Người Việt dần xa Biển hồ Tonle Sap - Kỳ cuối: Những bàn tay chìa ra với đồng bào ở Biển Hồ
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư ở Campuchia rất cần lao động gắn bó. Trong khi đó, người gốc Việt quanh năm sống biệt lập ở Biển Hồ Tonle Sap lại chưa hết hoài nghi, dè dặt...
Đó không chỉ là giúp đỡ bà con gốc Việt, mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ đất nước Campuchia trong giai đoạn khó khăn hiện nay.Ông Trần Bảo Sơn (tổng giám đốc Công ty Thagrico)
Những dè dặt ban đầu
Tham tán Võ Tuấn Ngọc, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, kể sau chuyến "mục sở thị" của nhóm người gốc Việt ở Biển Hồ tại nông trại của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia, ông gọi điện hỏi ông Lê Hoàng (chủ tịch Hội Khmer - Việt Nam ở tỉnh Pur Sat) và nghe trả lời:
"Bà con dè dặt hỏi vì sao lại tốt với mình như thế. Những người đi trước không trả lời được. Vậy là nhiều người đã từ chối, không rời Biển Hồ nữa. Họ đã không có niềm tin khi phải sống xa Biển Hồ".
Tuy nhiên, khoảng hai tuần sau, ông Lê Hoàng đã gọi báo cho tham tán Ngọc rằng đã có năm gia đình đổi ý, muốn rời Biển Hồ để đến với các nông trại của doanh nghiệp Việt Nam, tìm tương lai mới. Vài hôm sau, ông Lê Hoàng lại báo có bảy gia đình tiếp tục đến gặp ông để đăng ký ra đi...
"Để người gốc Việt rời khỏi cuộc sống cô lập ở Biển Hồ cũng khó như bắt người ta từ bỏ ngôi nhà của mình - ông Lê Hoàng tâm sự - Nhưng, họ phải buộc ra đi để có một tương lai khác. Còn ở lại thì tương lai u ám, khó khăn ngay trước mắt vì cá tôm đã cạn kiệt...".
Tham tán Võ Tuấn Ngọc kể thêm thậm chí có người gắn bó lâu năm với cộng đồng người gốc Việt ở Campuchia còn lắc đầu: "Ba bữa là họ lại bỏ về hết thôi". Và thực tế chuyện này từng xảy ra.
Nửa tháng sau, người từ nông trại của doanh nghiệp Việt Nam, nơi nhận nhóm đồng bào gốc Việt đến làm việc và sinh sống, gọi điện phản ảnh: "Một nửa những người mới lên đã xin nghỉ việc, về lại Biển Hồ. Lo nhóm còn lại sẽ bỏ đi nữa".
Thế là nhóm cán bộ của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tức tốc từ Phnom Penh đến Kampong Thom. Họ hỏi chuyện thì nghe bà con tình thật: "Ở đây cuộc sống vẫn tốt. Nhưng chúng tôi muốn về Biển Hồ đánh cá". Nhóm khác thì lại muốn tìm sang Việt Nam...
Hỏi thêm những người ở lại thì họ tình thật rằng họ quen lối sống ở Biển Hồ là tự do làm nhiêu ăn nhiêu, thậm chí là ăn trước, làm sau. Bà con không quen cuộc sống có tổ chức, làm việc theo quy trình, có kế hoạch ở nông trại.
"Cùng đi làm việc có người Việt ở Biển Hồ và người Khmer. Nhưng người Khmer thì họ thích nghi tốt - chủ tịch Hội Khmer - Việt tỉnh Pur Sat nhận xét - Nếu không thay đổi thì 400 - 500 đôla hay 4.000 - 5.000 đôla cũng vậy thôi. Muốn thay đổi hoàn cảnh thì phải thay đổi lối sống"…->đọc tiếp