Chiều 6-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến thăm hỏi, tặng quà các hộ gia đình chính sách tiêu biểu tại tỉnh Quảng Nam và dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công.
Cùng dự còn có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và một số lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh: TN |
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Quảng Nam là địa phương có nhiều người hy sinh, nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước, có cống hiến lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn luôn quan tâm, chăm sóc các đối tượng chính sách bằng những việc làm cụ thể như: xây nhà tình nghĩa, quỹ đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ gia đình có công, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình Thương binh – Liệt sĩ.
Chủ tịch nước mong muốn các gia đình phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng của quê hương xứ Quảng anh hùng, nêu gương sáng trong đời sống cho thế hệ trẻ noi theo.
Viết sổ lưu niệm về Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi: “Đồng chí đã nêu gương sáng về tinh thần cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đóng góp nhiều công sức trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng bảo vệ Tổ quốc”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp gỡ, thăm hỏi các hộ gia đình chính sách. Ảnh: TN |
Chủ tịch nước mong muốn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam tiếp tục gìn giữ, phát huy tốt Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Để nơi đây thành điểm đến hấp dẫn, một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và tinh thần yêu nước cho các thế hệ trẻ Việt Nam mỗi khi đến với Quảng Nam.
Trong ngày, Hội thảo khoa học “Đồng chí Võ Chí Công - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam” đã diễn ra.
Nói về đóng góp của ông cho sự nghiệp đổi mới, các nhà khoa học cho rằng, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp năm 1980, Võ Chí Công đã cùng Ủy ban sửa đổi Hiến pháp tiếp thu ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Lắng nghe ý kiến các chuyên gia có kinh nghiệm xây dựng hiến pháp của một số nước để vận dụng vào thực tiễn Việt Nam. Kiên trì đấu tranh với những quan điểm bảo thủ, giữ vững những điều cơ bản về dân chủ và về pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Bản Hiến pháp (sửa đổi) được Quốc hội khóa VIII thông qua, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng về công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Hiến pháp 1992 làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hệ thống pháp luật, quản lý mọi mặt của đất nước. Từ đó, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên hội nhập quốc tế.