Nhạc trưởng người Nhật và mối nhân duyên với Việt Nam

Published Date
30/11/2023

Trả lời phỏng vấn Báo TG&VN nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji cho rằng, chính số mệnh đã đưa ông gắn bó với với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.


Nhạc trưởng người Nhật và mối nhân duyên với Việt Nam
Nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji.

Ông từng rất thành công ở Nhật Bản và Châu Âu, giành được nhiều giải thưởng, nhận được lời mời từ khắp nơi trên thế giới. Vậy điều gì đã khiến ông đến Việt Nam và gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam nhiều năm như vậy?

Vào tháng 10/2000, tôi cùng Dàn nhạc Nagoya Philharmonic thực hiện chuyến lưu diễn mang tên Toyota Classic đem văn hóa giao hưởng đến các nước Châu Á được tổ chức tại 8 quốc gia.

Tôi nhớ Hà Nội là địa điểm thứ 4. Trên xe buýt từ sân bay Nội Bài về khách sạn Nikko Hà Nội (nay là Hotel du Parc Hanoi), tôi đã bị hớp hồn bởi khung cảnh được tạo ra bởi ánh đèn vàng của các cửa hàng trên phố. Cảnh tượng trên đường đến quán phở buổi đêm cũng vậy.                                       

Tối 28/11, tại lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản ở Tokyo đã diễn ra Chương trình Hoà nhạc Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc là Nhà hát Lớn Hà Nội. Khi đang ngồi ở hàng ghế khán giả chuẩn bị tổng duyệt, bất chợt nhìn lên logo thì tôi thấy con số “1911”. Đây là năm mà nhà soạn nhạc kính mến Gustav Mahler qua đời. Trong khoảnh khắc đó, tôi nghĩ: Năm 2011 kỷ niệm 100 năm ngày mất của Mahler và 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội, và tôi quyết tâm bằng cách nào cũng phải quay lại đây để trình diễn bản giao hưởng số 9 của Mahler vào năm 2011!

Hôm đó, độc tấu cho buổi hòa nhạc là nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân (lúc bấy giờ là nghệ sĩ cello chính và là phó giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam - VNSO). Sau buổi biểu diễn, ông Quân đến gặp tôi ở phòng thay đồ và nói: “Hãy giúp chúng tôi, hãy quay lại đây!”. Tôi hỏi ông Quân: “Tôi có thể làm được gì?“ và được đáp lại rằng “Chỉ huy, dạy học, tất cả! Nhưng chúng tôi không có nhiều tiền để trả”.

Ngay lập tức tôi nhận lời, không nghĩ rằng có thể sớm quay lại Việt Nam như vậy. Năm 2001, tôi kết thúc hợp đồng với dàn nhạc Nagoya và mối nhân duyên với Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam đã bắt đầu từ tháng 2/2001. Năm 2011, chúng tôi đã thực hiện được buổi biểu diễn bản giao hưởng số 9 của Mahler. Bây giờ nghĩ lại, tôi chỉ có thể nói đó là số mệnh.

Ấn tượng và cảm tưởng của ông về những hoạt động, dự án với dàn nhạc giao hưởng Việt Nam?

Nhiều đến nỗi tôi không thể kể hết. Năm 2003, chúng tôi biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng Osaka nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Năm 2004 là lần đầu tiên chúng tôi công diễn tại Nhật Bản trong khuôn khổ tuần lễ các dàn nhạc Châu Á.                                                                                


Nhạc trưởng Honna Tetsuji cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình hòa nhạc cùng Dàn nhạc giao hưởng Osaka (Osaka Symphony Orchestra) ngày 6/4/2023 tại Nhà hát Fenice Sakai.

Đến năm 2005, chúng tôi bắt đầu các buổi hòa nhạc định kỳ. Tiếp theo là chương trình hòa nhạc Toyota bắt đầu từ năm 2007 đến nay được tổ chức tại nhiều địa phương của Việt Nam. Ngoài ra còn có các chuyến lưu diễn ở Lào, Campuchia. Từ năm 2007-2012, chúng tôi biểu diễn tất cả bản giao hưởng của Mahler. Năm 2008 là lưu diễn nhân Liên hoan âm nhạc La Folle Journee ở diễn đàn toàn cầu Tokyo. Từ năm 2009-2011 chúng tôi đã biểu diễn tất cả các bản giao hưởng của Beethoven. Đó đều là những kỷ niệm đẹp.

Năm 2010, chúng tôi đã biểu diễn chung với Dàn nhạc Giao hưởng Tokyo và chào đón Dàn nhạc giao hưởng New York Philharmonic. Cùng năm đó có buổi hòa nhạc Bản giao hưởng số 8 của Mahler nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với sự tham gia của các nghệ sĩ độc tấu, hợp xướng và dàn nhạc khách mời từ khắp nơi trên thế giới.

Năm 2011 là chuyến lưu diễn đầu tiên tại Hoa Kỳ với tên gọi “Harmony Concert”, được tổ chức ở Carnegie Hall (NewYork) và Boston Symphony Hall (Boston). Buổi biểu diễn tại Boston có rất nhiều cựu chiến binh tham dự.

Năm 2013, dàn nhạc lưu diễn tại 7 thành phố của Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Tại buổi công diễn ở Tokyo, chúng tôi đã được chào đón Thái tử Narahito (nay là Nhà vua Nhật Bản). Dàn nhạc đã chơi các bản Vào chùa, Sợi tơ nhện, Bản giao hưởng số 7 của Beethoven tại chùa Todaiji – Nara. Tác phẩm Sợi tơ nhện có sự tham gia của nghệ sĩ Lê Khanh đại diện cho Việt Nam.

