Tại buổi làm việc của Thủ tướng với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 16-4 vừa qua, chính quyền TP đã kiến nghị, đề xuất với Trung ương 29 vấn đề. Đáng chú ý, TP mong Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo việc trình nghị quyết cũng như các nghị định liên quan để giúp TP có cơ chế vượt trội, đột phá, tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển trong thời gian tới.
TS Nguyễn Thị Thiện Trí, Trường ĐH Luật TP.HCM. |
Trong Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều nội dung mang tính gợi mở, định hướng chính sách tiếp theo của TP.HCM kèm phương châm “cả nước vì TP.HCM và TP.HCM vì cả nước”. Hiện nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 đang dần được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua.
Dự thảo nghị quyết mới là sự tổng kết của ba loại cơ chế. Một là những cơ chế, chính sách đặc thù so với pháp luật chung mà TP.HCM đã thực hiện có hiệu quả, nay tiếp tục duy trì. Hai là những cơ chế, chính sách mới được đề xuất trên cơ sở hoàn cảnh thực tiễn phát sinh thời gian qua trên địa bàn TP. Ba là những cơ chế, chính sách có tính định hướng phù hợp với định hướng phát triển của TP trong tương lai.
Nhìn chung, nội dung của dự thảo có tính vượt trội nổi bật, rõ nét và đặc biệt có nhiều sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn so với dự thảo lần đầu. Theo đó, chính quyền TP.HCM có thể giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra ở TP cả trong quản lý ngành, lĩnh vực và cả trong tổ chức bộ máy, nhân sự địa phương. Đồng thời tháo gỡ hàng loạt vướng mắc mà TP đã và đang gặp phải để phát triển TP.HCM xứng tầm một đô thị lớn hàng đầu cả nước.
TP.HCM cần đẩy mạnh việc quản lý theo hình thức “chính quyền - doanh nghiệp”, kết nối kinh tế sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: N.NHI |
Hòa hợp giữa cái mới và cũ
TP.HCM được Trung ương gửi gắm nhiều kỳ vọng, do vậy các cơ chế, chính sách phát triển TP cũng được ưu tiên nhằm tương thích với những kỳ vọng đó. Tuy nhiên, với những gì thuộc về đặc trưng của một siêu đô thị như TP.HCM về dân cư, văn hóa, kinh tế, thương mại, dịch vụ… thì thách thức với chính quyền TP trong việc đón nhận các cơ chế đặc thù mới là rất lớn.
Làm sao để hòa hợp giữa một cơ chế quản lý đặc thù về đầu tư, đất đai, môi trường, ngân sách, tài chính, tổ chức bộ máy chính quyền đô thị… mới trong hàng loạt cơ chế về quản lý doanh nghiệp, xây dựng, y tế, giáo dục, cư trú, thủ tục hành chính… hoàn toàn cũ là điều không dễ.
Do đó, trong khi chờ thông qua và thực hiện nghị quyết mới này thì chính quyền TP.HCM lại tiếp tục chuẩn bị cho một cơ chế đặc thù mới.
Cũng nhiều thách thức
Với định hướng cạnh tranh quốc tế, TP.HCM được đầu tư chính sách trở thành trung tâm tài chính quốc tế nên các nội dung của dự thảo nghị quyết có nhiều chủ trương mang tính cơ hội cho TP.HCM. Đặc biệt là trong lĩnh vực then chốt như quản lý đầu tư, ngân sách, tài chính, đất đai, môi trường và cả việc giải quyết các điểm nghẽn còn tồn tại về chính quyền đô thị…Tuy nhiên, nghị quyết mới này vẫn có những thách thức mang tính trước mắt và lâu dài cho TP. Đáng chú ý là thách thức thẩm quyền quản lý ngành, lĩnh vực cao hơn so với trước thì TP cần được bảo đảm về nhân lực, đặc biệt là nhân lực chuyên môn đối với chính quyền TP.HCM.
Kế đến là công tác tổ chức, kết nối, liên thông giữa các ngành, lĩnh vực và giữa chính quyền các cấp trong việc thực hiện cơ chế mới. Điều này để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, hoặc thiếu thông tin, thiếu thông suốt giữa các ngành, các cấp, các bộ phận trong hệ thống.
Với dự thảo lần này, các điểm nghẽn trong tổ chức, điều hành TP.HCM kỳ vọng sẽ được tháo gỡ nhưng các cơ chế thuộc nhóm định hướng, chiến lược còn khá chung chung, chưa đặt TP.HCM trong xu hướng phát triển cụ thể của 10 năm hay 20 năm sau.
Nói cách khác, nghị quyết này chỉ giải quyết vấn đề trước mắt vì mỗi giai đoạn phát triển của TP.HCM cần phải được cụ thể hóa bằng một nhóm cơ chế, chính sách theo giai đoạn.
