Nhiều nền tảng vững chắc để tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2024
Theo báo cáo Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của S&P Global, tình trạng nhu cầu tăng mạnh giúp các doanh nghiệp thu hút được khách hàng mới và các đơn đặt hàng mới, ngành sản xuất cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp.
Theo đó, PMI ngành sản xuất của Việt Nam đạt 50,3 trong tháng 5/2024, cho thấy các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất Việt Nam đã cải thiện nhẹ tháng thứ hai liên tiếp. Sức khỏe của ngành đã thay đổi tích cực trong 5 tháng đầu năm 2024.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh trong tháng 5 khi tình trạng nhu cầu mạnh lên đã giúp các doanh nghiệp thu hút được khách hàng mới và các đơn đặt hàng mới.
Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng nhẹ. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khuyến khích các nhà sản xuất nâng cao sản lượng tháng thứ hai liên tiếp, đồng thời cũng là nhanh nhất kể từ tháng 9/2022.
Đánh giá về ngành sản xuất của Việt Nam, ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence cho rằng, còn nhiều áp lực trong thời gian tới, tuy nhiên, các công ty có thể lạc quan khi thời gian qua đã thành công trong việc thu hút các đơn đặt hàng mới. Ông hy vọng doanh nghiệp có thể khắc phục những tác động ngược chiều đang ảnh hưởng đến các khía cạnh khác của hoạt động kinh doanh.
Số liệu gần đây nhất do Tổng cục Thống kê (GSO) công bố cũng tiếp tục khẳng định triển vọng tích cực về quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam:
- Xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số. Thặng dư thương mại lên tới 7,8 tỷ USD so với đầu năm trong tháng 5, thấp hơn mức 9,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.
- Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khá lạc quan, cho thấy các nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng vào môi trường chính trị và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
- Tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và lưu trú (15,1% so với cùng kỳ) và du lịch (45,1% so với cùng kỳ).
Theo đại diện S&P Global nhận định, trong khi những rủi ro bên ngoài tiếp tục đè nặng lên triển vọng kinh tế (bao gồm xung đột ở Đông Âu và Trung Đông), triển vọng của Việt Nam được củng cố nhờ sự phục hồi của nhu cầu chip bán dẫn, tăng trưởng ổn định ở Trung Quốc và khu vực, cũng như những sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng đang diễn ra.
Đại diện S&P Global cũng dự báo, tăng trưởng GDP sẽ tăng lên 6% so với cùng kỳ trong quý II/2024, kéo dài mức tăng 5,66% trong quý I/2024. Duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,0% cho năm 2024 (trong khi mục tiêu chính thức: 6,0-6,5%).
Hạo Hiển - https://doanhnhansaigon.vn/nhieu-nen-tang-vung-chac-de-tang-truong-kinh-te-trong-6-thang-cuoi-nam-2024-311526.html