại khóa tập huấn, học viên đã được các chuyên gia cung cấp thông tin về tình hình biến đối khí hậu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới sáng kiến giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ hệ thống khí hậu thông qua quản lý và phát triển rừng bền vững (gọi tắt là REDD+).
Theo các chuyên gia, REDD+ là một sáng kiến nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển để giảm phát thải nhà kính và bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu thông qua 5 hoạt động gồm: Giảm phát thải từ mất rừng; giảm phát thải từ suy thoái rừng; bảo tồn trữ lượng các-bon rừng; quản lý rừng bền vững; tăng cường trữ lượng các-bon rừng. Không giống như các sáng kiến khác, REDD+ trong ngành lâm nghiệp là cơ chế thực hiện chi trả dựa trên kết quả thực hiện, trong đó các nước phát triển sẽ đền bù cho các nước đang phát triển vì những nỗ lực giảm phát thải do suy thoái rừng và mất rừng tại các nước này.
Một hoạt động quan trọng của REDD+ là xác định các nhân tố gây mất rừng và suy thoái rừng. Các nghiên cứu cho thấy, nhân tố xã hội và kinh tế là tác nhân chủ yếu đối với mất rừng và suy thoái rừng. Trong đó gồm: tăng dân số; mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và sử dụng đất đai; các chính sách và phương thức sử dụng đất hiện có; áp dụng từ việc mở rộng sản xuất nông nghiệp phát triển cây công nghiệp…
Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Á tham gia thực hiện REDD+ ở cấp quốc gia để chuẩn bị cho việc triển khai cơ chế giảm phát thải nhà kính toàn cầu trong tương lai được đàm phán trong Công ước Khung của Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, REDD+ có thể giúp hiểu rõ hơn về đói nghèo và thí điểm những công cụ mới tiếp cận với người nghèo, trao quyền cho người dân tộc thiểu số để họ có thể tham gia vào quá trình xây dựng hoạt động, giảm thiểu mức độ tổn thương trước những mối nguy hiểm về biến đổi khí hậu, về tự nhiên, dịch bệnh, tập trung giải quyết các thách thức liên quan tới đất đai, lâm nghiệp và thủy lợi.
Theo đánh giá của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả cơ bản cho việc sẵn sàng thực hiện REDD+. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng khung thể chế cho công tác thiết kế và vận hành chương trình REDD+ quốc gia; sự tham gia của các bên liên quan thông qua mạng lưới quốc gia các nhóm truyền thông về REDD+ và biến đổi khí hậu; thiết kế khuôn khổ đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải khí nhà kính; bước đầu lồng ghép REDD+ vào các khung chính sách phát triển lâm nghiệp.
Tại khóa tập huấn, các chuyên gia về REDD+ cũng đã truyền tải cho học viên thông tin về chính sách, thể chế, tổ chức, quản lý REDD+ ở Việt Nam; các dự án REDD+ tại Việt Nam; các yếu tố kỹ thuật và công nghệ của REDD+; đồng thời thăm quan nghiên cứu hiện trường về nội dung bài giảng các yếu tố kỹ thuật và công nghệ trong REDD+./.
Theo Kim Sơn (http://dangcongsan.vn)