Nhiều bước tiến nổi bật trong hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc
Trong 8 tháng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên trở thành quốc gia có nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn hàng đầu tại Việt Nam, qua đó tái khẳng định vai trò đối tác thương mại lớn nhất của nước ta.
Đa dạng lĩnh vực đầu tư
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023 dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 2,69 tỷ USD, tăng 90,8% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư của hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ tại nước ta. Xét về số dự án, Trung Quốc cũng dẫn đầu về số dự án mới với tỷ lệ 20,7%.
Cơ cấu nguồn vốn cũng đa dạng hơn cả về ngành nghề và lĩnh vực, từ nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng đến dệt may, da giày và mở rộng sang các lĩnh vực như công nghệ cao, khu công nghiệp.
Đơn cử, 3 năm kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam, hãng xe máy điện Yadea đã hé lộ kế hoạch mở rộng quy mô tại nước ta, với nhà máy mới đặt tại khu công nghiệp Tân Hưng (Bắc Giang) vào quý IV-2023 với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD. Tương tự, tập đoàn HKC cũng có dự án trị giá 10 triệu USD phục vụ sản xuất màn hình tivi tại Đồng Nai và đã được cấp giấy phép vào tháng 7 vừa qua.
Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)..., trong đó có nhiều khu công nghiệp công nghệ cao.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) đánh giá, những kết quả trên tiếp tục đóng góp đáng kể vào đà phát triển hợp tác đầy ấn tượng giữa hai nước, nhất là giữa lúc kinh tế toàn cầu đang trì trệ.
Tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Theo các chuyên gia kinh tế, có được điều này là do hai nước sở hữu những điều kiện tốt, phù hợp, bổ sung lẫn nhau, cho phép tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại.
Theo Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung, Việt Nam và Trung Quốc đều có dân số đông, cùng trong giai đoạn phát triển giống nhau và có tiềm năng lớn cho thương mại song phương. Hiện nay, các công ty Trung Quốc có năng lực, danh tiếng và công nghệ tốt cũng đang được khuyến khích đầu tư vào Việt Nam trên cơ sở các nguyên tắc về thị trường và kinh doanh.
Tính bổ sung lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc còn thể hiện rõ trong cơ cấu xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước. Nhiều nông sản Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, qua đó tăng hiệu quả và tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới. Đông đảo doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia Hội chợ quốc tế doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc lần thứ 18 tại thành phố Quảng Châu vào tháng 6 vừa qua, và đang hướng tới Hội nghị xúc tiến Hội chợ Hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc năm 2023 trong tháng 10.
Cùng với đó, số lượng các văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc được mở ra ngày càng nhiều và được đặt ở những vị trí thuận lợi cho kinh doanh. Những động thái này thể hiện nỗ lực từ các doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam trong khôi phục hợp tác sản xuất, mở rộng giao lưu thương mại, đặc biệt là hệ thống phân phối, cũng như tăng cường hiệu quả xuất khẩu sang nền kinh tế láng giềng đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra tiềm năng to lớn vẫn còn ở phía trước.
Đơn cử, con số 2,69 tỷ USD vốn đầu tư Trung Quốc đổ vào Việt Nam trong 8 tháng năm nay còn rất nhỏ so với hơn trăm tỷ USD mà nước này đầu tư ra nước ngoài hằng năm. Cùng với đó, việc thực hiện đầy đủ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hoàn toàn có thể mở ra những cơ hội để làm sâu sắc hơn nữa chiều sâu, phạm vi hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời giúp hai nước phát huy lợi thế so sánh của nhau. Đây chính là những nền tảng quan trọng để mối quan hệ đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Dĩ nhiên, những thành tựu trên không thể đạt được nếu thiếu sự tin cậy chính trị lớn giữa hai nước. Một thực tế là, từ nhiều năm nay, Việt Nam và Trung Quốc đã chứng kiến tiến trình phát triển tốt đẹp của quan hệ hai Đảng, hai nước, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11-2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính (6-2023). Hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp, điều phối thúc đẩy cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, phối hợp chặt chẽ, tăng cường giao lưu, hợp tác…
Có thể nói, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện đang ngày càng phát huy ý nghĩa tích cực, luôn là tiền đề quan trọng để quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Nhìn chung, với nền tảng vững chắc và tiềm năng to lớn, thời gian tới chắc chắn sẽ chứng kiến Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có những thành tựu hợp tác mới trên nhiều lĩnh vực, qua đó đưa quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước lên tầm cao mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển thịnh vượng, hòa bình không chỉ của hai nước, mà còn cả khu vực và thế giới.
https://hanoimoi.vn/nhieu-buoc-tien-noi-bat-trong-hop-tac-kinh-te-viet-nam-trung-quoc-640440.html
Hoàng Linh/hanoimoi