Năm 2014, chương trình hòa nhạc kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ được tổ chức. Năm 2015, diễn ra chương trình “Giai điệu mùa thu” trên sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Năm 2018, chúng tôi có chuyến lưu diễn Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam với sự tham dự của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản trong đêm diễn ở Suntory Hall.

Tháng 6/2020, chương trình hòa nhạc mang tên We Return do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phối hợp tổ chức với sự tham gia của 160 nghệ sĩ hàng đầu. Đó là một kỷ niệm tuyệt vời, bởi chúng tôi đã buổi biểu diễn thăng hoa vào thời điểm gần như đại dịch Covid-19 đã kết thúc.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                         

Nhạc trưởng người Nhật và mối nhân duyên với Việt Nam
Buổi hòa nhạc We Return được tổ chức tại Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam tối 19/6/2020, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

    

Năm 2001, tôi được bổ nhiệm làm “Cố vấn âm nhạc và chỉ huy dàn nhạc trong dự án nâng cấp VNSO”. Hợp đồng đầu tiên có hiệu lực đến năm 2005 với mục tiêu là đưa VNSO lên tầm châu Á; và hợp đồng ký năm 2005 đặt mục tiêu đưa VNSO lên tầm cỡ quốc tế vào năm 2010. Đương nhiên đây không phải là một việc dễ dàng và một mình tôi chắc chắn không thể thực hiện được nhiệm vụ lớn lao đó. Do vậy cho đến nay, tôi thường xuyên mời những nhạc công giỏi đến Hà Nội cùng biểu diễn. Chúng tôi cũng đã nhận được sự hỗ trợ trong nhiều năm qua từ Quỹ Giao lưu Quốc tế (Nhật Bản), Viện Goethe (Đức), Trung tâm Văn hóa Pháp (Pháp), Dự án Transposition (Na Uy)...    

Xin ông cho biết cần làm gì để tăng cường giao lưu văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản thông qua âm nhạc?    

Cho đến nay, giao lưu giữa những người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến âm nhạc ngày càng phát triển. Tôi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu việc các dàn nhạc, opera hay ballet bay từ Việt Nam sang Nhật để biểu diễn, hay bay chiều ngược lại từ Nhật Bản sang Việt Nam, trở nên phổ biến.    

Ông có kế hoạch gì đặc biệt nào nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao Nhật Bản-Việt Nam không?    

Đó là vở opera mới “Công nữ Anio” được ấp ủ từ 3 năm trước sẽ được công diễn lần đầu tiên ngày 22-24/9/2023. Câu chuyện tình yêu giữa nàng Công nữ của Hội An (Ngọc Hoa) và chàng thương nhân Nagasaki (Araki Sotaro) 400 năm trước được tái hiện bởi các ca sĩ opera và chuyên gia sân khấu hàng đầu đại diện cho Việt Nam và Nhật Bản.                                                                                 

Nhạc trưởng người Nhật và mối nhân duyên với Việt Nam
Vở opera “Công nữ Anio” được xây dựng dựa trên câu chuyện tình yêu có thật giữa công nữ Ngọc Hoa từ Hội An, Việt Nam và chàng thương nhân Araki Sotaro đến từ Nagasaki, Nhật Bản cách đây khoảng 400 năm, vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản.

Có rất nhiều điều đặc biệt trong vở diễn này – có nhiều bản nhạc nổi tiếng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng là tác giả âm nhạc, đạo diễn, tác giả kịch bản Oyama Daisuke và nhà thơ Hà Quang Minh đã viết những ca từ đẹp bằng tiếng Nhật và tiếng Việt. Buổi công diễn ở Nhật Bản được tổ chức vào ngày 4/11 tại Hội trường Hitomi Memorial Hall, Trường Đại học nữ sinh Showa.  

Ông có thể chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ của mình tại Việt Nam?    

Tôi bắt gặp vẻ đẹp huyển bí khi sáng tác nhạc cùng với các nhạc sĩ người Việt Nam. Đó là những âm thanh chưa từng nghe ở các dàn nhạc của nước khác. Phải chăng điều này xuất phát từ sự nhạy cảm của người Việt hay vẻ đẹp của ngôn từ? Có những thứ như vết hằn của trái tim xuất hiện trong âm thanh. Trong một buổi hòa nhạc, đôi khi có thể nghe thấy những âm thanh đẹp mà không thể diễn tả bằng lời.    

Hoạt động của các nhạc sĩ trẻ trong những năm qua thật đáng ghi nhận. Các sinh viên tài năng của chúng tôi đi du học ở các quốc gia như Áo, Hungary, Đức, Scandinavia, Hoa Kỳ, Nga và Canada. Có rất nhiều tài năng đáng được chú ý và tôi tin rằng sẽ đến ngày Việt Nam gia nhập các cường quốc âm nhạc thế giới                   

            

Nhạc trưởng Honna Tetsuji sinh năm 1957 tại Nhật Bản. Ông đến Việt Nam vào năm 2000, khi thực hiện chuyến lưu diễn chương trình hòa nhạc Toyota Classic. Sau đó, ông nhận lời làm cố vấn âm nhạc và chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Hiện nay, ông là chỉ huy chính của Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam. Ông được cho là người có nhiều đóng góp về kỹ thuật và thẩm mỹ cho Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam, trực tiếp đem tới Việt Nam nhiều dự án đào tạo và cộng tác với nghệ sĩ quốc tế.

Theo Nguyễn Kim/Baoquocte.vn              

https://baoquocte.vn/nhac-truong-nguoi-nhat-va-moi-nhan-duyen-voi-viet-nam-251769.html