Người dân, doanh nghiệp vẫn đang chờ ngân hàng hạ lãi vay

Published Date
13/03/2023

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các ngân hàng cần tiết giảm chi phí, không gây phiền hà cho các doanh nghiệp trong giao dịch.

Ngành ngân hàng khẳng định cả lãi suất huy động và cho vay đều giảm nhanh trong những ngày gần đây. Điều này có thể giúp khách hàng doanh nghiệp (DN) và cá nhân tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý, giảm gánh nặng chi phí trong lúc đang gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các DN mong muốn ngân hàng “giảm lãi suất thực chất”. 

Đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi 

Ngày 6-3, các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động. Đơn cử, Ngân hàng Sacombank đã điều chỉnh giảm khoảng 0,3%-0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất tại quầy của ngân hàng này đã điều chỉnh xuống còn 8,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn ba năm.  

Tại VPBank, lãi suất cũng đã giảm sâu. Ví dụ lãi suất kỳ hạn một năm hiện ở mức 8,8%/năm, giảm 0,5 điểm phần trăm. Tương tự lãi suất kỳ hạn sáu tháng giảm 0,5 điểm phần trăm xuống 8,4%/năm. 

Bên cạnh những ngân hàng trên, hàng loạt ngân hàng khác cũng công bố biểu lãi suất huy động mới. Trong đó, hầu hết các ngân hàng đã đưa lãi suất xuống dưới mốc 9%/năm, có nơi chỉ còn quanh 8%-8,5%/năm.  

Như vậy so với hồi đầu năm, lãi suất tiền gửi đã giảm bình quân khoảng 0,5%-1%/năm. Và nếu so với đỉnh cuối năm ngoái, lãi suất huy động đã giảm tới 1,5%-2%/năm.

Đáng chú ý, đến sáng qua (7-3), nhóm bốn ngân hàng lớn nhất tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi. Chẳng hạn VietinBank giảm mạnh lãi suất huy động với biên độ lên tới 0,6%- 0,9%/năm tùy từng kỳ hạn. Theo đó đối với các kỳ hạn tiền gửi từ một đến dưới sáu tháng áp dụng mức lãi suất 4,1%-4,6%/năm, giảm 0,8%/năm so với lãi suất cũ. 


  Người dân, doanh nghiệp vẫn đang chờ ngân hàng hạ lãi vay ảnh 1
Mặt bằng lãi suất huy động giảm sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Ảnh: TL

Sau lần đồng thuận hồi cuối năm ngoái không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm, động thái mới nhất là tín hiệu rõ ràng về xu hướng giảm lãi suất sâu rộng đã bắt đầu lan tỏa. Điều này sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay hạ nhiệt, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng - vốn đang tăng với tốc độ rất chậm trong hai tháng đầu năm. 

Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, trong tháng 2-2023, mặt bằng lãi suất đã ổn định và thực tế lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm. Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm ngoái. Đặc biệt đã có 22 ngân hàng giảm lãi suất cho vay bình quân. 

Kỳ vọng lãi suất cho vay giảm  

Nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cho khách hàng cá nhân từ nay đến hết ngày 30-6, VietinBank cho biết vừa triển khai chính sách lãi suất cho vay chỉ từ 7,1%/năm, thời gian vay lên tới một năm và quy mô gói vay này lên tới 100.000 tỉ đồng.  

Tương tự, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong năm 2023, BIDV cũng đã triển khai gói vay sản xuất, kinh doanh lên tới 30.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân vay đến một năm. Lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới sáu tháng hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ sáu đến một năm.  

Ngoài ra, ngân hàng này còn có gói vay trên 12 tháng lên tới 100.000 tỉ đồng phục vụ nhu cầu đời sống như vay mua nhà, mua ô tô, tiêu dùng hay sản xuất, kinh doanh của khách hàng cá nhân. 

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại giải thích việc giảm lãi suất huy động có thể tạo dư địa giảm lãi suất cho vay. “Nếu để lãi suất cho vay quá cao khiến DN chịu sức ép lãi vay lớn dẫn đến không có khả năng trả nợ sẽ là điều vô cùng rủi ro đối với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, mức giảm lãi suất cho vay sẽ không thể diễn ra theo kiểu cào bằng được mà phải kê đơn bốc thuốc đối với từng đối tượng khách hàng” - vị lãnh đạo ngân hàng này cho biết.  

Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) vừa công bố kết quả khảo sát cho thấy trong tổng số hơn 100 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh có tới 83% DN đang gặp khó khăn. Trong đó có tới 43% phản ánh lãi suất vay cao và 38,2% cho biết khó khăn vì thủ tục vay vốn phức tạp, tốn nhiều thời gian.  

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA, cho hay lãi suất cho vay hiện trên 10%/năm. Lãi suất vay cao nên nhiều DN hoạt động cầm chừng, hạn chế đầu tư. Vì vậy, họ mong ngành ngân hàng có biện pháp giảm lãi suất. Mặt khác, nếu ngân hàng không giảm lãi suất thì cũng rất khó để thị trường hấp thụ nguồn vốn tín dụng đang khá dồi dào. 

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục điều hành hợp lý theo hướng phấn đấu giảm lãi suất hơn nữa. Đồng thời, cơ quan này đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Doanh nghiệp ngại vay vì lãi cao  

Các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định hiện nay thanh khoản dư thừa trong hệ thống đã giúp đảo chiều cuộc đua lãi suất và xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra trên diện rộng. Ngoài ra, diễn biến lãi suất trên thị trường vừa qua cũng gắn với nhu cầu tín dụng còn thấp.    

Cụ thể, trong hai tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TP.HCM ước tính tăng lần lượt 2,0% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước. Với quy mô tín dụng ở hai TP lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2-023 đạt khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% của cùng kỳ năm ngoái.  

“Thanh khoản hệ thống đang thừa nhiều hơn thiếu, một phần nguyên nhân đến từ cầu tín dụng thấp và áp lực đáo hạn trái phiếu DN chưa tăng mạnh trong những tháng đầu năm” - VDSC đánh giá.  

Cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp  

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, vừa ký Văn bản số 610 đề nghị các ngân hàng trên địa bàn thực hiện giải ngân các gói tín dụng ưu đãi và giảm lãi suất cho vay do chính các ngân hàng chủ động đưa ra và cam kết nhằm hỗ trợ khách hàng.  

“Việc giải ngân các gói hỗ trợ hoặc chủ động giảm lãi suất cho vay đối với DN của các tổ chức tín dụng sẽ mang lại hiệu quả nhanh, kịp thời không chỉ giúp DN sớm vượt qua khó khăn mà còn tác động tích cực đối với thị trường tiền tệ, góp phần ổn định vững chắc thị trường tiền tệ, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế” - công văn nêu rõ.  

Cũng tại văn bản này, NHNN Chi nhánh TP.HCM yêu cầu các ngân hàng cần tiếp tục giữ ổn định hoặc giảm lãi suất cho vay đối với DN bình ổn thị trường. “Các ngân hàng cần thực hiện việc hỗ trợ trực tiếp cho DN bằng những hành động cụ thể như cung cấp dịch vụ chất lượng, tiện ích, rút ngắn thời gian giao dịch, tiết giảm chi phí cho DN” - công văn nêu rõ.

Theo THÙY LINH - MINH TRÚC/Báo Pháp luật TP.HCM  

https://plo.vn/nguoi-dan-doanh-nghiep-van-dang-cho-ngan-hang-ha-lai-vay-post722880.html