Người Việt ở châu Âu nói gì về nắng nóng kỷ lục?
Nắng nóng liên tục lập kỷ lục về nhiệt độ ở Anh, Pháp và nhiều nước châu Âu khiến cuộc sống của những người làm việc ngoài trời cực nhọc hơn, đe dọa sức khỏe của người già, người bệnh và trẻ em.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các điều kiện thời tiết nắng nóng cực đoan ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân châu Âu có thể sẽ còn kéo dài đến khoảng giữa tuần tới.
"Nóng không nói được"
Ngày 19-7, chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Bert Willems - giáo sư một trường đại học ở Hà Lan - cho biết ông phải nán lại văn phòng muộn nhất có thể và tranh thủ chấm bài vì không muốn về nhà. Nhà ông Willems không có máy điều hòa, thông gió không tốt nên những ngày nắng nóng rất khó chịu.
Ngày 19-7, nhiệt độ ở thành phố Maastricht, tỉnh Limburg (Hà Lan) có lúc lên tới 39,5OC - mức cao nhất từng được ghi nhận; còn ở các vỉa hè không bóng cây, nhiệt độ thậm chí lên tới 52OC.
Chị Claire Moselle, người gốc Việt ở Marseille (Pháp), than trời "nóng không nói được". Chị cho biết nhà chỉ có một máy điều hòa trong phòng ngủ nhưng dĩ nhiên không thể trốn mãi trong đó. "Khoảng một tuần nay, về tới nhà là tôi không thể chịu nổi bộ đồ đang mặc một giây nào. Rất, rất nóng", chị Claire nói.
Chị Cẩm Tú, người Việt sống không xa Paris (Pháp) vào ngày 20-7 chia sẻ với Tuổi Trẻ là chị rất mừng vì từ hôm nay trời bắt đầu hạ nhiệt. "Trời nóng đi làm rất mệt. Công ty không có máy lạnh nên khách hàng dễ nổi nóng hơn, mọi người ít kiên nhẫn để xử lý nếu có vấn đề", chị nói.
Theo chị Tú, dù nắng nóng không ảnh hưởng nhiều đến gia đình chị nhưng đúng là rất tội cho những người làm việc ngoài trời như xây dựng, làm vườn, cứu hỏa và người già, trẻ em.
Để tránh nóng, ban ngày các gia đình đóng kín cửa, ban đêm có thể mở toang cửa sổ vì nhiệt độ hạ còn khoảng 20-23OC. Dù vậy "những nhà không có cách nhiệt, nhà hướng nắng chiều thì đóng cửa lại cũng vẫn rất nóng. Phải ở trong nhà cả ngày, nếu có trẻ con sẽ khó chịu, rất vất vả", chị Tú nói. Để giải nhiệt, chị đưa con đến bể bơi nhưng bể bơi cũng đông nghịt.
Ngày 19-7, nhiệt độ ở Anh, nơi vốn quen với khí hậu ôn đới mát mẻ, lần đầu chạm đến mức cao nhất lịch sử là 40,3OC. Sáng
20-7, nhiệt độ đột ngột hạ xuống tầm 23-26OC, trời bỗng mát bất thường cũng khiến người dân chới với.
Tại Pháp, nhiệt độ cũng dịu đi từ ngày 20-7. Nhưng theo Cơ quan Khí tượng thủy văn Pháp, đợt nắng nóng vừa qua là đợt nắng nóng thứ 45 tại Pháp kể từ năm 1947. Trong 35 năm qua, số đợt nắng nóng tăng gấp 3 lần so với 35 năm trước đó.
Thích nghi với nắng nóng
Tại Anh cũng như hầu hết các nước châu Âu đang trải qua nắng nóng cực đoan, người dân được khuyên không nên ra ngoài nếu không quá cần thiết. Một số trường học ở Anh đóng cửa sớm hoặc cho nghỉ học.
Truyền thông các nước phương Tây bắt đầu nhìn sang châu Á về cách sống chung với nắng nóng. Theo BBC, nhiều người có lẽ không biết nhiệt độ cao nhất vào mùa này ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) hiện khoảng 38OC, thấp hơn đáng kể so với 49,2OC hồi giữa tháng 5-2022.
Bất chấp nắng nóng, trong hai thập niên qua, việc đi lại ở New Delhi đã được cải thiện với sự ra đời của tàu điện ngầm Delhi. Tàu có gắn máy lạnh và các nhà ga được làm mát khiến người dân dễ thở.
Trong khi dịch vụ đường sắt một số nơi tại Anh bị hủy do đường ray quá nóng bị vênh hoặc cáp trên cao bị lỗi thì mạng lưới xe lửa - xương sống của nền kinh tế Ấn Độ - vẫn hoạt động bình thường. Các khe hở trên đường ray được thiết kế phù hợp với thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, cho phép chúng có đủ không gian giãn nở ở mức nhiệt trên 40OC.
Các đợt nắng nóng bất thường cũng không xa lạ với người dân và chính quyền Úc. Các trường học ở Úc không đóng cửa vì trời quá nóng mà sử dụng hàng loạt biện pháp chống nóng kết hợp như dùng máy lạnh, quạt, cho phép học sinh mặc đồ thoải mái, dời các tiết học thể dục vào đầu buổi sáng... Giáo viên được hướng dẫn để nhận ra dấu hiệu say nắng ở học sinh. Phụ huynh cho học sinh bôi kem chống nắng từ nhà, mang theo mũ và chai nước khi đi học.
"Tưởng đang ở Sài Gòn"
Chị Khổng Thị Tâm An, người Việt sống ở London (Anh), cho biết tuần qua trời rất nóng khiến chị tưởng như đang ở Sài Gòn. "Tôi thấy thời tiết này không lạ ở Việt Nam, nhưng có điều bên này không có máy lạnh, bà con quen thời tiết lạnh nên dễ bị sốc nhiệt do không chuẩn bị quạt hay máy lạnh. Ở Anh, thời tiết nắng nóng chỉ diễn ra trong 1-2 tháng hè nên hầu hết hạ tầng, nhà cửa đều tập trung chống lạnh. Trừ siêu thị và một số tuyến tàu điện ngầm, tôi không thấy chỗ nào có máy lạnh" - chị An nói và cho biết trong đợt nắng nóng kỷ lục hiện nay, người dân rất khổ sở. Đến 21h mà vẫn còn là 31oC, trời có mưa nhưng vẫn rất nóng, khó ngủ, gió quạt vẫn nóng hầm hập.
Chị An cho biết người dân Anh vốn rất thích nắng vì xứ này quanh năm lạnh lẽo, có nắng là bà con ra phơi nắng, nhưng cuối tuần qua đi công viên chị thấy kỳ lạ vì hầu hết mọi người đều ngồi trong bóng râm.
Hồng Vân/ TTO
https://tuoitre.vn/chau-au-se-song-chung-voi-nang-nong-20220721075425111.htm