Người Việt dần xa Biển hồ Tonle Sap - Kỳ 3: Những chuyến xe đến tương lai
Hơn 2 năm qua, tham tán Võ Tuấn Ngọc (trưởng phòng công tác cộng đồng - Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia) không nhớ hết bao nhiêu lần mình đã lặn lội đến với những vùng xa xôi, hẻo lánh nhất của Biển Hồ.
Đối với bà con ở Biển Hồ, việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng có nghĩa thay đổi tập quán sinh sống lâu đời của họ, thay đổi nếp nghĩ, gieo cấy sự cầu tiến cho họ.Anh Oknha Leng Rithy
Câu hỏi khó có lời đáp
Tham tán Ngọc đi khi thì bão dông, thắt ngặt áo cơm, khi thực hiện lệnh di dời, lúc bệnh dịch, thiếu điện, nước... bà con kêu cứu. Riết rồi, không phải đợi tiếng than từ những người trông chờ, anh cũng xách balô đi Biển Hồ, để quay về cùng nỗi canh cánh...
"Vấn đề đời sống của người Việt ở Biển Hồ đã tồn tại nhiều đời nay rồi, không thay đổi được" - ông Chak Kim Seng, người gắn bó với cộng đồng người gốc Việt ở Kampong Luong (huyện Krako, tỉnh Pursat), thở dài.
Có đêm thật khuya, từ Biển Hồ, tham tán Ngọc chia sẻ: "Tôi bắt đầu nghĩ đến và tìm cách làm gì đó khác cho bà con. Nhất là chị em và các cháu sống trên Biển Hồ và trên sông ở Campuchia...". Rồi vị tham tán lại viết thư cho bạn bè ở các nơi, với hy vọng gợi lên ý tưởng nào đó để có thể giúp thực hiện mong muốn đó.
Trong lá thư gửi cho người bạn đang công tác tại Hà Nội, tham tán Ngọc chia sẻ: "Bà con gốc Việt sống trên Biển Hồ và ven sông tại Campuchia đa phần rất nghèo khổ. Nguyên nhân thì nhiều, khách quan và chủ quan có cả. Mình đi nhiều thấy cái vòng luẩn quẩn của bà con đều bắt đầu bằng nhận thức hạn chế, ngại thay đổi, thất học, sống khá khép kín, không hội nhập xã hội, nên càng ngày càng nghèo, địa vị pháp lý bấp bênh, hết đời này qua đời khác...".
Cuối thư, vị tham tán vẫn một câu hỏi quen thuộc: "Làm thế nào để giúp được bà con?".
Một thời gian, những câu hỏi đó dường như khó có câu trả lời.
Tham tán Ngọc tâm sự đang lúc trăn trở tìm lối ra cho bà con gốc Việt ở Biển Hồ thì anh nhận được điện thoại của Oknha Leng Rithy mời đến uống trà. Oknha Leng Rithy là người rất có uy tín trong xã hội Campuchia. Ông có nhiều đóng góp cho các doanh nghiệp và cộng đồng gốc Việt tại Campuchia.
Trong buổi trà, Oknha Leng Rithy chia sẻ mối quan tâm đến đời sống của người gốc Việt trên Biển Hồ, đúng những gì anh Ngọc đang bận tâm. Theo Oknha, muốn cho người gốc Việt ở Biển Hồ có cuộc sống tốt hơn, không thể nào để họ cứ mãi bám vào mặt nước để bắt cá mỗi ngày. Trong khi Chính phủ Campuchia đã có lệnh di dời các hộ sinh sống trên mặt nước lên bờ. Mà muốn chuyển đổi môi trường sống thì phải gắn liền với chuyển đổi nghề nghiệp.
Oknha Leng Rithy cho biết nhu cầu tuyển lao động của các doanh nghiệp từ Việt Nam sang đầu tư ở Campuchia là rất lớn, nhất các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, những người am hiểu về người gốc Việt ở Biển Hồ đều thừa biết để "bứng" họ khỏi cuộc sống sông nước là điều cực kỳ khó.
"Người dân ở đây nghĩ mình sinh ra là chỉ biết bắt cá để sinh sống thôi. Họ thà làm ngày nào ăn ngày nấy, chứ không làm thuê, làm mướn cho ai"- bà Trần Thị Sáu ở Kampong Chnang chắc nịch…->đọc tiếp