Nâng cao văn hóa ứng xử nơi công cộng
Xếp hàng nơi công cộng là một nét đẹp, là thước đo ý thức về văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, hiện nay, nét đẹp văn hóa này chưa được duy trì, phát huy một cách tích cực.
Các bạn trẻ xếp hàng tham dự một sự kiện văn hóa tại Hà Nội. |
Xã hội ngày càng phát triển, mọi người có thể dễ dàng mua bán, ăn uống theo nhu cầu, lựa chọn theo sở thích. Thế nhưng, chính trong sự phát triển ấy lại phát sinh những hình ảnh xấu xí như: chen lấn, xô đẩy, mất an ninh trật tự, mà nguyên nhân chính là văn hóa ứng xử nơi công cộng chưa được đề cao và thực hiện đúng mức. Những hình ảnh này có thể dễ dàng bắt gặp hằng ngày, hằng giờ ở các đô thị lớn, khu vực sân bay, bến xe, siêu thị.
Nhiều người hâm mộ bóng đá còn ngậm ngùi, bức xúc vì đã bỏ công sức đi giữ chỗ từ đêm, nhưng vẫn phải ra về tay không sau “cuộc chiến” mua vé SEA Games 31 của U23 Việt Nam, được mở bán từ 8 giờ tại cổng sân Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) sáng 3/5/2022. Thời điểm đó, chị Hương đang mang bầu 8 tháng, đứng xếp hàng từ 24 giờ ngày 2/5, nhưng khi mọi người kéo đến đông, chen lấn, xô đẩy, chị phải bỏ chỗ vì lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tương tự, trước Tết Nguyên đán 2023, câu chuyện đi mua xăng tưởng chẳng có gì phức tạp, nhưng khi đó, việc xếp hàng đổ xăng trở nên “nóng” không khác gì chuyện tắc đường giờ cao điểm. Ai cũng muốn nhanh đến lượt của mình, thế nhưng không phải ai cũng có cách ứng xử văn minh, đúng mực. “Gặp người nhường nhịn thì không sao, nhưng gặp những người bộc trực lại lời qua tiếng lại, sinh ra cãi vã. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng giờ ngồi uống trà đá “chém gió” với những chuyện không đâu, thế mà xếp hàng chờ đổ xăng vài phút lại tỏ ra không chịu nổi”, một số người bị chen ngang khi đổ xăng chia sẻ.
Hiện nay, nhu cầu người dân đi mua sắm tại cửa hàng, siêu thị ngày càng cao, nhất là vào dịp lễ, Tết. Mặc dù các trung tâm thương mại đều khuyến cáo người dân có ứng xử văn minh như xếp hàng thanh toán, giữ gìn an ninh trật tự, nhưng thực tế vẫn có một số người “bỏ ngoài tai”. Chị Trần Minh Thúy (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Khi gặp trường hợp như thế, tôi đã yêu cầu người chen ngang quay lại xếp hàng giống như mọi người. Điều đáng nói, thái độ của người chen ngang rất khó chịu”.
Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tại Hà Nội, bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 10/3/2017. Bộ quy tắc cũng quy định cụ thể tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn, nhà ga, bến xe ô-tô, bến tàu, sân bay, người dân cần xếp hàng mua bán, mua vé đúng quy định, trao đổi thông tin, giao tiếp đúng mực.
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa, muốn thấy sự phát triển của mỗi quốc gia hãy nhìn vào nơi công cộng. Sự thay đổi về nhận thức là quá trình lâu dài và cần có sự chung tay của toàn xã hội. Các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, ý thức, từng bước khắc phục tình trạng nêu trên.
Theo Bài và ảnh: MINH NGHĨA/Báo nhân dân
https://nhandan.vn/nang-cao-van-hoa-ung-xu-noi-cong-cong-post738980.html