Người bệnh hưởng lợi khi kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân được chuyển giao

Published Date
29/06/2023

 NDO -  Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên nhờ sự chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương.  

 Các chuyên gia và cán bộ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên. 
Các chuyên gia và cán bộ của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên.

Người bệnh tuyến dưới được tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn 

Tháng 4, Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên. Người bệnh được ghép tế bào gốc là bà Lê Thị C. (57 tuổi, ở huyện Quế Sơn, Quảng Nam), bị đa u tủy xương.  

Sau khi điều trị hóa chất và lui bệnh hoàn toàn, người bệnh được chuyển sang khu ghép tủy cách ly, vô trùng tuyệt đối với phòng áp lực dương. Các y, bác sĩ Ngân hàng Tế bào gốc, Khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành gạn tách tế bào gốc, sau đó truyền lại vào cơ thể người bệnh bằng đường truyền tĩnh mạch. 

Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, người trực tiếp đồng hành, hỗ trợ các bác sĩ của Bệnh viện Đà Nẵng trong ca ghép chia sẻ, sau ghép, người bệnh gặp một số biến chứng, đặc biệt là biến chứng CMV (Cytomegalovirus) tái hoạt động dẫn đến các tế bào máu giảm liên tục và sốt thất thường.  

CMV tái hoạt động là một biến chứng ít gặp trong quá trình ghép tự thân, có thể khiến người bệnh gặp nhiều nguy cơ như: chậm mọc mảnh ghép, tổn thương các cơ quan (viêm phổi, tổn thương đường tiêu hóa…). Các bác sĩ đã theo dõi và điều trị CMV kịp thời nên virus đã âm tính và các các tế bào máu của người bệnh dần hồi phục. Nhờ sự theo dõi sát sát, người bệnh đã ổn định và xuất viện.  

Người bệnh hưởng lợi khi kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân được chuyển giao ảnh 1

Bệnh viện Đà Nẵng thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên.

 Tiến sĩ, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết: “Với sự đầu tư của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế Đà Nẵng và chuyển giao kỹ thuật từ Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, từ năm 2019-2020, Bệnh viện Đà Nẵng đã đặt mục tiêu năm 2023 tiến hành ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên và thực hiện thường quy kỹ thuật này nhằm giúp nhân dân miền trung-Tây Nguyên tiết kiệm chi phí, sức lực vì không phải đi quá xa đến hai đầu đất nước để điều trị các bệnh lý ung thư huyết học”. 

Để chuẩn bị thực hiện ghép tế bào gốc tự thân, trong 3 năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã cử các bác sĩ khoa Nội Thần kinh-Cơ xương khớp-Huyết học lâm sàng đi học tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Ban lãnh đạo Viện và các chuyên gia hàng đầu về tế bào gốc của của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cũng trực tiếp vào Bệnh viện Đà Nẵng nhiều đợt để khảo sát và chuyển giao kỹ thuật 

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 30 người bệnh được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương. Trước tình trạng số lượng người bệnh cần ghép tế bào gốc ngày càng tăng, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng Trung tâm ghép tạng và tế bào gốc nhằm giúp người bệnh có thể tiếp cận dịch vụ điều trị tốt hơn. 

Tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới 

Từ ngày 12/6-4/8, Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương tổ chức lớp chuyển giao kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân bệnh đa u tủy xương. Đây là hoạt động thuộc phạm vi Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc thực hiện hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại viện được triển khai từ năm 2006. Đến tháng 6/2023, viện đã thực hiện được trên 570 ca ghép tế bào gốc tạo máu với nhiều kỹ thuật ghép phức tạp. 

Tham gia khóa học gồm có các cán bộ y tế của Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Trong thời gian 8 tuần, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ được học lý thuyết và hướng dẫn các quy trình ghép tế bào gốc tự thân trực tiếp tại Khoa Ghép tế bào gốc, Ngân hàng Tế bào gốc của viện.  

Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị tối ưu giúp nhiều người mắc bệnh máu ác tính cũng như lành tính có cơ hội khỏi bệnh và quay lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, đây là một kỹ thuật phức tạp, cần thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt và bảo đảm các yêu cầu chuyên môn chặt chẽ. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương cho biết, ghép tế bào gốc tự thân là hình thức ghép trong đó khối tế bào gốc của người bệnh được thu gom và lưu trữ, sau đó truyền trả lại cho người bệnh khi đã kết thúc điều kiện hóa nhằm phục hồi mô tạo máu. 

"Để triển khai ghép tế bào gốc tự thân cần quá trình chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt và được phối hợp thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm. Việc tham gia học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật tại viện là hoạt động bước đầu nhằm chuẩn bị về nguồn nhân lực", bác sĩ Hà Thanh cho hay.  

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An và Bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện thành công những ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên. 

Trước khi triển khai, các chuyên gia của viện đã tiến hành khảo sát, tư vấn về việc chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, thuốc, hóa chất… cho quá trình ghép.  

Khi tiến hành ca ghép đầu tiên, các cán bộ có kinh nghiệm của viện sẽ trực tiếp hướng dẫn, thực hiện gạn tách tế bào gốc, truyền tế bào gốc, đồng thời theo dõi sát diễn biến của người bệnh để chỉ định xét nghiệm và điều chỉnh thuốc nhằm kịp thời xử trí các biến chứng.  

Người bệnh hưởng lợi khi kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân được chuyển giao ảnh 2

Khảo sát, tư vấn về công tác chuẩn bị chuẩn bị cho hoạt động ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương là một trong các cơ sở uy tín hàng đầu trên toàn quốc về tế bào gốc với các mảng hoạt động chính: Tiếp nhận và lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn, xét nghiệm trước ghép và theo dõi kết quả ghép tế bào gốc, thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh lý huyết học. 

Ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại viện được triển khai từ năm 2006. Đến tháng 6/2023, viện đã thực hiện được trên 570 ca ghép tế bào gốc tạo máu với nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: Ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống); ghép nửa hoà hợp (ghép haplotype); ghép nửa hoà hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn…  

Tại viện, kỹ thuật ghép tế bào gốc được ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh lý hơn và độ tuổi ghép ngày càng được mở rộng. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh nhấn mạnh, với trách nhiệm của viện chuyên khoa đầu ngành, viện luôn sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao các kỹ thuật cao phù hợp với điều kiện của các bệnh viện tuyến dưới, trong đó có kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân; qua đó góp phần nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị tại nhiều khu vực trên cả nước và giúp người bệnh tiếp cận được với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn ngay tại địa phương.      


Theo TRẦN LAM/Báo Nhân Dân online

https://nhandan.vn/nguoi-benh-huong-loi-khi-ky-thuat-ghep-te-bao-goc-tu-than-duoc-chuyen-giao-post759321.html