Người Việt tại Thái Lan chăm lo giữ gìn truyền thống hiếu nghĩa
Chiều 28/8, lễ Vu Lan báo hiếu được tổ chức tại chùa Quảng Phước ở Bangkok, giúp cộng đồng kiều bào ở Thái Lan nhớ đến công ơn của ông bà, cha mẹ và cảm nhận tình yêu dành cho quê hương Việt Nam.
Lễ Vu Lan báo hiếu tại Chùa Quảng Phước (Thái Lan). (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)
Chiều 28/8, cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Thái Lan đã phối hợp với Trung tâm Ngôn ngữ và Kiến thức Việt, Hội Người Thái gốc Việt Bangkok, Hội Doanh nhân Thái-Việt Bangkok, Hội Văn hóa Thái-Việt cùng tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Quảng Phước (Wat Ananamnikayaram) ở thủ đô Bangkok.
Lễ Vu Lan báo hiếu và cầu siêu là hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mang đậm màu sắc văn hóa Việt Nam được cộng đồng kiều bào Thái Lan tổ chức thường niên từ năm 2009, với các nghi lễ trang nghiêm và ấm cúng tại các ngôi chùa Việt ở thủ đô Bangkok.
Do đại dịch COVID-19, hoạt động này đã bị gián đoạn trong hai năm vừa qua. Năm nay, để đảm bảo an toàn cho Phật tử, lễ Vu Lan cũng được rút gọn về thời gian và số người tham dự.
Có mặt tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Minh Ân, Phó Tăng trưởng An Nam Tông (Annamnikaya), tông phái Phật giáo Việt Nam tại Thái Lan, đồng thời là Trụ trì chùa Khánh Vân tại Bangkok, cho biết buổi lễ của bà con người Thái gốc Việt rất có ý nghĩa, giúp thế hệ con cháu nhớ đến công ơn của ông bà, cha mẹ. Buổi lễ năm nay được tổ chức ngắn gọn cũng để tạo điều kiện giúp mọi người không có nhiều thời gian vẫn có thể tham dự.
Đông đảo tăng sinh và Phật tử người Việt cùng bà con Việt kiều tại Thái Lan đã đến dự lễ.
Có mặt từ sớm để tham gia chuẩn bị cho buổi lễ, chị Patthida Bunchavalit, giảng viên tiếng Việt tại trường Đại học Ramkhamhaeng, chia sẻ: “Lễ Vu Lan là cơ hội cho mình được thể hiện tình yêu thương với cha mẹ, đặc biệt là mẹ. Đây là cũng là dịp để người Việt tại Bangkok, và người Thái gốc Việt như mình được gặp gỡ nhau.”
Mỗi một bông hồng cài lên áo đều gửi gắm được tình cảm của những người con dành cho đấng sinh thành của mình. Hoa màu đỏ được cài có ý nghĩa cảm ơn trời đất vì vẫn được phụng dưỡng cha mẹ, còn bông hoa màu trắng như lời nhắn nhủ, nhắc nhở, dành cho những ai không may không còn cha mẹ.
Anh Wangnakorn Pholloke, một người Thái gốc Việt đã từng có bốn năm học tập tại Việt Nam, bày tỏ: “Nếu như ở đất nước Thái Lan, người dân có Ngày của Mẹ để tỏ lòng hiếu hạnh đối với đấng sinh thành thì lễ Vu Lan được tổ chức giúp bà con Việt kiều cùng cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây cảm nhận được hơn nữa tình yêu dành cho quê hương, cho gia đình của mình.
Trong các nước ASEAN, văn hóa Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng, nếu như Tết Songkhran của Thái giống Tết Nguyên đán ở Việt Nam thì dịp Ngày của Mẹ bên Thái cũng giống lễ Vu Lan của người Việt.”
Sau nhiều năm được duy trì tổ chức, lễ Vu Lan báo hiếu đã trở thành một hoạt động văn hóa trong tâm thức của bà con kiều bào tại Thái Lan, thể hiện ước mong gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa về lòng hiếu nghĩa của cộng đồng kiều bào trên đất Thái./.
Lễ Vu Lan báo hiếu tại Chùa Quảng Phước (Thái Lan). (Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN)
Ngọc Quang-Đỗ Sinh-Huy Tiến (TTXVN/Vietnam+)