TP.HCM vẫn phải “đàm phán” tiếp cơ chế mới cho lộ trình tiếp theo. Tính “nguyên tắc”, “quan điểm” trong phân định thẩm quyền giữa trung ương và chính quyền TP.HCM vẫn chưa được chú trọng đề ra trong dự thảo. Thay vào đó, các quy định trao quyền cụ thể lại là nội dung chủ đạo của dự thảo này theo kiểu “nghẽn ở đâu khai thông ở đó”.
Chính quyền TP.HCM cần “lôi kéo” doanh nghiệp đi tìm đơn hàng
Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 khi được thông qua sẽ giúp giải quyết những vướng mắc, tồn tại, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, tạo động lực mới cho TP.HCM phát triển.
TS Huỳnh Phước Nghĩa. |
Để TP.HCM có lợi thế cạnh tranh, thu hút dòng vốn đầu tư, thực hiện vai trò đầu tàu của cả nước thì cần có những cơ chế để TP có thể chủ động trong một số vấn đề, tạo động lực tăng trưởng mới. Cụ thể là các quyền liên quan đến sử dụng nguồn lực đất đai, hạ tầng, thu hút FDI, về đóng góp ngân sách của TP... Đồng thời, TP.HCM cũng phải vận dụng, có giải pháp khai thác sáng tạo những lợi thế của nghị quyết này nhằm thực hiện có hiệu quả những chiến lược phát triển của TP.
Quay trở lại những khó khăn mà TP gặp phải trong quý I, để phục hồi, thúc đẩy kinh tế TP tăng trưởng trở lại trong quý II và nửa cuối năm 2023, TP.HCM cần đẩy mạnh việc quản lý theo hình thức “chính quyền - doanh nghiệp”. Chính quyền sẽ là cầu nối, kết nối kinh tế sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nắm rõ khó khăn, “lôi kéo” doanh nghiệp đi để có đơn hàng, khi đó mới tăng được xuất khẩu.
Ở Thái Lan họ làm rất tốt mô hình này. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp muốn đẩy mạnh xuất khẩu trái cây sang một thị trường thì chính quyền sẽ đứng ra tạo kết nối với thị trường đó. Và không chỉ dừng lại ở việc xúc tiến thương mại như tổ chức hội chợ, triển lãm… mà chính quyền sẽ theo sát, kiểm tra, thúc đẩy, “cầm tay chỉ việc” giúp doanh nghiệp có đơn hàng.
TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, chuyên gia kinh tế (ĐH Kinh tế TP.HCM)
TP.HCM cần gói 300.000 tỉ đồng hỗ trợ những DN đang “sống tốt”
TP.HCM với vai trò là đầu tàu cả nước nhưng quý I-2023, GRDP chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ - đây thực sự là vấn đề rất đáng quan tâm.
Tôi cho rằng đầu tư công có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ tăng trưởng của TP.HCM. Vì thế cần có những kế hoạch chi tiết, cụ thể cho từng quận, huyện có liên quan đến đền bù, giải toả để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
TSLê Bá Chí Nhân |
Tiếp đến là xuất nhập khẩu, lúc này doanh nghiệp cần sự “xắn tay” của lãnh đạo TP, chỉ đạo Sở Công Thương và các sở ngành liên quan lập đoàn sang thị trường đang bị sụt giảm đơn hàng, xem có vướng mắc gì không, có thể tìm kiếm được khách hàng mới hay không.
Thứ ba, ngành dịch vụ du lịch tại TP.HCM chưa phát huy được hết thế mạnh. Do vậy, TP.HCM có thể tính toán, tự quy hoạch những khu dịch vụ phục vụ ăn, chơi, giải trí cho khách du lịch mà không cần xin cơ chế riêng.
Ngoài ra, để tạo đà cho TP.HCM tăng trưởng trong năm 2023 thì phải có dòng tiền. Tuy nhiên, ngoài lãi suất cho vay đang cao thì các doanh nghiệp còn gặp khó về đầu ra do thị trường tiêu thụ giảm sút.
Theo tôi, TP cần rà soát lại những doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Doanh nghiệp nào có kế hoạch kinh doanh khả quan, làm đúng quy định thì tạo điều kiện cho vay, hỗ trợ để họ nhanh chóng hồi phục, tăng tốc trở lại.
TP cũng cần đề xuất Ngân hàng Nhà nước đưa ra một gói 300.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm, lãi suất 6-8%/năm hỗ trợ cho những doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, đóng thuế đầy đủ, đang hoạt động tốt để “tiếp sức” cho họ.
Tiến sĩ LÊ BÁ CHÍ NHÂN, chuyên gia kinh tế
QUANG
HUY ghi
Theo Tác giả: TS NGUYỄN THỊ THIỆN TRÍ, Trường ĐH Luật TP.HCM/Báo Pháp luật TP.HCN
https://plo.vn/nghi-quyet-moi-se-dot-pha-go-vuong-cho-tphcm-post729216.html