Nhà nước hỗ trợ phát triển thị trường lao động - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Published Date
31/08/2022

 NDO -  Trong quá trình phát triển kinh tế, do sự gắn kết chặt chẽ giữa nền kinh tế và thị trường lao động, việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động luôn đòi hỏi những nỗ lực hỗ trợ từ phía Nhà nước. Với từng giai đoạn phát triển, với quan điểm phát triển cũng như đặc thù kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, mỗi nước sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể tương ứng. Những kinh nghiệm hỗ trợ phát triển thị trường lao động của một số quốc gia rất hữu ích, từ đó rút ra bài học cho Việt Nam. 


 Ảnh minh họa: Thành Đạt. 
Ảnh minh họa: Thành Đạt.

 

Lược khảo lịch sử phát triển thị trường lao động của các quốc gia trên thế giới, có thể chia thành ba giai đoạn: (i) giai đoạn hình thành thị trường lao động, (ii) giai đoạn xây dựng và phát triển thị trường lao động; và (iii) giai đoạn hoàn thiện thể chế thị trường lao động.
Ứng với mỗi giai đoạn phát triển, vai trò hỗ trợ từ phía Nhà nước cũng có những ưu tiên khác nhau.

Hình thành thị trường lao động 

Đây là giai đoạn sơ khai nhất của thị trường lao động, thường là thời kỳ đầu vận hành nền kinh tế thị trường của các quốc gia. Lúc này, cung-cầu lao động dần được xác định, cơ chế kết nối cung-cầu được hình thành cùng với các định chế trung gian về việc làm, bảo hiểm, kiểm định chất lượng cho thị trường.  

Thí dụ, có thể kể đến bao gồm giai đoạn trước 1970 ở Hàn Quốc; khoảng hai thập niên sau Thế chiến thứ hai ở Nhật Bản; giai đoạn trước Thế chiến thứ hai ở Mỹ; Trung Quốc, Malaysia và một số quốc gia đang phát triển khác trước những năm 1980-1990… 

Khi đó, sự điều hành của các chính phủ thường tập trung vào vai trò tạo lập môi trường, xây dựng khung pháp lý cho sự vận hành của thị trường, liên quan đến các nội dung như đối tượng tham gia thị trường, loại việc làm được thuê lao động, tiêu chuẩn về quan hệ lao động, quy định về quyền lợi và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thị trường. Vai trò của Nhà nước trong việc thiết lập giá đỡ an sinh cũng thường được xác định trong giai đoạn này.  

Xây dựng và phát triển thị trường lao động 

Xây dựng và phát triển thị trường lao động là giai đoạn thứ hai trong tiến trình phát triển của thị trường lao động. Trong giai đoạn này khung pháp lý của thị trường lao động được hoàn thiện hơn, cung-cầu lao động được mở rộng, quan hệ lao động được điều chỉnh để phù hợp với thị trường và sự phát triển chung của xã hội. Lúc này, Nhà nước bắt đầu đảm nhiệm nhiều hơn vai trò sửa chữa các thất bại của thị trường và xây dựng định hướng phát triển dài hạn.  

Các chính sách định hướng phát triển thường thấy trong giai đoạn này tập trung nhiều vào tạo việc làm mới, phát triển cơ cấu cũng như nâng cao chất lượng việc làm.  

Thí dụ như Nhật Bản, trong giai đoạn 1970-1990 đã ban hành luật nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp điện tử và máy móc; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, đặc biệt giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn, công nghệ, tham gia vào những lĩnh vực mới, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đất nước này cũng tập trung vào các ngành sản xuất lớn, hiện đại, then chốt và có hiệu quả cao như: luyện kim, đóng tàu, chế tạo máy, hóa chất, điện tử và vi điện tử; đẩy mạnh tự do hóa nền kinh tế, kích thích kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường kết hợp với sự điều tiết của Nhà nước.

Trong khi đó, ở giai đoạn 1969-1990, Malaysia điều hành phát triển theo Chính sách kinh tế mới và được hiện thực hóa qua hai giai đoạn chiến lược. Đó là: chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu (ISI) và chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu (EOI).  

Nếu chiến lược ISI tập trung bảo đảm cơ cấu dân tộc của lực lượng lao động trong toàn bộ nền kinh tế, bao phủ đến cấp độ của doanh nghiệp (cơ cấu lại việc làm), thì chiến lược EOI dành ưu đãi cho các nhà đầu tư nước ngoài và phát triển các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động, điển hình như điện và hàng điện tử, dệt may và hóa chất.  

Ở Hàn Quốc, giai đoạn 1970-1997 cũng là giai đoạn công nghiệp hóa với các chính sách xoay quanh đào tạo và tuyển dụng, lương thưởng và tư tưởng khởi tạo để tái cơ cấu việc làm từ nông nghiệp thủ công sang sản xuất và dịch vụ.

Hoàn thiện thể chế thị trường lao động 

Giai đoạn này, thị trường lao động của các quốc gia đã hình thành đầy đủ các cấu phần và đi vào vận hành tương đối đồng bộ. Hỗ trợ chính sách của các quốc gia tập trung nhiều hơn vào việc hoàn thiện các thể chế, định chế của thị trường, nâng cao vai trò khắc phục các thất bại của thị trường và định hướng phát triển thị trường với trọng tâm là cơ cấu, trình độ và quyền lợi của người lao động.  

