Người Việt dần xa Biển hồ Tonle Sap - Kỳ 2: Đi đâu rồi cũng về lại Biển hồ
Thắt ngặt ở Biển hồ Tonle Sap (Campuchia), nhiều người gốc Việt đã đi khắp nơi để kiếm kế sinh cơ. Nhưng rồi mỗi mùa mưa xuống nước về, họ lại rủ nhau trở về Biển hồ sống với nghề cá dù không còn nhiều như xưa ...
Khoảng từ sau mùa khô lịch sử 2014, Biển hồ Tonle Sap, túi cá của sông Mekong, đã dần cạn kiệt nguồn thủy sản. Những người gốc Việt sống quanh Biển hồ liên tiếp phải qua những mùa cá thất thu.
Cùng thời điểm đó, chính quyền sở tại đã công bố quyết định di dời những xóm nhà trên mặt nước lên bờ. Nhiều người ở Biển hồ đã chuẩn bị cho mình một hành trình di cư tìm sinh kế.
Tuy nhiên, ngay từ sau những mùa cá tôm thất bát, đã có những gia đình treo bảng bán nhà. Họ tự rời Biển hồ để "cứu thân". Những địa danh Chumkot Pum Candal, Sa Son, Rạch Vừng, Lê Quýt, Mặc La, Vũng Luông... quanh Biển hồ luôn biến động di cư theo từng mùa nước.
Tìm về Việt Nam
Trong nhiều năm, cứ vào lối tháng 10, 11 của những năm trước, khi lệnh cấm đánh bắt cá của Chính phủ Campuchia hết hiệu lực, chúng tôi quay lại những xóm Việt heo hút ở Biển hồ. Mỗi mùa nước lên, ngư dân ở đây lại hy vọng rằng mẹ thiên nhiên sẽ bù đắp cho nhiều cá tôm, khi họ liên tiếp trải qua những mùa hạn khánh kiệt. Nhưng rồi cứ mỗi năm, họ lại thất vọng càng nhiều.
Mùa nước 2016, anh Võ Văn Trà (48 tuổi) ở xóm rạch Lê Quýt đã cùng vợ con và 16 gia đình khác chất đồ đạc lỉnh kỉnh trên những chiếc vỏ lãi để xuôi dòng Mekong tìm sang Việt Nam. "Nghe nói lòng hồ Dầu Tiếng cá tôm còn nhiều nên qua bên đó sống"- anh Trà nói. Suy nghĩ đơn giản của những người truyền đời sống trên sông nước là nơi nào có cá thì họ tìm tới.
Anh Trà kể quê gốc của anh ở Đồng Tháp. Năm 1981, cả gia đình anh chèo ghe tam bản ngược dòng Mekong đi tìm cuộc sống mới. Sau nhiều tháng lênh đênh sông nước, tới đâu giăng lưới, thổi cơm ở đó, gia đình anh mới bắt gặp và nhập vào nhóm người gốc Việt trên những chiếc ghe cũ neo bên mé rừng cây lộc vừng ven Biển hồ.
Họ nhập vào nhau và tạo nên những xóm dân một cách tự nhiên như thế. Họ sinh con cái. Rồi xóm nổi cũng lớn lên dần. "Lúc đó ở Biển hồ cá tôm mênh mông. Sống trên Biển hồ đâu lo thiếu ăn, chúng tôi đâu nghĩ rằng một ngày lại rời Biển hồ" - anh Trà tâm sự.
Trở lại đời sống của cư dân ở xóm Lê Quýt, một xóm Việt nằm cách Kampong Luong gần một giờ tàu. Xóm bị coi là vùng biệt lập. Bởi nếu nhìn từ Biển hồ, không ai biết được có một xóm nhà nằm khuất trong vạt rừng lộc vừng, được bao quanh bởi những cánh đồng lúa ma phủ xanh một vùng ven hồ vào những tháng nước lên.
Xóm thưa thớt những mái nhà cũ rách, vắt trên những chiếc ghe đậu xen kẽ như những cánh bèo. Nơi một vài người già như đã quên có một thế giới bên ngoài.
Ông Trần Văn Mến (74 tuổi) nói ông được sinh ra ở vùng nước Biển hồ, đã nếm trải bao nhiêu biến cố cùng người gốc Việt nơi đây.
"Người Việt ở đây chịu nhiều thiếu thốn, khổ ải lắm. Rồi tới thời Khmer Đỏ, chúng tràn vào giết, phá xóm làng... Người Việt nhiều lần tản cư rồi cũng quay lại đây sinh sống. Sống đâu quen đó chú ơi"- ông Mến nói.
Hôm chúng tôi đến, nhiều gia đình đang dự định rời khỏi vùng nước này. Một người dân thống kê: đầu tiên là nhà Thành "đía", nhà Út "khì", Ba "râu", Thanh "trùm mền" kéo dài đến nhà ông Dương, nhà Hai Chàng, Năm Hon, Thành Long... Họ lần lượt rao bán ghe để đi khỏi Lê Quýt.
Có những gia đình sống trên chiếc ghe mục nát đến nỗi khi họ vừa rời đi thì chiếc ghe cũng bẹp dúm. Nhiều chiếc ghe chỉ còn có thể làm củi...
"Nhiều người sống ở đây từ nhỏ tới lớn, có người sinh ra ở đây nhưng không ai có quốc tịch Campuchia. Cho nên chúng tôi chỉ biết làm nghề bà cậu trên sông nước. Bây giờ Biển hồ không còn cá thì chúng tôi không làm gì khác ở Campuchia được, vì không có giấy tờ tùy thân đi xin việc không ai nhận.
Mấy năm trước nhiều người kéo sang Việt Nam đánh bắt cá ở hồ Dầu Tiếng. Nghe nói bên Việt Nam người ta đến cứu trợ nhiều lắm nên không lo đói" - ông Võ Văn Hữu tâm sự bằng những thông tin lõm bõm có được.
Tuy nhiên, chỉ được một thời gian thì lòng hồ Dầu Tiếng cũng không còn nhiều cá để đánh bắt như kỳ vọng của họ…->đọc tiếp