Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024 công tác ngoại giao kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp…
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thành tựu chung của đất nước trong năm 2024 có sự đóng góp quan trọng của công tác ngoại giao kinh tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải xác định lấy nguồn lực bên trong là nguồn lực cơ bản chiến lược lâu dài, nhưng nguồn lực bên ngoài vẫn là quan trọng, đột phá; phải tăng cường chuyển giao công nghệ; đột phá về thể chế kinh tế thị trường; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo; quản trị thông minh.
Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, phải đẩy mạnh 3 đột phá: tạo môi trường đầu tư thông thoáng về cơ chế sách, giảm chi phí tuân thủ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế phát triển; đột phá về hạ tầng, trong đó có hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, đặc biệt là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa; đào tạo nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, để vươn tới mục tiêu thu nhập trung bình cao cho người dân vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045 thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải đạt 8% trong năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn phát triển sắp tới. Trong bối cảnh hiện nay vừa phải tăng trưởng kinh tế vừa phải sắp tinh gọn xếp bộ máy, đây là việc khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Thủ tướng nhấn mạnh, ngoại giao kinh tế là động lực mới thúc đẩy tăng trưởng, vì vậy phải thúc đẩy ký kết các khung khổ pháp lý, quan tâm đến chính sách visa sao cho thông thoáng hơn và tăng cường kết nối doanh nghiệp của nước ta với nước sở tại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… Cùng với đó, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, tạo nên chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu. Việc xúc tiến thương mại đầu tư phải thực chất hơn, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững; đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể cho các Đại sứ, Trưởng cơ quan Việt Nam tại nước ngoài: đề nghị Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi nhóm D1-D3 và sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc trong phát triển kinh tế cửa khẩu, kết nối giao thông, nhất là kết nối đường sắt; hợp tác với các nước Trung Đông xây dựng Trung tâm Tài chính Quốc tế tại TPHCM… “Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể”, Thủ tướng chỉ rõ.
PHAN THẢO - Theo https://www.sggp.org.vn/ngoai-giao-kinh-te-la-dong-luc-moi-thuc-day-tang-truong-post774143.html