Người lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải đóng bảo hiểm xã hội hai lần

Published Date
29/12/2021

Đây là một điểm mới được đề cập trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 13-11-2020. Luật gồm 8 chương, 74 điều và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022.

Người lao động cần nắm được những điểm mới có trong luật để đảm bảo quyền lợi cá nhân cũng như những thủ tục pháp lý cần thiết khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


Một lớp học kỹ năng cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài. Ảnh: TTXVN.

Liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Một điểm mới đáng chú ý tại Luật sửa đổi lần này là quy định quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần…

Người lao động còn được đảm bảo các quyền như: Đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế…

Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) cũng bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như:

Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo, cung cấp thông tin gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để lừa đảo người lao động; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức xuất cảnh trái phép, mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động.

Phân biệt đối xử, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người lao động; cưỡng bức lao động trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác, ngoài ký quỹ và bảo lãnh; thu tiền môi giới của người lao động; thu tiền dịch vụ của người lao động không đúng quy định; sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước không đúng quy định của pháp luật.

Đi làm việc hoặc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với các công việc sau: Matxa tại nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí; săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn như dưới lòng đất, đại dương…

Luật cũng đã bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng lao động. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp được chủ động trong công tác chuẩn bị nguồn lao động phù hợp với yêu cầu của đối tác nước ngoài, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, uy tín trên thị trường cung ứng lao động quốc tế.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định này để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động và lãng phí cho xã hội, Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động (khoản 2,, Điều 18), cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn (khoản 3, Điều 18).

Luật cũng thêm các khu vực cấm đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: Khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự; khu vực đang bị nhiễm xạ; khu vực bị nhiễm độc; khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Nội dung liên quan đến chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Luật quy định phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động.

Luật đã bổ sung quy định về tiền dịch vụ: “Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tiền lãi được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tại thời điểm doanh nghiệp hoàn trả cho người lao động” (khoản 3, Điều 23).

Theo Quân đội Nhân dân