Nhà khoa học người Việt trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ
Sự kiện GS Nguyễn Thục Quyên vừa trở thành tân viện sĩ Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ giúp nối dài danh sách vốn ít ỏi nhà khoa học người Việt tham gia Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ.
Mới đây, Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ (National Academy of Engineering, NAE) thông báo về việc kết nạp thêm 124 thành viên, gồm 106 nhà khoa họclàm việc ở Mỹ, và 18 nhà khoa học làm việc ở các nước khác ngoài Mỹ.
Tính cả đợt mới bổ sung năm 2023 này, hiện nay, tổng số viện sĩ của NAE là 2.739 người, trong đó có 319 người đang làm việc ở các viện, trường ĐH ở các nước khác ngoài nước Mỹ.
Đáng chú ý, trong số các thành viên mới, có một người Việt là GS Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymer và Chất rắn hữu cơ tại ĐH California, Santa Barbara, Mỹ. Hơn 2 năm nay, người Việt Nam trong nước còn biết nhiều hơn đến GS Quyên thông qua việc bà tham tham gia Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture.
Các thành viên mới được kết nạp vào NAE thông qua bầu chọn, dựa trên những đóng góp xuất sắc cũng như các thành tựu liên tục nổi bật của các tân viện sĩ trong nghiên cứu và giảng dạy ở lĩnh vực kỹ thuật. Đặc biệt, NAE đánh giá cao vai trò tiên phong của các tân viện sĩ trong việc phát triển những lĩnh vực công nghệ mới, tạo ra sự phát triển vượt bậc ở những ngành kỹ thuật truyền thống hoặc mang đến những cách tiếp cận đột phá trong việc giảng dạy ngành kỹ thuật.
Được bầu vào NAE là một trong những đánh giá nghề nghiệp cao nhất dành cho một nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực ứng dụng. Việc bầu chọn các thành viên mới của NAE là đoạn cuối cùng của một quá trình kéo dài cả năm. Cuộc bỏ phiếu được ấn định vào tháng 12 và cuộc bỏ phiếu cuối cùng cho tư cách thành viên diễn ra trong tháng 1. Các tân viện sĩ sẽ chính thức được giới thiệu trong cuộc họp thường niên của NAE vào ngày 1.10.2023.
GS Nguyễn Thục Quyên đã được các viện sĩ đương nhiệm đánh giá cao về vai trò lãnh đạo trong giáo dục kỹ thuật và nỗ lực thúc đẩy sự đa dạng ở lĩnh vực này. GS Quyên cũng có những công trình nghiên cứu đặc biệt về quang điện hữu cơ cho các tòa nhà và nhà kính tiết kiệm năng lượng.
Được biết, trong số 124 thành viên mới của NAE còn có một nhà khoa học "có chút liên quan" tới Việt Nam bởi ông là thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, TS Xuedong Huang, Giám đốc Công nghệ Azure AI, Tập đoàn Microsoft.
Chia sẻ với báo chí Việt Nam nhân sự kiện này, GS Quyên cho biết: "Việc được bầu làm thành viên Viện Hàn lâm kỹ thuật quốc gia Mỹ vừa là niềm vinh dự lớn lao, vừa là trách nhiệm về việc cần đóng góp nhiều hơn nữa. Trách nhiệm của tôi sẽ không chỉ dừng ở những việc đang làm hàng ngày như nghiên cứu hay giảng dạy mà còn là trách nhiệm với cả xã hội. Trong tương lai, tôi mong muốn sẽ hỗ trợ thêm nhiều nhà khoa học nữ hơn nữa".
NAE là một trong 3 viện thành viên của Viện Hàn lâm quốc gia Mỹ. 2 viện còn lại là Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ - NAS (các GS Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn là thành viên); Viện Hàn lâm y học quốc gia Mỹ - IOM (GS Đặng Văn Chí, một nhà khoa học Mỹ gốc Việt tham gia Hội đồng Giải thưởng VinFuture, là thành viên).
Ngay với NAE thì GS Đỗ Thục Quyên không phải là người gốc Việt đầu tiên trở thành viện sĩ của NAE. Theo lãnh đạo NAE, GS Quyên nằm trong một nhóm nhỏ các thành viên NAE là người Mỹ sinh ra ở Việt Nam.
Theo Quý Hiên/Báo Thanh niên