Người phụ nữ gốc Huế tái sinh di sản từ những mảnh vỡ lịch sử

Published Date
14/02/2023

Baoquocte.vn. Với nỗ lực làm sống lại kiến trúc Huế cổ, bà Camille Huyền Tôn Nữ Thị Cẩm Hồng đã thành công trong việc mang lại nét đẹp văn hóa cổ kính đậm chất Huế xưa trở về giữa những hối hả của thời đại.                                                                                                                                            

Bà Camille Huyền Tôn Nữ Thị Cẩm Hồng. (Ảnh: Thùy Linh)
Bà Camille Huyền Tôn Nữ Thị Cẩm Hồng. (Ảnh: Thùy Linh)

Định cư ở nước ngoài lâu năm nhưng bà Camille Huyền luôn làm người ta bất ngờ bởi chất Huế ‘‘xịn’’ không lẫn được với bất cứ ai khác. Người phụ nữ Huế có mái tóc thề buông xõa tự do, phủ xuống tới gần gót chân. Nét dịu dàng, cử chỉ nhỏ nhẹ với lối ăn vận áo dài, guốc mộc, nón bài thơ, quần the áo lụa… đến tâm tưởng, tâm hồn thấm đẫm chất Huế.

Cảm hứng từ nguồn cội

Có thời gian định cư ở nước ngoài nhiều, sử dụng ngoại ngữ thường xuyên song bà Camille Huyền vẫn giữ nguyên “giọng Huế thương” vì cho rằng mélodie (giai điệu) trong giọng Huế rất vui tai. Có ai mà không xiêu lòng với những “dạ, thưa” cùng chất giọng giàu nhạc điệu, tín ngữ đặc trưng của Huế?

Bằng chính giọng Huế của mình, bà Cẩm Hồng đã mang thơ Hàn Mặc Tử đến gần hơn với công chúng. 15 bài thơ của Hàn Mặc Tử được phổ nhạc trong Tuyển tập ca khúc nghệ thuật Say trăng (album Moondrunk art songs, Suisa 2012) chính là một trong nhiều thành quả của sự giao thoa và thăng hoa trong ngôn ngữ và âm nhạc.

Đặc biệt hơn cả, không chỉ đơn giản là hát lên những câu thơ, Camille Huyền còn khéo léo chuyển tải cảm xúc hay những đấu tranh nội tâm có màu sắc của ca Huế, chầu văn, hát bội, ca trù…

Camille tâm sự, nguồn cảm hứng nghệ thuật trong hành trình âm nhạc của bà xuất phát từ cội nguồn, từ di sản văn hóa mà cô bé Huyền Tôn Nữ Cẩm Hồng luôn trân trọng giữ gìn từ khi được sinh ra đến những năm tháng học tập sinh sống nơi trời Âu. Đến nay, Camille Huyền trở về Việt Nam trong nỗ lực tái hiện ít nhiều nét văn hóa của thời hoàng kim đã qua, mong giữ lại chút gì cho Huế.

Nỗi thương nhớ Huế được Camille trân trọng lưu giữ trong cả ký ức thời thơ ấu. Vốn xuất thân hoàng phái, bà có cơ hội tiếp xúc với các giá trị văn hóa, lịch sử hàng trăm năm cùng kiến trúc lâu đời tại mảnh đất quê nhà trong những lần theo chân ông nội vào bái tế trong Đại Nội (ông nội bà từng trong Tôn Nhơn Phủ - một cơ quan của triều đình phong kiến đảm nhiệm việc quản lý hoàng tộc). Bởi vậy, xây dựng nhà hát theo kiến trúc nhà rường Huế trên chính quê nhà là ước mơ được Camille ấp ủ và thực hiện trong nhiều năm. Xuất phát từ tình yêu quê hương, đam mê nghệ thuật và nghiêm túc nghiên cứu văn hóa, Nhà vườn Nhà hát Bến Xuân ra đời, tọa lạc trên khu đất rộng gần 5000m2, sát bên dòng sông di sản xứ Huế.

