Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá

Published Date
18/02/2022

Từ sau đợt nghỉ tết, tại TPHCM, giá một số mặt hàng đã rục rịch tăng, nhất là sau khi giá xăng dầu tăng, vượt 25.000 đồng/lít.

Chọn mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG

Chọn mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: LẠC PHONG

Giá sắt thép, xi măng tăng cao

 Ngay sau khi giá xăng điều chỉnh tăng, các doanh nghiệp thép đã có văn bản gửi khách hàng thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm tăng khá cao. Cụ thể, thép các thương hiệu thép lớn như Hòa Phát, Thép miền Nam, Việt Mỹ tăng 410 đồng/kg với sản phẩm thép cuộn, lên mức 17.210 đồng/kg; thép thanh vằn tăng 360 đồng/kg, lên mức 17.460 đồng/kg. Sau đợt tăng này, giá thép xây dựng của nhiều thương hiệu đang gần tới đỉnh năm 2021, khoảng 18.000 đồng/kg.

“Lý do điều chỉnh giá bán được nhà sản xuất thép đưa ra là giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng. Nhưng thông thường tôi thấy, cứ mỗi lần giá xăng dầu tăng, lập tức họ tăng giá bán theo”, bà Nguyễn Thị Vân, đại lý chuyên kinh doanh sắp thép xây dựng (quận Bình Tân), nói.

Tương tự, đại diện Hiệp hội Xi măng Việt Nam xác nhận, nhiều doanh nghiệp xi măng đã phải điều chỉnh tăng giá bán để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Theo các nhà thầu xây dựng, giá cả vật liệu xây dựng biến động tăng cao sẽ xuất hiện nhiều rủi ro, do đó sẽ xem xét lại những gói thầu đã ký kết, đặc biệt loại hợp đồng bao “trọn gói” cũng như đơn giá cố định.

“Năm 2021, với việc giá thép tăng gần 50%, kéo theo nhiều loại vật tư khác cũng tăng trên dưới 20% khiến chúng tôi lỗ nặng. Với diễn biến hiện nay, chúng tôi vẫn chưa ký kết hợp đồng trọn gói, mà đang đàm phán với chủ đầu tư chia sẻ rủi ro theo tỷ lệ của biến động giá vật tư mới dám nhận làm”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc TNHH SX-TM-DV Xây dựng Hoàng Long (quận 12), chia sẻ.

Nhiều mặt hàng rục rịch tăng giá ảnh 1
Người dân chọn mua hàng hóa tại siêu thị

Hàng tiêu dùng vẫn ổn định

 Ở lĩnh vực hàng thực phẩm, dù sức mua hiện nay khá yếu nhưng cũng xuất hiện tình trạng “đẩy giá” ở một số chợ truyền thống hay các điểm bán tự phát. Cụ thể, giá trái cây, thịt heo, cá những ngày gần rằm tháng Giêng tăng từ 10.000-30.000 đồng/kg, tùy loại. Trong khi đó, trao đổi với phóng viên ngày 17-2, cả 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức khẳng định trong chợ hàng hóa về nhiều, không có tình trạng tăng giá.

Riêng đại diện chợ Bình Điền xác nhận, hiện chỉ có giá cá biến động tăng nhẹ từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cao điểm tết. Nguyên nhân, do nông dân tập trung thu hoạch để tiêu thụ dịp trước tết, nên hiện nay chưa đến vụ chính, dẫn đến một số loại cá về chợ hạn chế. 

Ghi nhận thực tế tại hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị như Emart, Aeon, Co.opmart, Satra… hiện vẫn giữ ổn định giá bán hầu hết các mặt hàng, thậm chí có nhiều chương trình khuyến mại lớn để kích cầu do sức mua thấp.  

Đại diện Sở Công thương TPHCM khẳng định, hiện nay không có tình trạng khan hiếm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu do đã được chuẩn bị sẵn để cung ứng đủ trước, trong và sau tết 1 tháng. Trong đó, chủ lực đảm bảo nguồn cung lẫn bình ổn giá là hệ thống các chợ đầu mối, truyền thống, doanh nghiệp bình ổn thị trường và hệ thống siêu thị.

Sở Công thương TPHCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý 1 ước đạt 73.514 tỷ đồng, tăng 5,1% so với tháng trước. Hai lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 là bán lẻ và du lịch lữ hành cũng tăng khá trở lại, bán lẻ hàng hóa tăng 7,1%, du lịch lữ hành tăng 8%.

LẠC PHONG/SGGP