Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất sẽ có chuỗi hoạt động kéo dài nửa tháng
Hội nghị triển khai công tác xuất bản năm 2022 diễn ra tại TP.HCM sáng 23-3 vừa tổng kết công tác xuất bản năm 2021, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết cho ngành xuất bản, in, phát hành sách sắp tới.
Cục trưởng Cục Xuất bản Nguyễn Nguyên thừa nhận tình trạng sụt giảm doanh số và khó khăn chồng chất đối với ngành sách vào năm 2021 khi cao điểm dịch COVID-19 diễn ra tại TP.HCM và các tỉnh thành. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm, khi dịch bệnh tạm yên, ngành xuất bản đã bứt phá vượt lên và đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Năm nay ngành sách đang có nhiều ý tưởng để kỷ niệm 70 ngày truyền thống ngành xuất bản (10-10-1962). Bên cạnh đó, ngành sách Việt Nam sẽ tổ chức sự kiện cho Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành vào ngày 4-11-2021.
Thói quen đọc cần được chú ý từ các gia đình. Tại TP.HCM đã có nhiều gia đình hình thành thói quen đến đường sách khi có dịp - Ảnh: L.ĐIỀN
Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 sẽ tổ chức thành chuỗi hoạt động từ 15-4 đến 1-5, với các hình thức: giới thiệu các câu lạc bộ về sách, các mô hình tủ sách gia đình; tủ sách dòng họ; tủ sách cơ quan, trường học; tủ sách cộng đồng; và hướng dẫn các kỹ năng đọc sách...; tổ chức các cuộc thi: đại sứ văn hóa đọc, kể chuyện và làm theo sách, tuyên truyền quảng bá sách...
Ông Lâm Đình Thắng - giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM - ghi nhận hiện nay các địa phương trong thành phố đang có nhiều mô hình lan tỏa khuyến khích thói quen đọc, từ Củ Chi, quận 6 đến Tân Phú, Thủ Đức. Đặc biệt, hiện thành phố Thủ Đức đang tích cực tìm hiểu để tổ chức một đường sách trên địa bàn.
Một nội dung được xác định là trọng tâm của ngành xuất bản Việt Nam sắp tới đây là việc chuyển đổi số, tức là hoạt động xuất bản điện tử sẽ đi vào đời sống thực tế.
Theo báo cáo của cục tại hội nghị, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong thời gian qua được các nhà xuất bản chú trọng hơn, tổng số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đã tăng lên thành 12 nhà xuất bản (tăng 33%).
Nhấn mạnh đến yêu cầu chuyển đổi số như là "một mệnh lệnh" cho toàn ngành, cục trưởng Cục Xuất bản cho biết sắp tới sẽ hướng tới việc đưa số lượng nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử chiếm 25% trong năm 2022.