Hội họa và kiến trúc

Camille Huyền được biết đến là một phụ nữ Huế vừa có sắc, vừa đa tài. Ngoài âm nhạc, bà đến với hội họa để được là chính mình. Niềm đam mê với cây cọ được nuôi dưỡng từ ký ức những ngày thơ ấu. Camille tâm sự, lúc tuổi thơ, cô bé Cẩm Hồng vẫn thường qua nhà họa sĩ Tôn Thất Đào để xem họa sĩ này đứng vẽ tranh cả buổi. Lớn lên trong nghệ thuật, cô nữ sinh Đồng Khánh yêu hội họa lúc nào không hay. Trong thời gian định cư ở nước ngoài, Camille dành thời gian thưởng thức tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới tại nhiều Bảo tàng Viện tại các nước bà đi qua.

Đam mê ngày một lớn dần trong tâm hồn đa cảm, tinh tế đó cho tới khi “duyên nghiệp đến”. Những bức họa của Camille là thứ ngôn ngữ nghệ thuật bà dùng để diễn tả số phận người phụ nữ, chia sẻ và đồng cảm với thế giới nội tâm có chiều sâu vô tận. Mỗi người phụ nữ dưới đôi mắt Camille đều có một câu chuyện, nỗi niềm, số phận khác nhau nhưng ở họ có điểm chung là đẹp và đầy bí ẩn.

Không chỉ am hiểu hội họa, Camille còn là kiến trúc sư trong chính công trình nhà vườn của mình. Bà dày công thiết kế ngôi nhà sau khi đọc rất nhiều tài liệu về kiến trúc và lịch sử nhà rường. Với ngói, gạch, gỗ và đồ sành sứ cổ trăm năm tuổi cùng kiến trúc cung đình Huế, công trình nhà hát mất 10 năm kiên trì sưu tầm, khôi phục, mang lại cho Huế địa chỉ giao lưu văn hóa-nghệ thuật Đông Tây thu hút du khách trong và ngoài nước.                                              

Huyền Tôn Nữ Thị Cẩm Hồng hay nghệ sĩ đa tài Camille Huyền, một tôn nữ thuộc dòng dõi hoàng tộc ở Huế-chủ nhân của địa chỉ văn hóa giao lưu Đông-Tây mang đậm phong cách kiến trúc Cung Đình Huế bên dòng Hương Giang phẳng lặng-Nhà vườn nhà hát Bến Xuân (Ben Xuan Garden House Theater) được sáng tạo và làm mới từ vật liệu cổ xưa với nỗ lực bảo tồn và quảng bá nét đẹp cố đô.

Tái sinh từ lịch sử

Ý tưởng kiến trúc chủ đạo của công trình là nâng cấp và sáng tạo từ di sản (architecture upcycling from heritage).                                                                                                                                                                                           

Toàn bộ gạch trong Bến Xuân đều là gạch cũ, được chủ nhân kỳ công tìm kiếm từ rất nhiều ngôi nhà cổ và tường thành cũ, trên 200 năm tuổi. Để ý kỹ một chút, vết tích chữ triện được các đội xây dựng xưa ở Hoàng thành đánh dấu vẫn còn y nguyên trên những viên gạch cũ. Tất cả được tái sinh thêm một lần nữa bằng sáng tạo đầy nghệ thuật của Camille qua mảng tường ‘‘Mondrian’’ hay những lối đi ‘‘hồn thu thảo’’... vô cùng độc đáo.  

Những bức họa rồng - phượng - nhật - nguyệt ngự trên mái được sáng tạo từ các mảnh sành sứ cổ bị vỡ từ những chai rượu vang đỏ trắng Pháp, Italy xa xưa hay từ con tàu đắm khai quật ở Bao Vinh, cùng nhau tạo nên sự sống tái sinh cho những tác phẩm: cửa sổ chim phụng, cổng thuyền sen, lan can mâm ngũ quả, lan can lầu thơ, đôi chim dưới cội mai già... Bên cạnh việc làm mới đồ cổ, chủ nhân Bến Xuân đầu tư thời gian công sức tìm kiếm, mua lại cột, kèo từ của các ngôi nhà cũ, đặc biệt chúng được chuyển về hoàn toàn bằng sức người chứ không phải bằng cần cẩu, máy kéo.    