Điều này thể hiện rất rõ ở Trung Quốc từ những năm 2000 trở lại đây. Các chính sách tập trung vào nỗ lực tạo môi trường làm việc công bằng hơn, tăng cường đào tạo kỹ năng, hình thành hệ thống ngành công nghiệp để phối hợp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và ưu tiên thu hút nhân tài, lao động trình độ cao.   

Đặc biệt, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống dịch vụ doanh nghiệp và việc làm công cộng toàn diện, thuận tiện và hiệu quả. Trong hệ thống đó, các trung gian việc làm tư nhân phát huy đầy đủ vai trò của các cơ chế thị trường trong khuôn khổ pháp lý bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình công bố thông tin tuyển dụng, bảo đảm cơ hội việc làm bình đẳng và điều kiện việc làm công bằng.  

Trong khi đó, giai đoạn hoàn thiện thể chế của Nhật Bản chú trọng hơn vào việc phát triển kỹ năng và đào tạo lại cho người lao động, áp dụng các chính sách tiền lương theo năng lực và hỗ trợ người lao động chuyển đổi công việc, chuyển đổi nghề từ giữa những năm 1990. 

Từ đầu những năm 2000 đến nay, Nhật Bản tập trung nhiều vào các chính sách đặc thù để thị trường lao động phát triển một cách hài hoà hơn, như tạo điều kiện để phụ nữ tham gia thị trường nhiều hơn, tận dụng nguồn lao động người cao tuổi và mở rộng sử dụng lao động nhập cư. 

Với Hàn Quốc, từ sau khủng hoảng tài chính 1997, quyết định này cũng bước sang giai đoạn hoàn thiện thể chế thị trường, đẩy mạnh thiết chế “thỏa thuận ba bên” để giải quyết sa thải hàng loạt và cho phép doanh nghiệp sử dụng lao động thời vụ, đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người lao động qua Chương trình bảo vệ người lao động, dự án việc làm công và Hệ thống bảo hiểm việc làm. Trong giai đoạn này, Hàn Quốc cũng ưu tiên các chính sách cải thiện hệ thống an sinh xã hội, giới thiệu hệ thống bảo đảm an sinh cơ bản để hoàn thiện hơn các định chế giá đỡ cho thị trường.  

Bài học kinh nghiệm 

Từ kinh nghiệm hoạch định và triển khai chính sách thúc đẩy thị trường lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc, một số bài học có thể rút ra cho Việt Nam trong quá trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động hiện nay như sau: 

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý và hệ thống chính sách ưu tiên việc làm, bảo đảm lợi ích của người lao động thông qua việc thường xuyên đánh giá và bổ sung kịp thời các quy định pháp luật và các cơ chế chính sách, chế độ đãi ngộ để thu hút lao động có trình độ cao. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến chính sách, chế độ tiền lương trả cho người lao động, tương xứng với kết quả và hiệu quả lao động của họ. Ngoài chế độ tiền lương, việc nghiên cứu chế độ phụ cấp, chế độ khuyến khích cho những người làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả cũng cần được coi trọng. 

Thứ hai, phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, cấp và thẩm định chứng chỉ trình độ, nghề để nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Đặc biệt, Chính phủ cần chú trọng tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực từ trong các trường đại học, cao đẳng hay dạy nghề, tránh tình trạng “học không đi đôi với hành”.  

Điều này đòi hỏi sự kết nối chặt chẽ và chủ động hơn nữa giữa doanh nghiệp sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo. Các trường đại học ở Việt Nam có thể thực hiện các chương trình liên kết với các doanh nghiệp theo đúng chuyên môn đào tạo để học viên có cơ hội tiếp xúc với công việc thực tế tại doanh nghiệp, tránh tình trạng khó tìm việc làm, chậm bắt kịp với nhịp độ công việc, hoặc phải trải qua đào tạo lại tại doanh nghiệp khi gia nhập thị trường lao động.  

Thứ ba, thúc đẩy sự phát triển cân bằng giữa các khu vực địa lý, các khu vực có cơ cấu lao động-việc làm thiếu cân đối để kết nối lực lượng lao động, xóa bỏ phân biệt trong thị trường lao động.  

Trước hết, cần hoàn thiện các quy định pháp luật và các thủ tục hành chính liên quan đến công bằng việc làm trên toàn quốc. Bên cạnh đó, cần thiết lập và cải thiện hệ thống giáo dục và dạy nghề để liên tục nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động trên thị trường lao động. Điều này sẽ giúp người lao động có thể dễ dàng chuyển đổi công việc không chỉ theo vị trí việc làm mà còn theo các khu vực sử dụng lao động. Những giải pháp này cần đi kèm với việc liên tục nâng cao nhận thức, khuyến khích và hỗ trợ người lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của 

Thị trường lao động Việt Nam hiện nay được đánh giá đã đi vào thời kỳ hoàn thiện thể chế thị trường. Tuy nhiên, các bài học chính sách của các nước qua các thời kỳ chắc chắn vẫn còn có những giá trị không nhỏ trong quá trình xây dựng chính sách ở Việt Nam.

Theo ThS. CHU THỊ LÊ ANH;  ThS. LÊ QUỲNH TRANG/Báo nhân dân online

https://nhandan.vn/nha-nuoc-ho-tro-phat-trien-thi-truong-lao-dong---kinh-nghiem-quoc-te-va-bai-hoc-cho-viet-nam-post712924.html