Nền kinh tế Việt Nam có thể đạt giá trị 2.000 tỷ USD vào năm 2050
07/10/2024
Ngày 6-10, UBND TP HCM tổ chức Chương trình Talkshow truyền cảm hứng với sự tham gia của Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chủ đề “Kinh tế tri thức - Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.
Chương trình có sự tham dự của đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; cùng sự tham gia của khoảng 1.200 người, lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp sáng tạo, công dân trẻ tiêu biểu… trên địa bàn TPHCM.
Kinh tế tri thức – nền tảng để giới trẻ bước chân ra toàn cầu
Mở đầu buổi đối thoại, Giáo sư Klaus Schwab đã có hơn một giờ đồng hồ để chia sẻ bức tranh tổng quan về nền kinh tế tri thức (KTTT) gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và những thuận lợi, khó khăn của Việt Nam.
Phần giao lưu hỏi đáp giữa diễn giả với giới trẻ đã làm rõ vai trò, trách nhiệm của người trẻ trong nền KTTT, tầm quan trọng của thế hệ trẻ Việt Nam đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thực tế cho thấy, thế giới đang thay đổi nhanh chóng, quá trình toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đòi hỏi các quốc gia cũng như địa phương phải luôn không ngừng phát triển, hợp tác và tịnh tiến với xu thế toàn cầu. Trong đó có TPHCM - một thành phố năng động, đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, đã và đang tích cực chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang nền kinh tế xanh, số và bền vững.
Do vậy, để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi mỗi công dân của thành phố phải trang bị những kiến thức, kỹ năng mới và phù hợp để sẵn sàng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của công nghệ - thông tin.
“Việc xây dựng và phát triển nền KTTT không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết, cần tiến hành song song, gắn liền với quá trình chuyển đổi công nghiệp, nhằm trang bị cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết để nắm bắt cơ hội và đối mặt với thách thức của thời đại", Giáo sư Klaus Schwab khẳng định.
Theo Giáo sư Klaus Schwab, việc dịch chuyển từ nền kinh tế truyền thống sang KTTT đòi hỏi một quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế được triển khai không chỉ đồng thời mà còn phải hài hòa, hợp lý. Trong đó, trụ cột về nguồn lực con người sẽ là mục tiêu và là động lực chính để thúc đẩy quá trình phát triển nền KTTT.
Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng có những lợi thế không nhỏ để phát triển KTTT, như lực lượng lao động trẻ đông đảo, thích ứng nhanh với công nghệ và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực, chúng ta cần có những giải pháp đột phá trong giáo dục và đào tạo, gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế thành phố
- Giáo sư Klaus Schwab nhấn mạnh.
Cần hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ
Nhìn nhận về tầm ảnh hưởng của Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, giáo sư là người tiên phong trong việc đưa ra những dự báo và phân tích sâu sắc về các xu hướng phát triển của thế giới.
Vì vậy, với việc truyền tải kiến thức và khơi dậy nguồn cảm hứng, đam mê về khám phá tri thức, nghiên cứu khoa học cho giới trẻ hôm nay là cơ hội để giới trẻ tiếp nhận xu hướng phát triển mới của thế giới.
Chúng ta cần một thế hệ trẻ không chỉ trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn mà còn được rèn luyện kỹ năng sáng tạo, tư duy phản biện và khả năng thích ứng nhanh chóng với công nghệ mới
- Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin.
Nói thêm về TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang trên đà thực hiện mục tiêu kép là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng.
TPHCM là trung tâm hội tụ nhân tài cả nước, mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Hàng năm, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức thu hút hàng ngàn ý tưởng, dự án từ học sinh các cấp đến sinh viên, nhà khoa học trẻ, trong đó có nhiều sáng kiến liên quan đến công nghệ, vật liệu mới, kỹ thuật môi trường…
Sự bùng nổ của phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật khẳng định giới trẻ TPHCM đủ năng lực, bản lĩnh, sức sáng tạo để xây dựng một nền KTTT - một yếu tố then chốt trong sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng gửi gắm thông điệp, mong muốn giới trẻ cùng chung tay xây dựng và phát triển thành phố.
Nền KTTT chính là tương lai, những hành động quyết liệt từ thế hệ trẻ sẽ là yếu tố quyết định thành công của quốc gia, địa phương đó.
Cùng tham dự đối thoại, PGS-TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen thông tin thêm, KTTT đòi hỏi ở các bạn trẻ không chỉ tri thức chuyên môn mà còn sự nhiệt huyết, tư duy đột phá và tinh thần dấn thân.
Bà nói: "Hơn ai hết, thế hệ trẻ là lực lượng nòng cốt, có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nền KTTT tại Việt Nam. Mỗi bước đi của các bạn trẻ, mỗi ý tưởng khởi nghiệp, mỗi sáng kiến cải tiến đều góp phần vào sự thịnh vượng chung".