Những vật liệu tưởng chừng chỉ có thể vứt bỏ đã được nàng Tôn Nữ sáng tạo từ bàn tay và khối óc trong quá trình tìm hiểu kiến trúc di sản Huế. Không chỉ là tái sử dụng, bà còn khéo léo nâng cấp và sáng tạo trên những chất liệu cổ xưa một cách tinh tế với tất cả tình cảm và kiến thức của mình.    

Không gian văn hóa - kiến trúc đặc sắc    

Bên cạnh việc mang lại ‘‘cuộc sống mới’’ cho cổ vật, với tâm hồn mang chiều sâu nghệ thuật thường trực, Camille Huyền khéo léo lồng ghép các tác phẩm ‘‘nghệ thuật sắp đặt’’ trong chính công trình của mình. Người nghệ sĩ dùng nghệ thuật để sử dụng không gian như một thực thể quan trọng, người xem vừa có thể là chủ thể, vừa là khách thể và bị thu hút bởi tác phẩm đó. Các vật thể nghệ thuật được nâng cấp trong hình hài mới nhưng vẫn toát ra hồn Huế xưa mà Camille Huyền âu yếm gọi là ‘‘hồn của sự sống phục sinh’’ trong kiến trúc Bến Xuân.    

Được đắm mình trong không gian văn hóa - kiến trúc từ di sản là một trong những điều khiến Huế luôn là điểm đến văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước. Bến Xuân là một nơi như vậy với Lầu Thơ đẹp nao lòng của kiến trúc từ thời Khải Định.    

Bên bờ sông Hương là Cổng Sen, trên là trời, dưới là nước cùng hình ảnh chiếc thuyền trôi trên sông mang ý nghĩa thiên-địa-nhân hợp nhất, quy luật càn-khôn của vũ trụ. Dáng Phật ngồi thiền trên ao sen sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật của nghệ sĩ điêu khắc nổi tiếng Điềm Phùng Thị tại cổng Thiền Sư trên đường Văn Thánh. Cổng vào thứ ba là cổng Bút Tháp nằm bên hông của khuôn viên Bến Xuân độc đáo với chữ ‘‘om’’ bằng tiếng Phạn. Tất cả vật thể nghệ thuật đều được chủ nhân gửi gắm linh hồn cùng sức sống mang lại công năng mới cho cuộc đời cống hiến tiếp theo, cùng nhau tạo nên tổng thể kiến trúc độc đáo kết hợp vẻ đẹp cổ kính Huế xưa và sự sang trọng, tiện nghi, thích ứng với cuộc sống hiện đại.    

Mang âm hưởng Thái Bình Lâu tại Đại Nội, căn nhà chính được thiết kế gồm ba gian hai chái. Cổ Lâu là nơi thờ phụng được đặt ở nhà chính với cột, kèo, con bọ, vách chạm trổ tinh tế. Tiền Đường hay hiên trước phảng phất nét phong lưu hiếu khách của xứ Huế. Để vào nhà, du khách phải cúi đầu nhìn xuống để bước qua ngạch cửa, việc này tạo nên vẻ cung kính trang trọng, mang phong thái người xưa những ngày xưa cũ.    

Gian giữa được Camille Huyền treo các bức họa sơn dầu của chính mình đồng thời các buổi biểu diễn nghệ thuật diễn ra tại đây. Ngoài ra, nhà hát còn có phòng hòa nhạc cổ điển cùng khoảng sân rộng rãi biểu diễn ca Huế, múa rối nước... Điểm nhấn của công trình là cây cầu bằng gạch thẻ trăm năm tuổi dẫn lối qua nhà Nghinh Phong mang dáng dấp kiến trúc nhà thủy tạ ở lăng Tự Đức.    

Nhà hát Bến Xuân là một địa điểm giao lưu và quảng bá văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam thông qua không gian văn hóa kết hợp cùng lịch sử, âm nhạc và ẩm thực. Giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước dành nhiều tình cảm đặc biệt, lựa chọn Bến Xuân là nơi giới thiệu thơ, sách hay triển lãm quảng bá tranh...

Theo Mộc Ân/Baoquocte.vn

https://baoquocte.vn/nguoi-phu-nu-goc-hue-tai-sinh-di-san-tu-nhung-manh-vo-lich-su-215989.html